Phát triển ồ ạt thủy điện: Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm

Phát triển ồ ạt thủy điện: Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm
TP - “Môi trường không đảm bảo thì Chủ tịch tỉnh không được ký cấp phép xây dựng, ông nào ký thì phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ.”- Ông Ksor Phước- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc trao đổi với Tiền Phong.

>> Thủy điện xả lũ, Tuy Hòa lãnh đủ 

Phát triển ồ ạt thủy điện: Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm ảnh 1
Thủy điện A Vương - Ảnh: Trần Tuấn

Bỏ qua yếu tố môi trường?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết, vấn đề di dân, tái định cư, an toàn hồ chứa, xả lũ nhất định phải có trong báo cáo của chủ đầu tư trước khi dự án thủy điện được triển khai. Chủ đầu tư phải trình đề án để cơ quan quyết định đầu tư xem xét.

Đối với các dự án thủy điện tại miền Trung, UBND tỉnh là cơ quan phê duyệt dự án. Họ phải có trách nhiệm thẩm tra, nếu chủ đầu tư không làm rõ được những yêu cầu về an toàn hồ chứa, đảm bảo cắt lũ thì không cho triển khai.

Phát triển ồ ạt thủy điện: Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm ảnh 2
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội

Được biết, Hội đồng Dân tộc đã đi giám sát việc thực hiện các công trình thủy điện tại miền Trung, ông nhận thấy việc triển khai các dự án này như thế nào?

Tại miền Trung, kế hoạch xây dựng các dự án thủy điện thì nhiều nhưng thực tế triển khai chưa nhiều bởi khả năng vốn của các chủ đầu tư. Vấn đề tái định cư cho người dân không đơn giản, tư nhân thì không làm được.

Nhiều công trình thủy điện đã được cấp phép xây dựng nhưng như ông nói, nguồn lực tài chính cũng chưa đảm bảo để triển khai, phải chăng các địa phương đã quá dễ dãi trong việc cấp phép các dự án này?

Điều này cũng phản ảnh tiềm năng phát triển thủy điện ở miền Trung lớn. Còn đầu tư ra sao, mật độ thế nào là phải tính kỹ. Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy, phải có sự đánh giá toàn diện cả yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. 

Thưa ông, chúng ta không thể tiếp tục phát triển thủy điện nếu để đời sống người dân sau tái định cư gặp khó khăn, thủy điện gây lũ như vừa qua?

Chúng ta không phát triển thủy điện bằng bất cứ giá nào. Kinh tế, xã hội, môi trường phải hài hòa. Nếu một trong ba yếu tố này không đạt được thì nhất quyết không cho triển khai dự án.

Nếu dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội thì Quốc hội cương quyết không chấp nhận. Nếu thuộc tỉnh thì Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Rà soát tất cả các dự án

Phát triển ồ ạt thủy điện: Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm ảnh 3
Thủy điện Sesan - Ảnh: Huỳnh Kiên


Vậy theo ông Chính phủ phải có đợt rà soát tổng thể lại các dự án thủy điện này?

Đúng vậy. Tôi biết Chính phủ cũng đang chỉ đạo làm. Có nhiều việc đã phân cấp cho địa phương. Lãnh đạo tỉnh phải thực hiện đầy đủ các quy định của Chính phủ. Chủ tịch tỉnh mà chỉ nghiêng về yếu tố kinh tế trong bất cứ dự án nào thì anh sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Thưa ông, liệu chúng ta có buộc phá bỏ những dự án không đảm bảo yêu cầu môi trường, gây họa cho người dân hạ lưu mỗi khi lũ lớn như người dân Quảng Nam và Phú Yên vừa phải hứng chịu?

Cái này phải kiểm tra lại. Hậu quả của các cơn lũ vừa qua phần nào là do tự nhiên, phần nào là cộng hưởng từ các nhà máy thủy điện.

Ngoài ra, do yếu tố biến đổi khí hậu nên trong tính toán trước đây chúng ta chưa lường hết được. Những yếu tố này mới xuất hiện, ta phải rút kinh nghiệm.

Chính phủ phải chỉ đạo các địa phương điều chỉnh, các tỉnh cũng phải nhận thức được vấn đề này để tính toán kỹ trước khi xây dựng các dự án mới. Còn những dự án đã đi vào hoạt động thì phải tìm cách khắc phục, chứ giờ phá bỏ, không cho hoạt động là rất khó.

Hiện nay, việc quản lý hồ chứa là của Bộ NN&PTNT nhưng Bộ Công Thương lại quản lý các nhà máy thủy điện, vậy ai giám sát việc xả lũ của các nhà máy  này?

Đó là một trong những yêu cầu mà Thủ tướng phải điều chỉnh trong quá trình cải cách hành chính, làm sao phải quy về một mối. Giữa Bộ NN&PTNT, Công Thương, TN&MT phải thống nhất ai chịu trách nhiệm trong việc này.

Cám ơn ông.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Nghiêm Vũ Khải: Trong những dự án này, có thể lúc phê duyệt người ta tính toán chưa kỹ lưu lượng nước và cơ quan có thẩm quyền chưa làm hết chức trách kiểm tra, giám sát trước khi phê duyệt.

Bây giờ đã xảy ra như vậy thì phải điều chỉnh lại. Phải yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tổng thể. Những địa phương này phải rút kinh nghiệm, tránh tình trạng vừa lũ do thiên nhiên vừa lũ do chính bản thân con người gây ra. Đây đúng là lũ kép.

Các công trình thủy điện miền Trung chưa có công trình lớn nào đến mức phải trình ra Quốc hội. Do vậy, chúng tôi không nhận được báo cáo trực tiếp từ Chính phủ về các dự án này.

Hà Nhân
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.