Phép vua và lệ làng

Phép vua và lệ làng
TP - Trong vòng chưa đầy một tháng, Bộ Tư pháp ba lần tuýt còi các văn bản, quy định của Bộ GTVT, Tài chính và UBND TPHCM. Lý do chính mà Bộ Tư pháp yêu cầu các bộ và TPHCM phải dừng hoặc chỉnh sửa các văn bản, quy định là không phù hợp pháp luật.

Giữa tháng Tám, Bộ Tư pháp có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ phản đối đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc cho phép Hà Nội và TPHCM được tăng mức xử phạt vi phạm giao thông gấp đôi so với các địa phương khác.

Theo Bộ Tư pháp Nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật đòi hỏi cơ chế áp dụng luật thống nhất trên toàn quốc, tránh việc cùng một hành vi vi phạm nhưng mỗi nơi lại áp dụng quy định xử phạt khác nhau.

Ngày 31/8, Bộ Tư pháp lại yêu cầu UBND TPHCM điều chỉnh lại quy định bất hợp lý một số mặt hàng nông sản, thực phẩm chỉ được hoạt động kinh doanh trong phạm vi các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi.

Nguyên nhân bộ này phản bác là vì chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh doanh đã được Hiến pháp và các luật liên quan quy định.

Ngày 4/9, Bộ Tài chính bị thổi còi do ra quyết định về điều chỉnh mức thuế xuất - nhập khẩu ưu đãi với một số nhóm mặt hàng không phù hợp pháp luật.

Quả là lạ khi các bộ đều có bộ phận pháp lý nghiên cứu hoặc tham gia soạn thảo văn bản, còn UBND TPHCM thì luôn có Sở Tư pháp tư vấn. Vậy mà những văn bản không phù hợp pháp luật vẫn được ra đời, thậm chí đã được áp dụng.

Bất cứ người am hiểu pháp luật nào cũng đều hiểu không thể có văn bản pháp luật nào lại cao hơn Hiến pháp, tuy nhiên nhiều quy định, đề xuất vi hiến vẫn được trình Chính phủ hay được đem ra áp dụng trong đời sống xã hội như những trường hợp trên. Đáng lo bởi đề xuất của Bộ GTVT nếu được hiện thực hóa sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân của Hà Nội và TPHCM.

Quy định của UBND TPHCM sẽ làm hàng ngàn tiểu thương nhỏ mất ăn mất ngủ. Còn quyết định của Bộ Tài chính thì gây khó dễ cho doanh nghiệp. Lo hơn nữa vì người dân, DN sẽ không đường nào mà lần khi có không ít bộ, ngành, tỉnh, thành bất chấp phép vua để sinh ra lệ làng.

Người viết đã từng cầm trong tay quyết định do phó chủ tịch UBND một TP lớn ghi… quyết định này thay quyết định của Thủ tướng. Không hiểu khi trình ký, bộ phận soạn thảo văn bản có hiểu thẩm quyền của vị phó chủ tịch kia đến đâu và khi ký vị này có đọc kỹ?

Không chỉ vi hiến mà hàng loạt quyết định, dự thảo văn bản của các bộ, ngành còn khó khả thi như không cho người thấp bé nhẹ cân lái xe máy, đánh mạnh phí xe cá nhân, trẻ năm tuổi phải cảm thụ nhạc cổ điển, thu thuế xe ôm… vẫn thản nhiên xuất hiện hay biến mất.

Trong khi Bộ GTVT rút lại đề xuất, UBND TPHCM đang xem xét lại thì Bộ Tài chính vẫn cho mình đúng.

Đã đến lúc cần phải có những phán xử rạch ròi và cả quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng cho những phán quyết không phù hợp pháp luật trên để dân tin rằng phép vua không thể thua lệ làng. Nếu không, tính nghiêm minh của luật pháp sẽ bị vi phạm và các bộ, ngành, tỉnh thành lại cứ vô tư sai rồi sửa, phản ứng thì bỏ.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.