Phạt tiền cao dễ phát sinh tiêu cực

Phạt tiền cao dễ phát sinh tiêu cực
TP - Hôm qua, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có quan điểm khác nhau về việc nâng mức phạt hành chính tối đa lên 2 tỷ đồng và bỏ quy định đưa người bán dâm đi phục hồi nhân phẩm.

> Bàn về đổi mới hoạt động của Quốc hội

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Phạm Thị Thu Hồng phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Phạm Thị Thu Hồng phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN.

Mức phạt phải phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nâng mức phạt tiền tối đa với tổ chức là 2 tỷ đồng, cá nhân 1 tỷ đồng là hợp lý. Nâng mức tiền phạt sẽ có tác dụng răn đe và phòng ngừa lớn.

Ông Hiến cho rằng, mức phạt hiện nay đã lạc hậu, người dân kêu, người thi hành công vụ cũng kêu, dẫn đến vi phạm hành chính ngày càng nghiêm trọng, ngang nhiên.

Tuy nhiên, ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, mức phạt tiền cao không phải là giải pháp hữu hiệu, mà thậm chí còn dẫn đến tiêu cực. "Mức phạt phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân”, ông Nam nói.

Theo Ủy ban Thường vụ QH, nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt tiền tối đa 2 tỷ đồng là quá cao, nhất là mức đối với cá nhân và không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và với mức phạt tiền quy định trong Bộ luật Hình sự.Quy định mức phạt tiền cao dễ phát sinh tiêu cực giữa người vi phạm và người thi hành công vụ.

Về quy định các thành phố lớn được xử phạt gấp đôi trong một số lĩnh vực, ĐB Ngô Văn Minh không đồng tình và cho rằng, mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật.

Tại các thành phố lớn, bức xúc chủ yếu là ùn tắc giao thông, trong đó có nguyên nhân do hạ tầng, quản lý nhà nước, lực lượng mỏng, chứ không phải do mức xử phạt thấp. Do vậy, "không nên quy định đặc thù cho các thành phố”.

Đề xuất buộc người mua dâm đi chữa bệnh

Một nội dung cũng được các ĐBQH tranh luận sôi nổi là vấn đề “bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh”. ĐB Thân Đức Nam cho rằng, bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là phù hợp, bởi xử lý như thời gian qua là quá nghiêm khắc và không cần thiết.

Tuy nhiên, ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng, tình hình mại dâm vẫn rất phức tạp, trong đó nhiều người bán dâm bị bệnh xã hội cần chữa trị. ĐB Ngô Văn Minh cho rằng, nếu bắt ngđược ười bán dâm mà thả ra thì họ sẽ tiếp tục vi phạm, rất khó khăn trong việc xử lý tệ nạn này.

Do vậy, nên có trung tâm giáo dục lao động hướng nghiệp, bắt buộc đào tạo nghề từ 6 tháng đến 1 năm đối với người bán dâm.

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên) đề xuất: "Nếu vẫn đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc thì cũng phải đưa người mua dâm vào các cơ sở này. Bởi theo quy luật có cung thì mới có cầu”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG