Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long: Phải lấy con người làm trung tâm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
TP - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu cần rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành, địa phương đã có tại ĐBSCL. Quy hoạch mới cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”(xem toàn văn Nghị quyết trên báo Tiền Phong điện tử - Tienphong.vn).

Lấy con người làm trung tâm

 Nghị quyết nêu rõ, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, phân cấp giữa địa phương và trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối phát triển vùng ĐBSCL chưa phát huy tác dụng.

Thực tế đó đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp.

Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển.

Về chủ trương và định hướng chiến lược phát triển, Nghị quyết nêu rõ mô hình phát triển ĐBSCL phải lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan và tác động của việc khai thác, sử dụng nguồn nước với quy mô lớn, cường độ cao trên thượng nguồn sông Mê Công. Chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và chú trọng bảo tồn giá trị văn hoá, lịch sử, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái của Vùng.

Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long: Phải lấy con người làm trung tâm ảnh 1 Dây chuyền sản xuất tôm xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Chủ động sống chung với lũ”

Nghị quyết cũng nêu rõ, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng. Đồng thời, chú trọng việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra.

Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Phải chú trọng và chủ yếu áp dụng các giải pháp phi công trình, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp công trình.

Nghị quyết cũng yêu cầu cần rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành, địa phương đã có tại ĐBSCL. Quy hoạch mới cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, chủ động bảo đảm nguồn nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và vùng kinh tế nước lợ, nước mặn; khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mọi dự án, công trình phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường, được phản biện khách quan, khoa học.

Về nhiệm vụ cụ thể, Nghị quyết yêu cầu Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ mang tính chất liên ngành, liên vùng về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan khẩn trương rà soát số liệu, hoàn thiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBCCL xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Đồng thời nâng cấp và hiện đại hoá hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường; cập nhật, hoàn thiện và công bố định kỳ Kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam đến năm 2100.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành, trên cơ sở quy hoạch các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trước quý III năm 2020. Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, người dân vào phát triển hạ tầng, kết hợp phát triển du lịch như: cơ chế vay vốn, phát hành trái phiếu, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)… theo quy định của pháp luật. Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết hợp giao thông, thuỷ lợi, sử dụng thông minh nguồn nước, hạn chế tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, các thiên tai liên quan đến nước.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc thành lập Quỹ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an ninh tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, rà soát điều chỉnh chiến lược, định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với ba nhóm sản phẩm chủ lực là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo; giảm diện tích trồng lúa và các cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại thấp.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long: Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và người dân nhận thức đầy đủ, chính xác các thách thức đang đặt ra đối với đồng bằng sông Cửu Long và từng địa phương trong vùng; chủ động trong thích ứng với biến đổi khí hậu và các tác động khác từ thượng nguồn, kêu gọi huy động nguồn lực nhằm bảo vệ, phục hồi và trồng mới rừng, nhất là hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, ven sông.

Xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, chủ động sống chung với mặn, hạn như từng sống chung với lũ; chủ động từ khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối các sản phẩm nông, lâm và thủy sản, tạo chuỗi giá trị khép kín. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, quy mô lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ, biến đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là nơi tiếp thu, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ thế giới và của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mà còn là nơi phát minh, sáng tạo ra nhiều mô hình mới đặc sắc trong nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

(Trích một số nội dung của Nghị quyết số 120 NQ- CPV Về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành)

Nghị quyết yêu cầu xây dựng cơ cấu kinh tế theo hướng:

- Sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: thuỷ sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản là sản phẩm chủ lực.

- Xây dựng cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý, bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hoá, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp.

- Phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

- Phát triển dịch vụ - du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hoá, con người với hiệu quả kinh tế cao. Phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.