Phạt nhiều nhưng phụ cấp chỉ 1 triệu/tháng

Phạt nhiều nhưng phụ cấp chỉ 1 triệu/tháng
TP - Thay vì tập trung hướng dẫn điều tiết giao thông, hiện cứ 5 CSGT làm nhiệm vụ tại nút giao thông Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến thì có hai cảnh sát phải làm nhiệm vụ xử phạt.

Xung quanh chuyện khoán phạt 500 tỷ đồng của CSGT Hà Nội:

Phạt nhiều nhưng phụ cấp chỉ 1 triệu/tháng

Vi phạm liên quan chứng khoán: Phạt tới 500 triệu đồng

Công việc này diễn ra đều đặn hằng ngày. Thượng uý N.V.M, thường xuyên làm nhiệm vụ tại nút giao thông này cho biết, nếu trước đây vào giờ cao điểm cả 5 người cùng tham gia hướng dẫn, điều tiết giao thông thì nay để đủ mức khoán, anh em thường phải cắt cử ít nhất 2 người để xử phạt. Điều này cũng đang diễn ra tương tự với nhiều nút giao thông lớn, có mật độ phương tiện dày đặc ở Thủ đô như Lê Văn Lương - Láng, Kim Mã - Liễu Giai, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học, Giải Phóng - Đại Cồ Việt...

Theo công an TP Hà Nội, hiện số tiền xử phạt giao thông hằng năm được trích lại để mua sắm thiết bị và bồi dưỡng thêm cho mỗi anh em làm nhiệm vụ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên theo nhiều CSGT, từ khi có quy định khoán phạt, anh em dù có phạt nhiều, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mức bồi dưỡng này cũng không thay đổi. Cụ thể, với một CSGT có quân hàm thiếu uý, mức lương theo quy định khoảng 3 triệu, cộng với 1 triệu bồi dưỡng từ tiền phạt thì tổng cộng mỗi tháng thiếu uý này có tổng thu nhập 4 triệu đồng. “Đây là mức thu nhập cực kỳ thấp so với mặt bằng chung chứ chưa nói gì tới công sức anh em bỏ ra hằng ngày”, một lãnh đạo đội CSGT nhận xét.

Về việc này, Thiếu tướng Trần Thùy, PGĐ Công an TP Hà Nội cho rằng, hiện thành phố có hơn 1.100 CSGT. Từ khi có quy định các khoản hỗ trợ của anh em được trích từ một phần tiền xử phạt nên mỗi tháng ngoài lương anh em chỉ được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/ tháng. Do mức thấp như vậy nên công an thành phố vừa có kiến nghị được giữ lại toàn bộ số tiền phạt hằng năm để có thể nâng mức hỗ trợ lên khoảng 3 triệu đồng/ tháng.

Cũng theo ông Thuỳ, số tiền hằng năm ngoài hỗ trợ anh em, mua sắm trang thiết bị cũng còn phải trích ra một phần cho Ban chỉ đạo của thành phố và trung ương làm công tác điều hành, chỉ đạo chứ công an thành phố cũng không giữ hết.

Không thể khoán phạt cho CSGT

Tán thành với việc xử lý nghiêm người vi phạm giao thông, nhưng Cựu Bộ trưởng GTVT Đồng Sỹ Nguyên và một số chuyên gia cho rằng, việc khoán phạt cho CSGT là bất hợp lý và dễ phát sinh tiêu cực.

“Việc khoán phạt cho CSGT để đảm bảo trật tự là không được, nó không chỉ trái quy định mà còn là một hình thức làm tăng tiêu cực”, ông Nguyên cảnh báo.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, sau hướng dẫn, điều tiết giao thông, nhiệm vụ tiếp theo của CSGT mới là xử phạt. Tuy nhiên việc xử phạt này cũng trên tinh thần răn đe, giáo dục là chính chứ không mang nặng tạo nguồn thu cho nhà nước hay bất kỳ tổ chức xã hội nào. “Nếu lấy doanh thu từ xử phạt làm tiêu chuẩn đảm bảo trật tự của CSGT là không hợp lý. Hơn nữa do CSGT muốn hoàn thành chỉ tiêu, muốn phạt được nhiều, khi làm nhiệm vụ nhiều CSGT sẽ bỏ nhiệm vụ chính để thả lưới, thậm chí là “nấp” chờ người dân vi phạm”. Nhìn từ góc độ pháp luật, Luật sư Trần Quang Mỹ cho rằng, đây là chủ trương không hợp với quy định nhà nước. Làm sao biết người dân vi phạm bao nhiêu mà khoán, mà đặt chỉ tiêu xử phạt. Mà một khi đã khoán thì đơn vị thực hiện bắt buộc phải phạt bằng mọi giá, mọi cách. Đây thực sự là một tình tiết tăng chế tài để CSGT phải xử lý vi phạm nhiều hơn chứ không phải mục tiêu đảm bảo giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG