Phía sau những vinh quang-Kỳ IV: Những nốt lặng...

Vận động viên, kỷ lục gia bơi lội Thanh Tùng cho rằng cần đánh giá công bằng hơn đối với đóng góp của vận động viên khuyết tật
Vận động viên, kỷ lục gia bơi lội Thanh Tùng cho rằng cần đánh giá công bằng hơn đối với đóng góp của vận động viên khuyết tật
TP - Trong khi những vận động viên dự SEA Games 30 đem vinh quang về cho Tổ quốc với những tấm huy chương quý giá và được đông đảo người hâm mộ đón chào thì các vận động viên khuyết tật vẫn âm thầm chuẩn bị cho Para Games 30 cũng sẽ diễn ra tại Philippines. Ước mơ của họ vô cùng giản dị, đó là được ghi nhận như những vận động viên bình thường. 

Mơ về biên chế

Châu Hoàng Tuyết Loan, một trong những vận động viên khuyết tật nổi tiếng của Việt Nam. Năm 2005, Châu Hoàng Tuyết Loan đoạt HCV đầu tiên và phá kỷ lục môn cử tạ ở ASEAN Para Games và từ đó đến nay, Tuyết Loan luôn giữ vị trí số 1 Đông Nam Á. Tuyết Loan từng đoạt HCB Người khuyết tật châu Á các năm 2014, 2016, HCB giải vô địch thế giới người khuyết tật 2016 và hạng 4 Olympic dành cho người khuyết tật (năm 2008 tại Bắc Kinh).

Tuyết Loan kể: “Lúc mẹ sinh ra em là một cô bé bình thường, nhưng do bị bệnh hiểm nghèo, tuy qua khỏi nhưng em bị liệt. Từ đó, em chỉ mơ ước có niềm vui như người bình thường. Thấy nhiều người chơi tạ, em cũng xin được thử. Ở Khánh Hòa quê em cũng như nhiều nơi khác, không có trung tâm thể thao dành cho người khuyết tật. Em phải chờ lúc giữa trưa, mọi người về hết thì em vào các trung tâm thể thao xin tập ké”. Để đi tìm được nơi tập tạ, cô phải tự mình đẩy xe lăn trên đường, hè phố, vượt quãng đường rất xa giữa trời nắng. 

Cho đến nay, ngoài những đợt tập trung đội tuyển cùng các bạn, các em, sau giải đấu, cô lại trở về với mẹ của mình ở Khánh Hòa. Là một vận động viên khuyết tật hàng đầu của Việt Nam, song Tuyết Loan nói: “Cả đời em gắn bó với thể thao nhưng có lẽ do em là người khuyết tật nên em không được nhận vào biên chế như các vận động viên bình thường khác”.

Cô tâm sự: “Mỗi lần tập trung đội tuyển em được hưởng công theo ngày tập (trừ thứ bảy, chủ nhật và lễ). Do không có biên chế, nên em khi không tập trung đội tuyển quốc gia, trở về địa phương em không có thu nhập gì nữa. Mỗi tháng tỉnh chỉ hỗ trợ cho mấy trăm ngàn tượng trưng”. 

Không có lương đồng nghĩa Tuyết Loan không có bảo hiểm xã hội và cô không biết lúc cô nghỉ thi đấu và không lương hưu cô sẽ sống bằng gì? 

Đi tìm khán giả

Một lần tôi tới xem đội tuyển bơi lội và cử tạ khuyết tật tập luyện chuẩn bị cho SEA Games thấy đội tập ở Nhà thi đấu quận Tân Bình. Đội cử tạ tập ngay dưới chân 
cầu thang. 

Lực sĩ Lê Văn Công nói: “Chúng em tập luyện khối lượng rất nặng nhưng lại tập ở trong phòng kín rất nóng, nên ra ngoài này tập thì có nhiều khán giả tới xem, động viên sẽ vui hơn”. Lê Văn Công cũng nói: “Môn thể thao nào cũng cần khán giả, với vận động viên khuyết tật như chúng em lại càng cần sự động viên cổ vũ của khán giả để có thể nâng được những mức tạ cao”.
Để động viên cho các lực sĩ, nhiều người đi bộ, chơi cầu lông ở Nhà thi đấu quận Tân Bình đã dừng chân để cổ vũ cho Công, Tuyết Loan và cả đội, giúp họ nâng được những mức tạ giúp cử tạ khuyết tật Việt Nam đoạt huy chương danh giá trong tương lai. 

Trong bể bơi, đội tuyển bơi lội khuyết tật của Việt Nam cũng miệt mài tập luyện dưới sự hướng dẫn của HLV Đổng Quốc Cường. Huấn luyện viên lão thành này từng cùng làm việc ở Tổng cục Thể dục thể thao trước đây. HLV kể chuyện với tôi: “Cả đời bác chỉ lo phát triển phong trào thể thao. Nhưng nói khách quan thì các vận động viên ngày nay có thành tích cao hơn các thế hệ đàn anh rất nhiều”.

Phía sau những vinh quang-Kỳ IV: Những nốt lặng... ảnh 1 Vận động viên cử tạ Tuyết Loan (giữa) cùng đội tuyển cử tạ Việt Nam đã giành nhiều huy chương vàng tại các kỳ SEA Games nhưng vẫn mơ một công việc ổn định, có đồng lương
Tâm sự về nhân duyên đã gắn HLV Đổng Quốc Cường với thể thao khuyết tật, HLV nói: “Tôi vào trong Nam này, thấy rất nhiều bạn có tật mà có tài, nên mở CLB bơi dành cho người khuyết tật rồi đào tạo ra nhiều tuyển thủ. Các bạn ấy đều yêu bơi lội, không ngại gian khổ, chính sự nỗ lực của họ làm tôi thấy cảm động và quên đi mọi khó khăn hàng ngày”. Bể bơi dành cho vận động viên khuyết tật rất vắng vẻ, chỉ có thầy trò sớm hôm với nhau. HLV Đổng Quốc Cường nói: “Thể thao người khuyết tật vẫn còn ít người biết tới. Tôi cũng nói với các cháu rằng, chính thành công của các bạn sẽ giúp mọi người quan tâm hơn tới thể thao của người khuyết tật”. Trăn trở lương thưởng

Cách đây không lâu, trên báo Thừa Thiên Huế có bài: “Nhọc nhằn vận động viên khuyết tật” trong đó phản ánh việc vận động viên khuyết tật chỉ có chế độ tập luyện 50.000 đồng/ngày, phải tự túc đi bằng xe buýt, khi được huy chương thì tiền thưởng chỉ bằng 50% so với vận động viên bình thường. Đây không phải chuyện cá biệt với vận động viên khuyết tật.

Vận động viên Thanh Tùng, người đoạt rất nhiều huy chương danh giá bơi lội khuyết tật cho Việt Nam kể rằng, anh bị bại liệt lúc nhỏ, sau một trận sốt. Chính bơi lội đã đem lại cho anh niềm vui và sự lạc quan. Song anh rất băn khoăn về chế độ đãi ngộ và thù lao dành cho vận động viên khuyết tật: “Chúng ta đang hướng tới sự công bằng, văn minh vậy hãy nên đối xử công bằng hơn với các vận động viên khuyết tật”. Một xã hội càng văn minh thì người khuyết tật càng được chăm sóc để họ có điều kiện phát triển tài năng của mình. 

Vận động viên Thanh Tùng nói: “Chúng em thi đấu vì danh dự của đất nước, vì sự phát triển thể thao của người khuyết tật. Chúng em không xin ai thương cả, chúng em chỉ cần sự đánh giá công bằng và cần sự ghi nhận của cộng đồng với những gì vận động viên khuyết tật đã và sẽ đóng góp cho khán giả, cho đất nước”. 

Không hứa hão

Vận động viên bơi lội Thanh Tùng tâm sự: “Đối với vận động viên bình thường việc hứa hão đã không nên xảy ra, huống hồ với vận động viên khuyết tật. Chúng em rất nhiều lần được hứa sẽ xem xét giải quyết các vấn đề về chính sách, đối đãi, nhưng hầu như sự thay đổi không nhiều”.
Một lần, Thanh Tùng đã liên hệ với chúng tôi để phản ảnh việc các vận động viên khuyết tật được hứa tài trợ luyện tập thi đấu, thậm chí còn được mời lên sân khấu để nhận những tấm biển ghi rõ số tiền tài trợ, nhưng nhiều tháng sau nhà tài trợ bặt vô âm tín. Tùng nói: “Chúng em bị hứa hão nhiều lần rồi. Lần này nhờ công luận lên tiếng để họ không lợi dụng thể thao khuyết tật phục vụ cho quảng cáo nữa”.

Chúng tôi liên hệ với một số người có mối quan hệ chặt chẽ với nhà tổ chức cuộc tài trợ đó và nhận được hồi âm: “Chúng tôi chỉ đứng ra tổ chức sự kiện, còn tiền tài trợ là của một đơn vị khác. Rất tiếc phía đơn vị tài trợ vẫn chưa chuyển tiền cho ban tổ chức”. Một người thường tổ chức các sự kiện thể thao khuyết tật còn nói: “Các anh thông cảm! Thật sự, việc tìm tài trợ cho thể thao khuyết tật khó khăn lắm”. May mắn là sau đó, phía nhà tài trợ đã chuyển kinh phí tài trợ cho các vận động viên khuyết tật như đã cam kết.

(Còn nữa)
MỚI - NÓNG