Phiên tranh tụng vụ kiện chất độc da cam chưa có kết quả

Phiên tranh tụng vụ kiện chất độc da cam chưa có kết quả
Phiên tranh tụng đầu tiên về vụ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam kiện 37 Cty hóa chất Mỹ tại Tòa án liên bang Mỹ ở quận Brooklyn (New York) đã diễn ra trong hơn 8 giờ (vượt quá thời gian quy định ban đầu là 7 giờ).

Chánh án Jack B. Weinstein tuyên bố chấm dứt phiên tranh tụng mà không đưa ra phán quyết cuối cùng. Ông khẳng định Tòa cần thêm thời gian để nghiên cứu các bằng chứng pháp lý các bên đưa ra tại phiên tranh tụng.

Nhiều luật sư tham dự phiên tranh tụng cho rằng, chánh án Weinstein quyết định lùi việc đưa ra phán quyết cuối cùng về việc liệu có đưa vụ kiện ra xét xử hay không để cân nhắc thêm về những tình tiết mới nảy sinh tại phiên tranh tụng.

Tham dự phiên tranh tụng có sự hiện diện của khoảng 50 luật sư đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam, đại diện cho các công ty hóa chất Mỹ và đại diện cho các cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.

Bà Phan Thị Phi Phi, nạn nhân của chất độc da cam đại diện cho các nạn nhân khởi kiện, đã tham dự phiên tranh tụng. Chánh án Weinstein - Chủ tọa phiên tòa - đã thăm hỏi sức khỏe và hoan nghênh sự hiện diện của bà tại Tòa.

Các luật sư của bên nguyên và bên bị đã trình bày các lập luận pháp lý liên quan đến hiệu lực pháp lý của đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam và trách nhiệm pháp lý phải bồi thường của các công ty hóa chất Mỹ.

Các luật sư bên bị đã trình Tòa những chứng cứ pháp lý dựa theo luật bảo vệ nhà thầu của Chính phủ, Luật giới hạn thời gian khởi kiện, luật giới hạn an toàn sản phẩm để yêu cầu Tòa hủy bỏ các đơn kiện của hơn 100 nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam nhằm tránh trách nhiệm pháp lý bồi thường thiệt hại.

Luật sư đại diện Bộ Tư pháp Mỹ đã nêu quyền miễn tố của người đứng đầu ngành hành pháp Mỹ để yêu cầu Tòa hủy bỏ vụ kiện.

Các luật sư bên nguyên đã trình Tòa những bằng chứng pháp lý khẳng định tính hợp pháp của các đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam và bác bỏ các lập luận pháp lý của các luật sư bên bị đòi hủy bỏ vụ kiện.

Các luật sư đại diện các cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam đã đưa ra các bằng chứng cho thấy các Cty hóa chất Mỹ đã che giấu tác hại của chất độc da cam đặc biệt là điôxin khi sản xuất và cung cấp cho quân đội Mỹ với nhãn hiệu là chất khai quang.

Đại diện Trung tâm các quyền hiến pháp Mỹ, một tổ chức phi chính phủ, cũng đã đưa ra những lập luận pháp lý ủng hộ đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN ngay sau khi kết thúc phiên tranh tụng, luật sư Jonanthan Moore - Đại diện cho đoàn luật sư bên nguyên - cho biết: Phiên tranh tụng lần này là cơ hội tốt để các luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt Nam trình bày các chứng cứ mới nhất để buộc các Cty hóa chất của Mỹ phải chịu trách nhiệm về các loại hóa chất độc hại mà quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh.

Các hóa chất này đã gây tổn hại đến sức khỏe của người dân Việt Nam và đã gây nhiễm độc đến các nguồn nước, đất đai, cây cối ở Việt Nam. Ông Jonanthan tin tưởng rằng vụ kiện sẽ có kết quả khả quan và cho biết ông cùng với các luật sư đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện đến cùng.

Phiên tranh tụng đã thu hút sự quan tâm một số tổ chức truyền thông báo chí quốc tế và của người Việt tại Mỹ. Nhiều tổ chức bạn bè Mỹ ủng hộ Việt Nam như "Quỹ hòa giải và phát triển Đông Dương", "Chiến dịch hòa giải và cứu trợ nạn nhân chất độc da cam"... đã tham dự phiên tranh tụng và đã phát động chiến dịch vận động ủng hộ vụ kiện và quyên góp tài chính ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam.

Sự có mặt của bà Phan Thị Phi Phi, đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam tại phiên tranh tụng, đã thu hút được sự chú ý của những người tham dự phiên tòa và đã có tác dụng tốt tại phiên tranh tụng.

Trong thời gian ở Mỹ, bà Phi Phi sẽ có các cuộc hội thảo bàn tròn, gặp gỡ và nói chuyện tại các tổ chức, hiệp hội và các trường đại học lớn tại một số bang Đông Bắc Mỹ về những hậu quả của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã gây ra tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG