Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng:

Phát triển từ quy hoạch và dự án động lực

Đầu năm mới, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng (thứ hai từ trái) trao chìa khóa tượng trưng 52 căn nhà xã hội cho khách hàng của Cty TNHH Tư vấn và Đầu tư Tràng An ở TP Bạc Liêu. Ảnh: Sáu Nghệ.
Đầu năm mới, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng (thứ hai từ trái) trao chìa khóa tượng trưng 52 căn nhà xã hội cho khách hàng của Cty TNHH Tư vấn và Đầu tư Tràng An ở TP Bạc Liêu. Ảnh: Sáu Nghệ.
TP - Tỉnh Bạc Liêu phát triển nhanh trong vài năm qua với chủ trương “đi lên từ văn hóa”. Đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng chia sẻ với PV Tiền Phong:

Chăm lo cho văn hóa chính là chăm lo cho con người. Đó là chú trọng và đề cao văn hóa, đạo đức, nhân tâm trong mọi hoạt động lãnh đạo, điều hành, trong mọi chủ trương, việc làm của các cấp, các ngành và mọi người dân. Đó cũng chính là cách thức mới, tư duy mới để thu hút nguồn lực cho công cuộc phát triển tỉnh nhà.

Nhưng với một tỉnh quá nghèo, năm 2010 thu ngân sách chỉ 250 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo tới 18%, ngổn ngang bao việc, các ông bắt đầu từ đâu?

Chúng tôi tập trung vào công tác quy hoạch. Khi soát xét lại thì chúng tôi thấy hóa ra Bạc Liêu chưa có được một quy hoạch quốc gia nào nên giai đoạn 2010-2011, tập trung công tác quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Đến đầu năm 2012, Bạc Liêu đã hoàn thành xong nhiều quy hoạch quốc gia về điện, cảng biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản để làm cơ sở thu hút những dự án động lực.

Trong 4 năm qua, giữa khó khăn chung, Bạc Liêu thu hút được 98 dự án với tổng vốn đầu tư mấy chục nghìn tỷ đồng. Đặc biệt có những dự án như điện gió đầu tiên ở ĐBSCL trở thành niềm tự hào của vùng đất Chín Rồng và cả nước. Kinh nghiệm ở đây là gì, thưa ông?

Bạc Liêu là tỉnh duy nhất của cả nước triển khai thành công mô hình nuôi tôm “siêu thâm canh trong nhà kính” với năng suất một héc-ta mặt nước, một năm 200 tấn.

Bí thư Võ Văn Dũng

Chúng tôi luôn bảo nhau, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó dành cho cơ quan nhà nước; xem doanh nghiệp như là ân nhân. Mọi việc làm tập trung nâng cao đời sống người dân  xem người nghèo là đối tượng phục vụ; từ đó tập hợp các tấm lòng, nguồn lực. Nhờ vậy, so với năm 2010, năm 2014 thu ngân sách gấp hơn 5 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 3 lần. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh thêm, chủ trương thu hút dự án động lực của chúng tôi phải là dự án sạch, có giá trị gia tăng cao.

Ông có thể cho ví dụ?

Bạc Liêu là tỉnh duy nhất của cả nước triển khai thành công mô hình nuôi tôm “siêu thâm canh trong nhà kính” với năng suất một héc-ta mặt nước, một năm 200 tấn. Trong khi nuôi tôm công nghiệp hiện tại không vượt quá 10 tấn. Công nghệ nuôi tôm “siêu thâm canh trong nhà kính” không còn là mô hình mà đã được 3 doanh nghiệp của Bạc Liêu triển khai nhân rộng với sự đầu tư bài bản, ngang hàng với các nước đi đầu trong lĩnh vực này trên thế giới.

Trong đó, Tập đoàn Việt-Úc đang nuôi 50 ha mặt nước, kế hoạch năm 2015 mở rộng 100 ha nuôi theo công nghệ này sẽ cho sản lượng bằng 7.000 ha nuôi tôm theo công nghệ thông thường. Trồng lúa, 87% diện tích của Bạc Liêu đã sử dụng giống chất lượng cao, đặc biệt có giống Sỏi chịu được độ mặn 10%o, phù hợp với luân canh lúa-tôm trên đất phèn mặn.

Bạc Liêu xa xôi nhưng đầu tư nhiều công trình văn hóa có tầm nên đã trở thành điểm nhấn du lịch của ĐBSCL, hiện có 6 trong tổng số 21 sản phẩm du lịch của cả vùng, thu hút khách du lịch ngày càng đông. Tuy nhiên, nguồn lực hạn hẹp, tập trung đầu tư vào đô thị thì làm thế nào để không quên nông thôn?

Gần đây, chúng tôi thực sự đã phát triển quan điểm tập trung đầu tư cho nông thôn trước kia, thành quan điểm tập trung đầu tư cho đô thị. Tuy nhiên, vẫn chú trọng nông thôn. Khi kinh tế xã hội phát triển đến một giai đoạn, đầu tư cho đô thị cũng chính là đầu tư cho nông thôn để thoát tình trạng “quê mùa”. Nhiều tuyến đường về nông thôn và trường học ở nông thôn đã được xây dựng, huyện Phước Long là một huyện điểm quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Chủ trương “đi lên từ văn hóa” của Bạc Liêu đang được nhiều địa phương nghiên cứu. Ông có suy nghĩ gì?

Mỗi địa phương sáng tạo và trao đổi kinh nghiệm của nhau để phát triển, theo tôi là việc bình thường. Bạc Liêu đạt được những kết quả hôm nay cũng nhờ học tập kinh nghiệm của nhiều địa phương khác. Chẳng hạn, việc xây dựng vỉa hè đường phố, chúng tôi học tập từ quận Ninh Kiều của TP Cần Thơ đấy chứ. Tâm niệm của chúng tôi: Bạc Liêu nguyện là người em út dễ thương của các tỉnh ĐBSCL.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG