Phát triển kinh tế đừng 'quên' an ninh quốc phòng

Phát triển kinh tế đừng 'quên' an ninh quốc phòng
TP - “Chúng ta nhiều khi chỉ lo phát triển kinh tế mà không chú trọng đến đảm bảo quốc phòng an ninh khi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ở vị trí then chốt”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ chiều 23/9.

Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện băn khoăn về thế trận lòng dân vùng biên giới ba vùng này, đặc biệt vùng Tây Nguyên. Nguyên nhân được Trung tướng Trường chỉ rõ do chính sách chưa đồng bộ, người dân ra nhưng không lập nghiệp được vì thiếu nước, thiếu điện. “Tôi băn khoăn lắm. Bây giờ phải làm sao có cơ chế chính sách để biến ba địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phát triển ổn định, người dân khá lên mới bảo vệ được chủ quyền biên giới quốc gia được”, Trung tướng Trường nêu.

Đề cao việc phát triển nông nghiệp ở khu vực biên giới, miền núi gắn với kinh tế quốc phòng, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, hiện ngân sách mới bố trí được 50% cho vùng hải đảo, biên giới. Thứ trưởng Tuấn cũng cho rằng, vùng Tây Nguyên cần đầu tư hạ tầng để đảm bảo an ninh nguồn nước nên cần đầu tư hạ tầng thủy lợi, giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc. “Chiến lược lòng dân chính là xây dựng nông thôn mới, bởi có phát triển kinh tế mới đảm bảo an toàn vùng biên giới”, ông Tuấn nhìn nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thì đề nghị bổ sung các vấn đề liên quan đến xã hội một cách đồng bộ. Bà Mai đề nghị phải nâng cao đời sống cho dân cư tập trung ở vùng biên giới, vùng địa bàn chiến lược, và đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời phải gắn với văn hóa của từng vùng, cũng như đào tạo bố trí cán bộ người dân tộc.

Đề cập đến câu chuyện chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, riêng miền núi có tới 180 loại cơ chế chính sách nhưng nguồn lực đi theo lại không đảm bảo. “Ban hành chính sách mà không tính tới yếu tố nguồn lực sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Chúng ta nhiều khi chỉ lo phát triển kinh tế mà không chú trọng đến đảm bảo quốc phòng an ninh khi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ở vị trí then chốt”, ông Hiển phân tích, đồng thời đề nghị phải xem xét đến vai trò của các cấp chính quyền địa phương.

MỚI - NÓNG