"Phi công mặt đất" ở Cố đô

"Phi công mặt đất" ở Cố đô
TP - Giữa trưa nắng chang chang, hàng chục con người đứng ngước cổ chăm chú nhìn những chiếc máy bay mô hình đang "làm xiếc" trên bầu trời xanh thẳm...
"Phi công mặt đất" ở Cố đô ảnh 1
"Nữ phi công" - nét độc đáo của Câu lạc bộ máy bay mô hình Huế

Người dân Cố đô gọi họ là những "phi công mặt đất" trong Câu lạc bộ máy bay mô hình Huế thành lập từ tháng 3/2007

Bác sĩ lái... máy bay !

Khoảng 5 năm trước, người đầu tiên chơi máy bay mô hình ở Huế là bác sĩ Bùi An Bình. Lúc đó, môn thể thao giải trí này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Sau vài lần "đi bay" ở sân Đại Nội (TP Huế), nhiều đồng nghiệp của bác sĩ Bình thích thú xin đi theo để học lái... máy bay mô hình.

Bác sĩ Hồ Đắc Bửu (Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế) nhớ lại: "Để lái được máy bay mô hình phải trải qua khóa học dài hàng tháng trời. Trước tiên là đọc tài liệu hướng dẫn rồi tập bay trên máy tính để làm quen các thao tác bay, sau đó chuyển sang lái máy bay trực thăng Lama chuyên bay trong nhà. Khi đã bay thành thạo trong nhà mới dám dốc túi bỏ ra mấy triệu bạc "tậu" một máy bay mô hình".

Mặc dù được đào tạo bài bản như vậy nhưng những "phi công bác sĩ" vẫn thường xuyên gặp nạn, nặng thì máy bay tan xác, còn nhẹ thì cũng gãy cánh, cong trục... tốn cả tiền triệu để sửa chữa.

"Ngoài vấn đề tài chính, môn thể thao này đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe tốt vì phải thường xuyên "đứng thiền" dưới nắng hàng tiếng đồng hồ" - bác sĩ Lê Viết Mẫn chia sẻ.

Sau gần 2 năm thành lập, Câu lạc bộ máy bay mô hình Huế đã kết nạp được 14 thành viên chính thức, trong đó số "phi công bác sĩ" chiếm hơn một nửa. Bác sĩ Bình, người sáng lập ra Câu lạc bộ hóm hỉnh: "Nếu trước đây chúng tôi không theo nghề y thì có lẽ sẽ trở thành những phi công chính hiệu".

Máy bay mô hình không chỉ cuốn hút cánh đàn ông thích phiêu lưu mạo hiểm mà còn khiến các chị em ở Huế "mê tít". Hiện tại trong đội bay có 4 phi công nữ thuộc diện "biên chế" gồm: Ngô Thị Anh Tài, Lê Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thị Nga... Tất cả họ đều là vợ của những "phi công bác sĩ".

"Phi công mặt đất" ở Cố đô ảnh 2
Bác sĩ Bùi An Bình giới thiệu về chiếc Fokker D7 vừa mới làm xong

Chủ nhật vừa qua, chúng tôi được tận mắt xem các nữ phi công biểu diễn những pha nhào lộn, bay ngửa bụng... điêu luyện chẳng kém gì các đức ông chồng.

Anh Lê Thành Công (Giám đốc Công ty Thành Công) liên tục vỗ tay thán phục rồi hồ hởi chia sẻ: "Tôi đã giao lưu với nhiều Câu lạc bộ máy bay mô hình ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng... nhưng chỉ ở Huế mới có các nữ phi công bay giỏi đến thế !".  

Không chỉ để chơi

Lúc đầu, để có được chiếc máy bay mô hình, bác sĩ Bình phải bỏ ra hơn 4 triệu đồng mua mới nguyên chiếc và bộ điều khiển từ xa nhưng đến khi gặp sự cố thì đành "xếp xó" vì không có thợ sửa. Phần vì tiếc tiền nhưng cái chính là niềm đam mê nên khi hết giờ làm ở bệnh viện ông tranh thủ "lướt nét" tìm kiếm tài liệu liên quan đến cách sửa chữa và chế tạo máy bay mô hình.

"Phi công mặt đất" ở Cố đô ảnh 3
Các thành viên trong Câu lạc bộ máy bay mô hình Huế

Mò mẫm gần tuần lễ, cuối cùng chiếc phi cơ cánh bằng của ông lại có thể bay lượn trên bầu trời theo sự điều khiển của chủ nhân. Không dừng lại ở đó, ông còn chế tạo ra nhiều kiểu máy bay độc đáo ...

"Made by Bui An Binh" khiến ai nhìn thấy cũng tò mò, thích thú. Đến nay, tất cả thành viên trong Câu lạc bộ đều đã sửa chữa và chế tạo được máy bay mô hình nhờ sự hướng dẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm của bác sĩ Bình. Bộ sưu tập của Câu lạc bộ máy bay mô hình Huế có hơn 30 máy bay tân, cổ gồm máy bay cánh bằng, máy bay phản lực và thuỷ phi cơ.

Sau khi biểu diễn hoàn hảo chiếc Fokker D7 có hai tầng cánh vừa mới làm xong, bác Bình giải thích: "Đây là mô hình máy bay sử dụng trong Thế chiến thứ nhất, là "thuỷ tổ" của các loại máy bay hiện đại. Lúc đó vì động cơ yếu nên phải thiết kế 2 tầng cánh để làm tăng sức nâng. Nhược điểm của nó là bay chậm và xoay trở chậm nhưng khi gặp sự cố, nó có thể bay là là để hạ cánh an toàn. Tôi làm chiếc này mục đích là để nhớ lại lịch sử".

Còn anh Lê Quý Trọng lại dùng máy bay mô hình để kích thích con học khá hiệu quả. Trong tuần học được điểm giỏi (từ 8 điểm trở lên) thì chiều chủ nhật sẽ được cho "đi bay", nếu không sẽ bị ngồi nhà làm lại những bài tập bị điểm kém.

Cháu Lê Minh Nhật (con anh Trọng) hiện đang học lớp 5, trường Tiểu học Phú Hoà (TP Huế) bày tỏ ước mơ: "Cháu sẽ học thật giỏi để sau này trở thành phi công được đi khắp nơi trên thế giới".

MỚI - NÓNG