Phi hình sự hóa để cứu cán bộ ra tù?

Phi hình sự hóa để cứu cán bộ ra tù?
TP - “Khi đi tiếp xúc cử tri, có người đặt vấn đề, liệu có phải phi hình sự hóa tội cố ý làm trái để giải cứu cho cán bộ ra tù không?”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền nêu khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ngày 30/10.

Lo ngại tiếp tay cho tội phạm tham nhũng

Về quy định không thi hành án tử hình đối với tội nhận hối lộ, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, tính nhân đạo và khoan hồng là hết sức cần thiết đối với người phạm tội ăn năn, hối cải. Tuy nhiên, hành vi này nên ghi nhận ở giai đoạn phát hiện tội phạm và đang trong quá trình xử lý, còn sau khi tuyên án tử hình thì không nên. Bởi việc đó khiến người dân hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình, làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng...

Liên quan đến việc phi hình sự hóa một số loại tội phạm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cần phải cân nhắc kỹ. “Khi đi tiếp xúc cử tri, có người dân nói, liệu có phải các ông phi hình sự hóa để giải cứu cho cán bộ ra tù?

Cần phải có thông tin đầy đủ cho ĐBQH, xem hiện bao nhiêu cán bộ đang nằm tù về tội cố ý làm trái? Nếu bỏ tội danh này, đương nhiên những người đang bị điều tra, truy tố về tội đó sẽ được đình chỉ, bao nhiêu người đang thi hành án được ra tù, kể cả trường hợp những người phạm tội trong vụ án Vinashin.

Cần phải giải thích kỹ trước khi QH bấm nút thông qua, nếu chúng ta nói thế này, đến lúc đưa ra lại khác, cuối cùng tha hết cán bộ ra thì tôi cho rằng chúng ta có tội với nhân dân”, ĐB Thuyền đề nghị.

Không bỏ án tử hình tội cướp tài sản

Liên quan đến việc giảm 7 án tử hình, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) băn khoăn với quy định bỏ tử hình đối với tội cướp tài sản. ĐB Lâm cho biết, từ khi có Bộ luật Hình sự năm 1985 đến nay, ở nước ta chưa có tội cướp nào đặc biệt lớn hàng chục tỷ đồng trở lên và chưa có tội cướp nào phải tuyên án tử hình. 

Nhưng trong tương lai, nếu có vụ cướp xảy ra tại ngân hàng, chúng khống chế nhân viên rồi cướp đi hàng nghìn tỷ đồng. Công an truy đuổi, băng cướp chống trả quyết liệt, kể cả bằng vũ khí nóng. 

“Băng cướp bị bắt và không có trường hợp nào người thi hành công vụ bị chết, tài sản hàng nghìn tỷ đồng đã được thu hồi, nhưng hậu quả về mặt chính trị thì quá lớn. Trường hợp này, những tên cầm đầu, chủ mưu có đáng tử hình không?”, ĐB Lâm nêu và đề nghị xem xét việc bỏ tử hình đối với tội danh này.

Trước nhiều ý kiến quan điểm đưa ra còn khác nhau, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, sẽ tiến hành lấy phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH để đảm bảo độ chín và sự đồng thuận cao trước khi thông qua dự thảo luật.

MỚI - NÓNG