Phía sau vụ đánh ghen kinh hoàng

Phía sau vụ đánh ghen kinh hoàng
TP - Cuộc hành hạ con người đêm hôm ấy chỉ có thể gọi đích danh : Hạ nhục người khác cho bõ tức và sự tức giận không vì lòng yêu thương mà vì sự nghi ngờ...
Phía sau vụ đánh ghen kinh hoàng ảnh 1

Một giờ đêm 1/2/2007, ông Biện Hoàng Lập - 53 tuổi và bà Huỳnh Bé Thu - 35 tuổi đang ngủ trong chòi vuông tôm giữa cánh đồng Chó Ngáp (thuộc ấp Thọ Hậu, xã Phước Long, Bạc Liêu).

Không gian yên tĩnh chợt có tiếng xe máy gầm rú. Ông Lập tỉnh giấc, lắng tai nghe. Tiếng xe máy dừng lại rồi tiếng chân rầm rập và tấm cửa chòi vuông tôm của ông làm bằng thiếc, khuôn gỗ, cài then bị đạp tung ra, đổ sập cái rầm. Một đoàn người nhào vô, đèn pin loang loáng.

Ông Lập chưa hiểu chuyện gì thì đã bị một nòng súng lạnh ngắt gí vào đầu với giọng đàn bà thét lớn: “Nằm im, không được động đậy”. Hai thanh niên nhảy lên, đè ông Lập xuống trói lại.

Lúc ấy, ông Lập nhận ra hai thanh niên trói ông chính là… con trai của ông: Biện Việt Nhu - 30 tuổi và Biện Việt Nhân - 24 tuổi. Một nỗi đau đớn chán chường khiến ông Lập rụng rời tay chân.

Hai con trai ông Lập đang trói gô cha của họ thì hai người phụ nữ khác và 5 thanh niên lôi bà Huỳnh Bé Thu ra một đầu giường, đè nghiến xuống và cũng trói giật khuỷu tay. Ánh đèn pin lia qua lia lại. Tiếng người hò hét, chửi bới và văng tục.

Ông Lập kịp nhận ra người đàn bà đang hô đám thanh niên trói bà Thu là… vợ ông, bà Trần Ngọc Điệp. Khi ông Lập bị trói xong, nòng súng ngắn lạnh ngắt gí vào đầu ông bấy giờ mới rời ra. Ông Lập nhận ra người cầm súng ngắn là bà Ngô Hồng Đào ở ấp 5 (thị trấn Hộ Phòng, Giá Rai).

Bà Đào trước đây mở quán ca cổ, làm chủ nhiệm một câu lạc bộ đờn ca tài tử, cũng tình tứ văn nghệ sỹ lắm, còn hiện nay là chủ cửa hàng thời trang Mai Đào.

Bà Đào không hề có bà con gì với gia đình ông, chẳng biết sao bà lại hùng hổ cầm đầu toán người dữ tợn này và cũng không biết từ đâu bà có khẩu súng ngắn? Nhưng ông Lâp biết bà Đào là vợ của ông Phạm Văn Đáng (Ba Đáng) - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Bạc Liêu.

Khi đèn được thắp lên, vợ con ông và bà Đào càng rõ mặt. Tuy nhiên, nhóm này có đến 10 người, 1 phụ nữ và 5 thanh niên còn lại thì ông Lập hoàn toàn lạ lẫm. Họ buông tha ông để hành hạ bà Thu.

Họ rút cái kéo chuẩn bị sẵn bắt đầu cắt tóc bà Thu. Mái tóc dài óng mượt quá lưng được cắt dần từng nhát trong tiếng hăm dọa và tiếng cười khoái trá. Bà Thu giãy giụa nhưng không thể chống nổi 10 con người đang đằng đằng sát khí.

Bà Thu khóc lóc van xin nhưng không động lòng những người đang hả hê với việc hành hạ người. Cắt nham nhở mái tóc một lúc họ dừng kéo và lấy một cái ghế thấp đánh vào đầu bà Thu. Vừa thay nhau hành hạ bà Thu, họ vừa cật vấn bà Thu đã “bòn rút” được bao nhiêu tiền của ông Lập.

Phía sau vụ đánh ghen kinh hoàng ảnh 2
Chòi vuông tôm ở cánh đồng Chó Ngáp nơi xảy ra vụ đánh ghen kinh hoàng

Bà Thu kêu lên, bà không lấy tiền của ông Lập. Cả nhóm cười gằn và càng đánh mạnh hơn. Thế rồi, có người tìm được cái thớt liền bảo “đánh thớt vào mặt cho nhục hơn”.

Họ thay ghế bằng thớt để làm “vũ khí”. Đôi lúc, ông Lập định nhào tới can ngăn việc đánh đập, lập tức ông bị giật dây trói trở lại và chĩa súng vào đầu bảo “muốn sống thì ngồi im”. Bà Thu bấy giờ không còn sức mà khóc nữa, đành cúi đầu chịu trận.

Công an ấp Thọ Hậu được mời đến lập biên bản “quả tang”. Lập biên bản xong, lại tiếp tục cảnh hành hạ, tra khảo. Lúc này, bà con ấp Thọ Hậu kéo đến xem khá đông nhưng đều đứng vòng ngoài, không ai dám vào can ngăn.

Ông Lê Văn Tốt - 74 tuổi, ở ấp Thọ Hậu (xã Phước Long), kể lại với PV Tiền phong: “Tôi chừng này tuổi rồi, lần đầu tiên chứng kiến cảnh đảo điên con trói cha như trói heo; vợ nhảy tưng tưng chửi bới; công an ấp ngồi im cho một nhóm người đánh hội đồng, đập phá mọi thứ, xé quần áo quăng tứ tung.

Vợ ông Lập đập chai nước tương, hăm rạch mặt bà Thu. Bà Đào một tay cầm đèn pin đập vào đầu bà Thu, một tay cầm súng hăm he bắn bất cứ ai nếu nhảy vào can thiệp”.

Cái chòi dựng bằng lá dừa nước rộng chừng 10 m2 đã bị đập phá hết đồ đạc bên trong. Bà Lê Thị Tài - 73 tuổi, ở ấp Thọ Hậu - kể: “Đánh đập chán tay, bà Đào rút điện thoại di động điện cho ông Đông (ông Nguyễn Thành Đông, Trưởng công an huyện Phước Long - PV), hét to: “Chị Ba đây, chị là vợ Ba Đáng nè. Tao bắt ghen. Mấy em xuống đây giải về”.

Tuy nhiên, công an xã lẫn huyện không xuống và sau mấy tiếng đồng hồ hành hạ bà Thu và ông Lập, nhóm người kia lôi bà Thu và ông Lập trong tình trạng bị trói giật khuỷu tay lên xe Honda chở kẹp 3 để chạy về xã Phước Long.

Đoàn xe rú máy ầm ĩ, pha đèn sáng rực, chạy qua con đường quê quanh co, gập ghềnh dài khoảng 10 cây số, đến trụ sở công an xã Phước Long trời vừa hừng sáng. Ông Lập và bà Thu bị đẩy vào một phòng, ngồi bệt xuống nền gạch, ông Lập được mở trói còn bà Thu vẫn bị trói.

Bà con ở gần thấy lạ kéo đến xem rất đông. Tất thảy ngạc nhiên, tại sao có chuyện xúc phạm nhân phẩm con người trắng trợn như thế? Một số người lên tiếng phản đối, tức thì bà Điệp bảo đây là việc của gia đình bà, không ai được can thiệp.

Bà Đào cũng lớn tiếng đe dọa những ai muốn can thiệp. Ồn ào, nhộn nhạo. Nhìn ông Lập ngồi ủ rũ trong phòng, bên ngoài vợ ông, con ông nói cười hả hê, dân làng có người thốt lên: Cám cảnh quá, cám cảnh quá!

Ghen hay cố tình xúc phạm nhân phẩm con người?

Thật ra, quan hệ giữa ông Biện Hoàng Lập và bà Huỳnh Bé Thu cũng có nhiều uẩn khúc.

Trước kia ông Lập sống với bà Trần Ngọc Điệp ở ấp 5 (thị trấn Hộ Phòng) có 5 con, đều đã khôn lớn. 2 con gái lấy chồng, 3 con trai được nuôi ăn học đàng hoàng, hiện một con trai đang học đại học còn 2 con trai đi theo mẹ bắt trói cha thì một là công nhân, một ở nhà phụ giúp mẹ quản lý nhà trọ. Kinh tế gia đình thuộc loại khá giả, có cơ sở kinh doanh, có đất nuôi tôm.

Ông Lập làm công tác mặt trận xã Tân Phong (Giá Rai) cũng gần nhà, vừa công tác ông vừa chăm lo việc nhà chu đáo. Đột nhiên, từ năm 2000, vợ ông lạnh nhạt với ông.

Theo ông Lập thì: “Làm cán bộ xã mà gia đình không hạnh phúc rất khó nói với bà con nhân dân. Anh em ở xã Tân Phong cũng hỏi về việc này. Tôi cố gắng tìm hiểu căn nguyên là tại sao từ khi mở nhà trọ, có đông công nhân nam nữ đến ở thì vợ tôi lại lạnh nhạt với tôi nhưng không tìm hiểu được.

Năm 2006, vợ tôi chủ động viết đơn ly dị, tôi có đưa đơn cho anh Dương Hoàng Rô - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong - xem và mong anh giúp đỡ để hàn gắn hạnh phúc gia đình. Nhưng ấp 5, rồi UBND thị trấn Hộ Phòng tổ chức hòa giải mà không thành.

Phía sau vụ đánh ghen kinh hoàng ảnh 3
Mái tóc bà Huỳnh Bé Thu sau 5 tháng bị cắt vẫn nham nhở. Ảnh: Tiến Hưng

Vợ tôi kiên quyết ly dị. Tôi buồn lắm nhưng vợ đã quyết chia tay, mình có níu kéo cũng không còn hạnh phúc nên đành ký vào đơn ly dị, đã gửi tới TAND huyện Giá Rai gần một năm nay, đang chờ xét xử”. 

Từ đó, ông Lập thuê hơn 1 ha đất ở cánh đồng Chó Ngáp để nuôi tôm, cũng để khuây khỏa nỗi buồn khi vợ không còn tình nghĩa. Hàng ngày, sau những giờ làm việc ở xã, ông chạy xe về chòi lá giữa cánh đồng Chó Ngáp thui thủi một mình với con tôm.

Trong cảnh cô đơn, buồn tủi ấy, ông gặp bà Thu, cũng tình duyên trắc trở đã thôi chồng. Bà Thu sinh ra trong một gia đình nghèo, 18 tuổi lấy chồng, hơn 30 tuổi có hai con thì thôi chồng lại ôm con, đứa 14 tuổi đứa mới lên 3 trở về nhà mẹ đẻ ở TX Bạc Liêu. Mẹ đẻ nghèo dựng cho túp lều để bà Thu buôn bán, làm mướn nuôi con.

Ông Lập và bà Thu, hai cuộc đời như hai chiếc thuyền cũ lênh đênh chứa đầy buồn tủi gặp nhau, muốn an ủi nhau, nương tựa vào nhau để hy vọng tạo lập cuộc sống mới. Họ nói với nhau tất cả và hai người hẹn ước chờ ngày ông Lập ly dị bà Điệp xong sẽ về sống với nhau.

Tình mặn nồng trong lòng đã thuận chỉ còn thủ tục hành chính mà thôi, thỉnh thoảng bà Thu vô chòi vuông tôm nấu cơm, giặt giũ săn sóc ông Lập và đôi lúc ở qua đêm cùng ông. Bà con dân làng ở cánh đồng Chó Ngáp biết tình cảm giữa hai người, hiểu nỗi éo le trong cuộc đời mỗi người, thảy đều ủng hộ và đã coi đôi bạn tình lỡ làng chắp nối này như vợ chồng.

Đêm ấy cầm lòng không đặng, bà Thu ở lại chòi vuông tôm của ông Lập, biết đâu đã bị theo dõi và xảy ra cuộc đánh ghen tàn nhẫn. Nhóm đánh ghen như đã kể được tổ chức chu đáo.

Mẹ con bà Điệp chuẩn bị dây dù trói người, kéo để cắt tóc bà Thu, được vợ của người chức quyền cầm súng ngắn hăng hái tham gia, lại rủ rê thuê mướn thêm 1 phụ nữ và 5 thanh niên lực lưỡng. Họ chạy xe Honda, rầm rộ vượt đoạn đường 30 km, quá nửa đêm tới được cái chòi nuôi tôm lẻ loi giữa đồng.

Gọi cuộc hành hạ ông Lập và bà Thu là cuộc đánh ghen có phần khiên cưỡng. Bởi lẽ, đánh ghen là khi bà Điệp còn yêu thương ông Lập nhưng ông Lập ngoại tình. Ở đây việc ông Lập ra đi là bất đắc dĩ, cuộc sống gia đình giữa ông và bà Điệp là không thể cứu vãn.

Nên cuộc hành hạ con người đêm hôm ấy chỉ có thể gọi đích danh: Hạ nhục người khác cho bõ tức và sự tức giận không vì lòng yêu thương mà vì sự nghi ngờ ông Lập đã đem tiền cho bà Thu.

Thuê mướn đông đúc, kéo đi rầm rộ náo động xóm ấp suốt một đêm như thế ngỡ chỉ xảy ra ở nơi heo hút của “thời xa vắng” nào đó, không phải ở thế kỷ 21, nơi gần trung tâm huyện lỵ Phước Long.

Nhớ lại thời xa xôi ở nơi heo hút vùng sông nước này từng xảy ra sự việc: Đêm tối, một đôi trai gái ngồi tâm tình bên dòng sông, tự vệ tuần tra phát hiện đã bắt lên xe máy chở về trụ sở xã.

Họ không cho cô gái mặc lại áo nhằm “lập biên bản quả tang”. Sáng ra, công an huyện biết được vội cho người chạy xuống xin lỗi đôi trai gái. Thuở xa xôi ấy ấu trĩ song cũng đã biết sửa sai có văn hóa và được chấp nhận.

Còn vụ việc ở xã Phước Long. Đêm ấy, ông Lập bị tước đoạt tất cả giấy tờ, tiền bạc, cả chiếc xe máy. Gần trưa, khi được thả ra từ trụ sở Công an xã Phước Long, ông bước thất thểu, bơ phờ, không còn nơi sinh sống, không thể về nhà vì vợ con đang coi ông như kẻ thù và ông cũng không còn muốn nhìn mặt, không thể về chòi nuôi tôm vì đã bị phá phách.

Một người bạn giúp ông chạy xuống Đầm Dơi (Cà Mau) nương nhờ người em họ. Rồi ông bị kỷ luật cảnh cáo Đảng. Tiếp đó, ông xin nghỉ việc mặt trận ở xã.

Còn trong cái phòng lạnh lẽo ở trụ sở Công an xã Phước Long, bà Thu vẫn bị trói giật cánh tay. Thấy sự xúc phạm nhân phẩm quá nặng nề đối với người phụ nữ đơn chiếc, có người khảng khái bảo “đã đưa vào đây, có trốn được nữa đâu mà phải trói người ta như thế”.

Bấy giờ dây trói mới được cởi. Bà Thu ôm mặt khóc nức nở. Bà Thu năn nỉ xin mấy ông công an xã cho về tắm rửa, thay bộ đồ tả tơi, rồi sẽ trở lên, các ông muốn bắt đi đâu thì bắt. Nhưng công an xã không cho, bảo chờ công an huyện xuống.

Không ai dám thả bà Thu bởi bà Đào đã gọi điện cho cấp trên ở huyện Phước Long. Chờ mãi không thấy công an huyện xuống, đến tối vẫn không thấy. Sau một ngày bị bỏ đói, gần kiệt sức thì bà Thu được thả.

Bà Thu vịn tường đứng dậy, lần ra hành lang, may trước cổng có xe Hon đa ôm, bà gắng sức ngồi lên xe. Bà cũng không còn biết về đâu, về nhà thì sợ ánh mắt của hàng xóm láng giềng, nhớ ra có người bà con ở thị trấn Phước Long, bà Thu chạy đến đó xin tá túc. Đứa con 14 tuổi cũng đã bỏ học, lên thị trấn Phước Long theo nghề sửa xe máy. 

Cái đêm kinh hoàng bao giờ kết thúc?

Vụ bắt người xôn xao dư luận địa phương trôi qua đã hơn 4 tháng, khi PV Tiền phong gặp bà Thu còn thấy đôi mắt bà thâm quầng, mái tóc dài quá lưng óng mượt ngày nào bị cắt nham nhở nay mọc lơ thơ sợi ngắn sợi dài, sợi dài chưa đụng bờ vai.

Bà kể: “Hôm trước, tôi đi chụp X- quang, bác sỹ cho biết ở vùng đầu có máu tụ nên gây nhức và có thể để di chứng… Ban ngày mỗi lúc nhìn thấy cái ghế ngồi, cái thớt là lại giật mình sợ hãi”. Hơn một tuần sau cái đêm kinh hoàng, bà Thu có được điều tra viên của Đội điều tra Công an Phước Long đưa đến Bệnh viện đa khoa Phước Long để khám.

Bà Thu nhớ lại: “Bác sỹ Trần Văn Hoạch- Trưởng khoa ngoại khám và cho toa thuốc nhưng điều tra viên giữ hết, không biết kết quả thế nào và không có thuốc men gì cả. Tôi phải đến phòng mạch tư của bác sỹ Hoạch xin đơn và mua thuốc điều trị”.

PV Tiền phong đến Bệnh viện Đa khoa Phước Long hỏi bệnh án và thương tật của bà Thu. Bác sỹ Bùi Quốc Nam, GĐ Bệnh viện nhìn trước nhìn sau rồi trả lời: “Vì bệnh nhân nằm trong vụ án Công an Phước Long đang điều tra nên nguyên tắc của ngành là phải có giấy giới thiệu của Cơ quan CSĐT hoặc lãnh đạo cấp trên mới có thể cho xem bệnh án”.

Chiều ngày 6/6, PV Tiền phong đến Công an huyện Phước Long, vô Phòng trực ban gặp cán bộ tiếp dân Nguyễn Ngọc Lan. Cô cán bộ tiếp dân ngửng  lên hỏi “có gì không?”. Chúng tôi trình bày lý do, cô phán “ra ngoài chờ”.

Chúng tôi định xin cô cán bộ tiếp dân cho đứng trong phòng chốc lát bởi ngoài hành lang đang quá đông người và ngoài nữa thì trời đang mưa to nhưng thấy khuôn mặt xinh đẹp của cô nghiêm lạnh đành thôi.

Cô công an lo việc dân việc nước bộn bề, cần có kỷ luật để công việc được khẩn trương. Một lúc, cô gọi chúng tôi trở vô nói: “Vụ việc đang điều tra, không cung cấp thông tin cho báo chí!”.

Chúng tôi vội trình bày: “Chúng tôi không hỏi thông tin bởi vụ việc rùm beng, dân cả vùng cũng biết rồi, chúng tôi chỉ muốn hỏi hành vi bắt trói người trong trường hợp này đã vi phạm pháp luật ở mức độ nào?”.

Cô cán bộ tiếp dân Nguyễn Ngọc Lan gạt phắt: “Đã bảo rồi, lãnh đạo đang họp, không tiếp được” và nói thêm, đó là ý kiến của ông Nguyễn Thành Đông, Trưởng công an huyện Phước Long.

Trở lại xã Phước Long. Trưởng công an xã là Thiếu tá Đoàn Quốc Khởi, khẳng định: “Đánh ghen cái gì mà có vũ khí, bắt trói người, cướp đoạt tài sản, nhục mạ người khác là vi phạm pháp luật rõ ràng rồi. Trong những người đánh ghen lại có vợ ông Ba Đáng không hiểu sao cũng có mặt”.

“Tại sao đến nay chưa xử lý?”, PV Tiền phong hỏi. Thiếu tá Khởi trả lời: “Công an xã đã báo cáo và chuyển hết hồ sơ cho Đội điều tra Công an huyện Phước Long. Nhà báo lên Công an huyện mà hỏi”.

Đã hơn 4 tháng rồi ông Lập, bà Thu đã gửi nhiều đơn kêu cứu nhưng chưa biết bao giờ mới được xử lý. Hay các cơ quan chức năng của địa phương đang gặp khó vì cái gì đó hoặc vì ai đó mà lúng túng khi thực thi pháp luật? Đêm đảo điên giữa cánh đồng Chó Ngáp còn phải kéo dài thêm nhiều ngày, nhiều đêm?

ĐBSCL ngày 11/6/2007

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.