Phế liệu chất đầy các cảng biển

Container hàng hóa tại cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng
Container hàng hóa tại cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng
TP - Tình trạng hàng tồn kho tại các cảng biển, cửa khẩu Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng. Hàng trăm container phế liệu nhập khẩu biến thành vô chủ, vô số lô hàng xuất khẩu không đạt chất lượng bị “lãng quên” và tràn ngập cả kho đông lạnh “tạm nhập tái xuất”.
Container hàng hóa tại cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng
Container hàng hóa tại cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng. Ảnh: Hồng Kỳ

Theo Tổng cục Hải quan, không chỉ gây tốn kém về chi phí kho bãi, lượng hàng này còn có khả năng biến các bến cảng thành nơi chứa hàng lậu hay gây hại tới môi trường.

Hàng tồn: Phế thải và bị bỏ lại

Trước thực trạng này, ngày 24-11, Tổng Cục Hải quan đã phải họp gấp để bàn cách giải quyết.

Số liệu cập nhật mới nhất từ các cục hải quan địa phương cho thấy: Tính đến ngày 1-11, cảng Hải Phòng tồn 6.464 container quá thời hạn phải làm thủ tục hải quan (trên 30 ngày) và chủ yếu là hàng tạm nhập, tái xuất.

Tính đến ngày 23-11, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) tồn 203 container hàng tạm nhập, tái xuất đi Trung Quốc.

Tại các cảng TPHCM đến ngày 15-7, tồn 2.068 container hàng hóa và 50 xe ô tô các loại trong đó một lượng lớn là hàng xuất khẩu không đạt chất lượng bị trả về mà doanh nghiệp chưa đến nhận.

Theo Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam hiện chủ yếu được chia làm 3 loại. Hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất (thực phẩm đông lạnh, thuốc lá điếu, máy tính đã qua sử dụng, phụ tùng săm lốp ô tô đã qua sử dụng) được các doanh nghiệp nhập về qua cảng Hải Phòng chờ tái xuất đi Trung Quốc.

Lý do tồn là do thay đổi trong chính sách quản lý của Trung Quốc. Hàng phế liệu nhập khẩu về làm nguyên liệu sản xuất như sắt, thép, nhựa đã qua sử dụng hoặc mặt hàng có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao thuộc diện cấm nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là thực phẩm không đạt chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm, người khai bỏ lại cảng.

Lỗi tại ai?

Ngày 25 -11, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Nguyễn Dương Thái cho hay, gây bức xúc nhất là hàng phế thải nhập khẩu. Theo ông, nhiều doanh nghiệp Việt Nam do hám lời đã làm trung gian để “tạm nhập tái xuất” cho nhiều chủ hàng. Tuy nhiên, đến khi lô hàng bị bên kia “xù” không nhận, doanh nghiệp cũng bỏ của chạy lấy người.

Ông Thái cho rằng ngoài những nguy hại về môi trường, chi phí tốn kém về kho bãi, còn nhiều tổn thất khác do tình trạng trên gây ra chưa tính hết được. Giải pháp cho hàng tồn, theo ông Thái, là bài toán khá nan giải, dù chi phí lưu kho bãi mỗi container lên tới 66 USD/ngày.

Trước “luồng” ý kiến hàng tồn nhiều là do hải quan làm “khó” doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Ngự, Cục phó Quản lý giám sát Hải quan khẳng định: “đa phần lỗi không thuộc về hải quan”.

Theo ông Ngự, khi hàng về cảng, doanh nghiệp phải qua các khâu kiểm tra, cấp phép khác trước khi làm thủ tục hải quan. Ví như máy móc ô tô, thang máy cần kiểm định chất lượng hàng hóa từ Bộ Khoa học Công nghệ hay thực phẩm phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vấn đề ở chỗ không phải mặt hàng nào cũng có thể kiểm tra ở cửa khẩu ngay cho nên doanh nghiệp phải chờ có được giấy phép từ những cơ quan chức năng kia. Chính điều này là một nguyên nhân dẫn đến hàng tắc ở cửa khẩu.

Khác với tình trạng phế liệu kể bên, bà Vũ Thúy Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cát Lái (TPHCM) cho biết, lưu lượng hàng qua cảng gần đây đã giảm nên tình trạng hàng hóa dồn ứ thời gian trước đã được giải tỏa.

Tuy nhiên, một số lượng đáng kể hàng nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc đang lưu tại cảng trong thời gian khá dài.

Lý do, nhiều DN chế biến thức ăn gia súc không có đủ kho bãi để chứa hàng, trong khi đơn vị kinh doanh cảng Cát Lái (Tân Cảng) có nhiều chế độ ưu đãi đối với các khách hàng truyền thống có lượng hàng nhập khẩu lớn nên các DN đã để hàng tại cảng, thay vì đem về thuê kho bãi ở nơi khác. Có DN thương xuyên lưu tại cảng hàng trăm container.

Đại Dương 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG