Bất thường vụ nạo vét cửa Nhật Lệ (Quảng Bình):

Phê duyệt dự án kiểu “chạy” hưu?

Ông Võ Minh Hùng, Giám đốc Công ty Hoàng Kim Việt giới thiệu sơ đồ về Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ, đường vạch đứt là luồng truyền thống của ngư dân (ảnh nhỏ); Nhiều tàu lớn chở cát của Công ty Hoàng Kim Việt đã vào được cửa Nhật Lệ tránh gió mùa sau khi cơ
Ông Võ Minh Hùng, Giám đốc Công ty Hoàng Kim Việt giới thiệu sơ đồ về Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ, đường vạch đứt là luồng truyền thống của ngư dân (ảnh nhỏ); Nhiều tàu lớn chở cát của Công ty Hoàng Kim Việt đã vào được cửa Nhật Lệ tránh gió mùa sau khi cơ
TP - Không chỉ bỏ qua khuyến cáo của các nhà khoa học, mà Cục Đường thủy nội địa Việt Nam còn “qua mặt” Quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường của UBND tỉnh Quảng Bình, ký hợp đồng với doanh nghiệp nạo vét cửa Nhật Lệ với một lượng cát khổng lồ, đe dọa sự tồn vong của một phần TP Đồng Hới.

Bỏ qua khuyến cáo, “qua mặt” quy chuẩn


Như Tiền Phong đã đề cập, năm 2009, Giáo sư Trần Đình Hợi và các cộng sự đã có một nghiên cứu rất nghiêm túc về nguyên nhân bồi lắng và giải pháp khắc phục đối với cửa Nhật Lệ. Theo đó, Giáo sư Hợi đã khuyến cáo để đảm bảo cho tàu 200 tấn vào ra, chỉ cần nạo vét với chiều dài 2,8 km từ phao số 0 vào đến cảng; cao độ đáy nạo vét -3,5m, bề rộng của luồng 50m, khối lượng nạo vét 280.000m3, đảm bảo ổn định cho hai bờ Nhật Lệ, tránh bị sạt lở... 

Tuy nhiên, khuyến cáo này đã bị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bỏ qua, khi ký với Công ty TNHH XD TM Hoàng Kim Việt nạo vét với khối lượng cát gấp gần 10 lần để xuất khẩu sang Singapore.

Không chỉ dừng lại ở đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam còn bỏ qua các quy chuẩn của Báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) mà UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt. Tại mục 1.4.2.1. Cấp công trình và phương án kỹ thuật của Báo cáo tác động môi trường do UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt nêu rõ:

Riêng đoạn từ km1+500 đến km1+800 theo ý kiến của Hội đồng thẩm định TĐMT của dự án, thì nên thu hẹp luồng nạo vét từ 100m xuống 60m nhằm đảm bảo an toàn cho hai bên bờ sông; tại các đoạn từ km0+000 đến km0+350, từ km1+850 đến km2+500 và từ km3+50 đến km3+200 không nên tiến hành nạo vét cát, với các lý do vì nước sâu, tránh gây sạt lở kè Hải Thành, ảnh hưởng đến các mố trụ cầu Nhật Lệ.

Tuy nhiên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam ký hợp đồng nạo vét với Công ty Hoàng Kim Việt lại không quan tâm đến các quy chuẩn mà Báo cáo TĐMT đưa ra, vẫn cho phép công ty này nạo vét từ km0+400 đến km3+200, với bề rộng luồng 100m và được mở rộng luồng 400m ra phía biển. Như vậy, theo hợp đồng này thì hai bên bờ Nhật Lệ, kè Hải Thành và cầu Nhật Lệ đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Trao đổi vấn đề này với ông Lê Minh Ngân, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Bình, ông Ngân cho rằng: Sở ông không có hợp đồng nạo vét cửa Nhật Lệ nên không biết dự án này đang vi phạm Quyết định phê duyệt Báo cáo TĐMT của UBND tỉnh.

Theo ông Ngân, về nguyên tắc, bất kỳ một dự án nào cũng phải tuân thủ Báo cáo TĐMT. Nếu Quyết định phê duyệt dự án ban đầu có sai khác với Báo cáo TĐMT thì buộc cơ quan chủ quản phải phê duyệt lại dự án.  

Ông Ngân khẳng định, nếu Quyết định phê duyệt Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ và Hợp đồng nạo vét giữa Cục Đường thủy nội địa Việt Nam với Công ty Hoàng Kim Việt không tuân thủ Quyết định phê duyệt Báo cáo TĐMT của UBND tỉnh, Sở này sẽ có trách nhiệm tham mưu lên lãnh đạo tỉnh phạt vi phạm hành chính và yêu cầu dừng dự án, tránh những tác động xấu đến môi trường do dự án này gây ra.

Doanh nghiệp vừa đá bóng, vừa thổi còi

Theo tài liệu mà PV Tiền Phong thu thập được, thì toàn bộ Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ đều do doanh nghiệp Hoàng Kim Việt xây dựng, từ việc bỏ tiền thuê tư vấn thiết kế, đến thuê luôn cả đơn vị giám sát. Từ đó có thể thấy, doanh nghiệp này đang vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Trao đổi vấn đề nêu trên với một số lãnh đạo chuyên ngành, họ cho rằng: Sở dĩ doanh nghiệp được giao nhiều quyền như vậy trong các dự án nạo vét luồng lạch là do Thông tư 37/2013/TT-BGTVT, ngày 15/10/2013 của Bộ GTVT quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm.

Tuy nhiên, trong các hội nghị liên quan do Bộ GTVT chủ trì, nhiều địa phương đã đề xuất nên nâng tầm thông tư này lên nghị định, vì việc nạo vét cát, tận thu sản phẩm rất nhạy cảm, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh cũng như môi trường.

“Mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp là lợi nhuận, đừng trông chờ vào việc họ quan tâm đến dân sinh, hay môi trường. Khoán trắng cho doanh nghiệp như hiện nay là rất nguy hiểm” - một chuyên gia trong ngành giao thông nhận định.

Cũng các chuyên gia này cho biết: Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ dừng tại thời điểm này là hợp lý nhất, mục tiêu để tàu cá của ngư dân vào ra thuận lợi cơ bản hoàn thành. Theo đó, trước phản ánh của ngư dân là doanh nghiệp không chịu hút cát ở luồng cạn mà hút ngoài khơi, gần tàu mẹ, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp phải nạo hút ở những đoạn cạn.

Sau khi doanh nghiệp Hoàng Kim Việt cho tàu vào nạo vét và hiện các đoạn cạn đã thông luồng, tàu cá vào ra thuận lợi, thậm chí các tàu chở cát của doanh nghiệp có trọng tải hàng trăm tấn vẫn vào ra mà không mắc cạn.

PV Tiền Phong đã cố gắng liên lạc với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để tìm hiểu thêm về Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ nhưng không thành. Được biết, ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, người ký Quyết định phê duyệt Dự án và ký Hợp đồng nạo vét với Công ty Hoàng Kim Việt đang chuẩn bị về hưu.

Phải chăng, sự kiện về hưu của ông liên quan đến những quyết định vội vã, bỏ qua các quy định, đẩy TP Đồng Hới đối mặt với những hiểm họa của tác động môi trường. Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng xem xét.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình quan ngại về Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ
Trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến Dự án nạo vét cửa Nhật Lệ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Lương Ngọc Bính cho biết: UBND tỉnh Quảng Bình chưa hề báo cáo dự án này trước Thường vụ Tỉnh ủy hay HĐND tỉnh.

“Những thông tin của Tiền Phong rất có giá trị. Tôi thật sự quan ngại đối với dự án này. Đề nghị Tiền Phong tìm hiểu thêm để tiếp tục có những phản biện sâu hơn về dự án này” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính nói.

MỚI - NÓNG