Phi công nghỉ hưu: Về... bế cháu hay bay thuê?

Phi công nghỉ hưu: Về... bế cháu hay bay thuê?
TP - Các nước trong khu vực cho phép phi công trên 60 tuổi lái máy bay, thậm chí không giới hạn tuổi như ở New Zealand. Liệu Việt Nam có phung phí nguồn nhân lực này?

>> Nguyên Phó TGĐ VNA sẽ lái máy bay cho bầu Đức

Phi công nghỉ hưu: Về... bế cháu hay bay thuê? ảnh 1
Phi công VNA chuẩn bị trước mỗi chuyến bay - Ảnh: Ngọc Tú

Thiếu hụt phi công

Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO) đã cho phép phi công dưới 65 tuổi vẫn được lái máy bay thương mại.

Trên thực tế, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã đề xuất việc nâng tuổi phi công Việt Nam tới nhiều cơ quan liên quan nhưng sự đồng thuận không nhiều.

Trưởng ban An toàn bay (Cục Hàng không Việt Nam) Hồ Minh Tấn cho biết: "Cục đã đề xuất việc này từ tháng 4/2007 với Bộ GTVT. Sau đó, Bộ lấy ý kiến các bộ liên quan khác về việc nâng tuổi bay của phi công Việt Nam nhưng Bộ LĐ TB&XH, Bộ Y tế và Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa đồng ý".

Sở dĩ có sự đề xuất này vì các hãng hàng không nội địa đang lo ngại trước sự thiếu hụt phi công. VNA cũng đã gửi văn bản về việc này lên Cục Hàng không. Hơn nữa, các nước trong khu vực cũng đã có sự điều chỉnh theo tiêu chuẩn của ICAO.

Tuy nhiên, ông Tấn nói: "Việc nâng tuổi phi công Việt Nam trên 60 "vướng" Luật Lao động vì theo quy định, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động quá tuổi 60 với nam, 55 với nữ (Việt Nam chưa có nữ phi công - PV). Trong khi đó, lái máy bay là một nghề đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại".

Ông Tấn cũng cho biết, sở dĩ nguyên Phó Tổng GĐ Việt Nam Nguyễn Thành Trung có thể bay cùng phi công trên chuyến bay đầu tiên của phi cơ riêng "bầu" Đức vì Cục Hàng không Việt Nam đang làm thủ tục bổ nhiệm ông Trung làm giám sát bay chuyên trách.

Về mặt sức khỏe, trước khi sửa đổi độ tuổi cho phép của phi công trong Annex1 ban hành tháng 11/2006, ICAO đã lấy ý kiến tham khảo của 20 quốc gia và nhiều tổ chức y tế, khoa học.

Theo đó, ICAO chưa có báo cáo nào cho thấy trên 60 tuổi thì phi công mất khả năng làm việc. Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) cũng cho rằng chưa có số liệu thể hiện phi công trên 60 tuổi có khả năng gặp tai nạn cao hơn.

Theo số liệu tổng hợp của Mỹ thì các phi công trên 60 tuổi lại có tỷ lệ gặp tai nạn, sự cố ít nhất.

Vậy có phải thể trạng của phi công Việt Nam yếu hơn phi công các nước khác? Cơ trưởng Trịnh Văn Nhân (Đoàn bay 919 của VNA), 60 tuổi, chuẩn bị về hưu, cho biết: "Tôi có 43 năm gắn bó với bầu trời. Cánh phi công chúng tôi vẫn nói nghề này là đạp xích lô trên trời. Không thể nói phi công châu Âu khỏe hơn phi công Việt Nam được. Bằng chứng là tôi 60 tuổi vẫn khỏe mạnh.

Hơn nữa, mọi phi công đều phải khám sức khỏe định kỳ, nên nếu bảo tuổi cao yếu thì cứ tăng tần suất kiểm tra sức khỏe lên so với tuổi trước 60. Singapore, Thái Lan, Ấn Độ... cũng đã nâng tuổi bay phi công lên 65".

Phi công Việt Nam muốn tăng tuổi bay

Một quan chức hàng không tiết lộ Việt Nam đang thiếu phi công. Thực tế này đã được các cơ quan chức năng biết đến bằng việc cho phép thành lập Trung tâm đào tạo phi công quốc gia tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Tuy nhiên, đào tạo được một phi công không đơn giản.

Chọn được người có tố chất, muốn đào tạo một người biết lái máy bay phải mất ít nhất trên 100.000 USD. Nguyên Phó Tổng GĐ VNA Nguyễn Thành Trung từng tâm sự với PV Tiền phong: "Sức khỏe tôi còn tốt, nghỉ ngơi lúc này phí quá".

Đoàn bay trưởng 919 Phan Xuân Đức cho biết, đơn vị ông quản lý hơn 304 phi công Việt Nam và 120 phi công người nước ngoài. "Thu nhập phi công Việt Nam khoảng 25 triệu đồng/tháng, phi công nước ngoài mức cao nhất là 16 nghìn USD/tháng" - Ông Đức nói.

Mỗi năm, VNA cho nghỉ hưu trung bình 10 phi công, tuyển mới thêm được 10 - 18 phi công. Dự tính, để phấn đấu mục tiêu năm 2010, 75% phi công của VNA là người Việt Nam thì tỷ lệ trên không biết khi nào mới đạt được. Hơn nữa, nguồn phi công người Việt (rẻ gần gấp 10 lần) không phải lúc nào cũng có, nguồn phi công nước ngoài tuy giá cao nhưng cũng không dễ tìm. 

Ông Đức nói thêm: "Đa số phi công Việt Nam muốn tăng tuổi bay. Khả năng thế nào đã có các kỳ kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt. New Zealand còn không hạn chế tuổi bay của phi công, miễn là sức khỏe đạt yêu cầu. Hiện, Việt Nam đang mất thế cạnh tranh về nguồn nhân lực này. Trong khi đó, phi công Việt Nam không thua kém gì so với các nước".

Một chuyên gia ngành hàng không cho rằng, với điều kiện kỹ thuật hiện đại, phi công chủ yếu làm việc bằng trí óc; dựa trên trình độ, kinh nghiệm, sự quyết đoán chứ không dùng sức như trước đây.

Trong khi Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục làm công văn qua lại với các cơ quan về việc này thì những phi công 60 tuổi như nguyên Phó Tổng GĐ Vietnam Airlines Nguyễn Thành Trung và cơ trưởng Nhân chỉ có thể đi làm thêm cho tư nhân hoặc ngồi nhà... bế cháu.

MỚI - NÓNG