Phía sau việc tìm chủ nhân hành lý tiền tỷ bị lạc tại sân bay

Anh Lê Đức Anh nhận lại chiếc ví chứa 95 triệu đồng và lá thư cảm ơn gửi đến những cán bộ, công nhân viên giúp đỡ anh.
Anh Lê Đức Anh nhận lại chiếc ví chứa 95 triệu đồng và lá thư cảm ơn gửi đến những cán bộ, công nhân viên giúp đỡ anh.
TP - Hàng tỷ đồng tiền mặt, cùng hàng trăm điện thoại, máy tính bảng, máy ảnh, hộ chiếu… bị bỏ quên tại sân bay mỗi năm. Việc tìm các chủ nhân của số hàng hóa thất lạc này không dễ dàng; đôi khi phải áp dụng các biện pháp kỳ công, nhẫn nại...

Chiếc ví sờn chứa 95 triệu đồng

Ngày 15/9 vừa qua, anh Lê Đức Anh từ xã Cẩm Phú, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ra Sân bay Nội Bài, nghẹn ngào nhận lại chiếc ví chứa đô la Mỹ, tiền Hàn Quốc, tương đương 95 triệu đồng. Không nghẹn ngào sao được khi đó là số tiền mà Đức Anh tích cóp được sau những năm tháng lao động cơ cực tại xứ người tưởng đã “không cánh mà bay” khi vừa đặt chân về nước.

Chuyện xảy ra trước đó 5 ngày, khi anh Bùi Đức Sinh, nhân viên Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài (NIAGS - đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ mặt đất - thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam) nhặt được chiếc ví da trong quá trình dọn vệ sinh tàu bay sau chuyến bay VN427 từ Busan (Hàn Quốc) về Nội Bài.

Theo đúng quy trình, anh Sinh cấp báo về xí nghiệp và việc xác minh được giao cho anh Nguyễn Xuân Hùng (sinh năm 1957, nhân viên phòng phục vụ hành khách của NIAGS). Căn cứ vào chứng minh nhân dân trong ví, khách mất đồ được xác định là Lê Đức Anh. Anh Hùng lập tức gửi thông báo cho khách theo địa chỉ email đặt vé nhưng địa chỉ này bị sai. Tiếp tục kiểm tra thông tin trên hệ thống nhưng khách không có điện thoại ở Việt Nam. Anh Hùng gửi điện văn sang Busan nhờ hỗ trợ nhưng cũng không có hồi âm.

Những ngày sau đó, căn cứ vào địa chỉ trên chứng minh nhân dân, anh Hùng liên lạc với tổng đài 1080 để tìm Đức Anh. Tuy nhiên, số điện thoại của tổng đài cung cấp không liên lạc được và anh Hùng đã trực tiếp gọi điện về UBND, công an và bưu điện xã Cẩm Phú.

Nhưng cũng phải qua 2 ngày liên lạc và nhờ nhân viên bưu điện xã giúp sức, anh Hùng mới gặp được Đức Anh để xác minh và hướng dẫn thủ tục ra Hà Nội nhận lại tài sản. Là cán bộ lâu năm, chỉ còn một năm nữa đến tuổi hưu, từng trả lại tài sản nguyên vẹn cho hành khách nhưng trường hợp của Đức Anh khiến anh Hùng trăn trở. Anh kể: “Khi cầm trên tay chiếc ví sờn rách chứa số tiền lớn như vậy, tôi đoán rằng của một lao động phổ thông ở nước ngoài về. Nghĩ rằng số tiền lớn kiếm được bằng mồ hôi nước mắt bị mất chắc chủ số tài sản đau lòng lắm nên đã thôi thúc tôi tìm cách liên lạc bằng được”.

Chồng bệnh, con nhỏ không tham của “trời cho”

Trường hợp mất số tiền lớn như Đức Anh ở sân bay không hiếm. Tại cuộc họp của Bộ GTVT mới đây, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc NIAGS công bố những con số gây sốc: Chỉ tính riêng quý 3 năm 2015, NIAGS đã thu nhận hơn 1,5 tỷ đồng của khách bị bỏ quên cùng 320 tài sản các loại (phổ biến là điện thoại, máy tính bảng, máy ảnh…). Thống kê của TIAGS (Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất thuộc Vietnam Airlines) cũng khiến người nghe giật mình: Trong 6 tháng, các nhân viên của xí nghiệp phát hiện và trả lại hành lý cho 1.802 khách. Điện thoại, máy tính bảng vẫn là những vật dụng dễ bị bỏ quên nhất (trong 6 tháng đầu năm có 148 Ipad, máy tính bảng và 49 điện thoại Iphone bị bỏ lại Sân bay Tân Sơn Nhất).

Một trong những sự việc có số tiền bị bỏ quên nhiều nhất xảy ra ngày 26/8 vừa qua. Cụ thể, trong lúc làm vệ sinh tàu bay sau chuyến bay VN614 (từ Băng Cốc - Thái Lan  về Hà Nội), nhân viên Nguyễn Thị Đoán của NIAGS phát hiện một gói báo bỏ quên trên ghế. Trong gói báo có đến 38.800 USD, tương đương gần 864 triệu đồng. Chị Đoán ngay lập tức báo cáo với đại diện đơn vị và bàn giao lại cho cơ quan chức năng.

Nhiều trường hợp nhân viên dù khó khăn nhưng không hề bị lòng tham cám dỗ. Ví như anh Nguyễn Văn Cảnh (sinh năm 1973, kíp phó vệ sinh tàu của NIAGS) có vợ và 2 con nhỏ làm nông tại Thái Bình; cá nhân anh phải thuê nhà trọ ở Nội Bài để làm việc và sinh sống nhưng từ lâu không coi việc nhặt được hành lý của khách là cơ may. Đáng kể nhất là sự việc xảy ra sau chuyến bay VN1561 ngày 16/11/2014. Lúc đó, anh nhặt được tài sản của khách với tổng giá trị trên 41 triệu đồng và đã báo với xí nghiệp để trả lại. Năm 2015, 23 lần anh nhặt được tài sản có tổng giá trị trên 70 triệu đồng nhưng chưa từng có ý định giữ lại làm của riêng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (sinh năm 1969, trú tại Phù Lỗ, Sóc Sơn, là nhân viên vệ sinh tàu bay phòng Dịch vụ trên tàu bay của NIAGS) có chồng bị suy thận nặng, phải ở nhà điều trị; mình chị nuôi 3 con nhỏ đang trong độ tuổi ăn học nhưng chưa từng xem việc nhặt được tài sản của khách là cơ may thoát nghèo. Năm 2015, chị 18 lần nhặt được tài sản bỏ quên của khách với tổng giá trị trên 50 triệu đồng và đều báo cho xí nghiệp để trả lại.

Đầu tháng 9/2015, GS Nguyễn Lân Dũng bay chuyến VN 0227 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đến TPHCM. Khi xuống tàu bay, GS Dũng phát hiện để quên Ipad và lập tức điện cho đường dây nóng của sân bay và được trao trả sau 2 tiếng. Việc trao trả Ipad được thực hiện nhanh chóng do nhân viên Đặng Ngọc Hải của TIAGS nhặt được khi dọn tàu bay và báo ngay cho trưởng ca trực. Sau đó, TIAGS liên hệ với Vietnam Airlines để tra thông tin và xác minh được chủ nhân của chiếc Ipad chính là của vị giáo sư “hỏi gì đáp nấy”.

MỚI - NÓNG