Phát triển cây Mắc ca: Không đẩy rủi ro cho dân

Bộ NN&PTNT định hướng phát triển cây mắc ca đến năm 2020 chỉ khoảng 10.000 ha. Ảnh: Ngô Bình
Bộ NN&PTNT định hướng phát triển cây mắc ca đến năm 2020 chỉ khoảng 10.000 ha. Ảnh: Ngô Bình
TP - “Để đưa giống mới ra thị trường phải có cơ sở khoa học và thực tiễn. Việc khảo nghiệm sản phẩm, cây trồng mới là trách nhiệm của Nhà nước, với sự hỗ trợ từ doanh nghiệp; không đẩy rủi ro cho người dân”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nói ngày 6/4.

“Chưa đủ căn cứ khoa học”

Trao đổi với Tiền Phong về việc phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, ông Tuấn cho biết, ngày 6/4, Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. Theo đó, tổng diện tích trồng cây mắc ca cả nước đến năm 2020 chỉ khoảng 10.000 ha (cả trồng tập trung và trồng xen). Bộ NN&PTNT cho rằng, mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm còn cho kết quả khác nhau. Mặt khác cần xem xét kỹ các vấn đề về chế biến, thị trường.

“Do vậy, đến nay, Bộ chưa đủ căn cứ khoa học để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca. Các quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến với loại hạt này đang giai đoạn hoàn thiện. Bộ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương, tập trung nghiên cứu và ban hành trong năm 2015”- ông Tuấn nói.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, để hạn chế rủi ro cho các tổ chức, cá nhân gây trồng cây mắc ca, đề nghị các địa phương, hướng dẫn nông dân trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự. Không triển khai trồng cây này trên quy mô lớn trong các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả.

Bộ NN&PTNT đề nghị tổ chức đánh giá kết quả khảo nghiệm tại địa phương, xác định cụ thể quy hoạch chi tiết từng tiểu vùng khí hậu với việc phát triển cây mắc ca. Việc phát triển quy mô lớn, nhất thiết phải đảm bảo các điều kiện trên và tổ chức phát triển trồng mới gắn với cơ sở chế biến, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu quản lý chặt chẽ chất lượng giống, cơ sở sản xuất giống, chỉ cho phép trồng các giống cây mắc ca được nhân giống vô tính (cây ghép, chiết) từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận. Bộ NN&PTNT cấm các hoạt động ươm giống, buôn bán giống chưa được cấp phép.

Thị trường chưa rõ ràng

Trong báo cáo Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cho biết: Mắc ca là loại cây ăn quả thân gỗ, thuộc nhóm quả hạch, hạt có vỏ cứng, nhân dùng trực tiếp làm thực phẩm, hoặc chế biến bánh, kẹo, mỹ phẩm... Loại cây này ưa khi hậu mát, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ, sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20-25 độ C, lượng mưa hàng năm 1.500-2.500 mm, độ cao 300-1.200 m. Đất trồng mắc ca tốt nhất là dạng đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, tầng đất sâu, ẩm. Trồng cây mắc ca ở những nơi bị gió mạnh, sương muối, mưa phùn vào thời điểm thụ phấn sẽ giảm khả năng đậu quả.

Hiện mắc ca trồng nhiều ở Úc, Mỹ, Nam Phi, Kenya và một số nước khác, với tổng diện tích khoảng 80.000 ha, sản lượng 140 nghìn tấn quả/năm. Tại Úc - nơi khởi nguồn mắc ca, giá quả khô từ năm 1987 đến 2014 dao động trồng khoảng 1,5-4 đô la Úc/kg (tương đương 25.000-70.000 đồng/kg). Gần đây, giá mắc ca có xu hướng tăng lên do nhu cầu thế giới tăng (chủ yếu ở châu Á).

Tại Việt Nam, hiện mới một vài công ty, cơ sở chế biến hạt mắc ca, nhưng quy mô nhỏ, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca tại nước ta chưa phát triển, bình quân 130.000-150.000 đồng/kg hạt tươi. Hạt mắc ca tươi được thu mua chủ yếu để tạo cây con, làm gốc ghép nhân giống.

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 1994, cây mắc ca được trồng thử nghiệm đầu tiên tại Trại thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), 5 năm sau, một số cây đã bắt đầu cho quả. Sau đó, Bộ tiếp tục cho khảo nghiệm ở nhiều địa phương (16 tỉnh), xây dựng được 20 mô hình khảo nghiệm giống với diện tích 35 ha, trong đó 30 ha đã ra hoa kết quả.

Đến nay, Bộ đã công nhận 10 giống mắc ca và tổng diện tích cây mắc ca cả nước khoảng 2.440 ha.

Trước đó, tại buổi họp tham vấn các nhà quản lý, khoa học ở Việt Nam về trồng cây mắc ca, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, dù có số liệu nói diện tích mắc ca thế giới tăng, nhưng thông tin dự báo tin cậy về nhu cầu chưa rõ ràng.

 Do vậy, việc cây mắc ca ở Việt Nam, cần làm rõ có cạnh tranh được với các nước hay không... “Mắc ca là cây bản địa của Úc, cũng đã có câu hỏi tại sao Úc không mở rộng ồ ạt? Mắc ca là cây á nhiệt đới; vùng khí hậu á nhiệt đới trên thế giới là rất nhiều chứ không chỉ riêng Việt Nam”- ông Phát nói.

Bộ NN&PTNT nghiêm cấm và sẽ siết chặt các hoạt động nhập khẩu giống với mục đích thương mại khi chưa được khảo nghiệm theo quy định. Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với các địa phương siết chặt, cấm hoạt động gieo giống từ hạt để bán cho dân và xem đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý.

MỚI - NÓNG