Phiêu du qua vùng đất đỏ Bazan

Du khách lắc lư trên lưng chú Voi hiền lành.
Du khách lắc lư trên lưng chú Voi hiền lành.
TPO - Khi những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa Tây Nguyên chấm dứt, nhường chỗ cho tiết trời hanh hao, gió heo may lành lạnh cũng là lúc du khách thập phương tìm về cao nguyên Đắk Lắk để khám phá trọn vẹn vẻ đẹp tuyệt mĩ ở vùng đất đỏ Bazan.

Đắk Lắk có hai mùa mưa nắng rõ rệt và mùa nào cũng có vẻ đẹp đặc trưng của nó. Song mùa nắng (từ tháng 10 đến tháng 4) là hấp dẫn du khách nhất bởi thời điểm này, cao nguyên mới khoe hết vẻ đẹp trong trẻo khi có hoa dã quỳ nở, cà phê khoe sắc, kèm theo các lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc bản địa như Ê đê, Ja Rai, M’Nông… Dã quỳ là loại hoa dại mọc khắp các cung đường Đắk Lắk từ nương rẫy cho đến phố phường. Cứ tháng 10 hằng năm, dã quỳ bắt đầu bung nở một màu vàng rực rỡ, bừng sáng cả đất trời cao nguyên.

Phiêu du qua vùng đất đỏ Bazan ảnh 1

Lũ ong tìm về hút mật.

Anh Võ Trọng Ân, một du khách đến từ Bình Định từng chia sẻ: Anh đã đi nhiều nơi, ngắm đủ các loại hoa trên đời, nhưng đứng trước hoa dã quỳ anh như bị “thôi niên”. Thân hoa mỏng manh nhưng nở hoa to tròn, có màu vàng tươi như ông mặt trời lúc bình minh. Dã quỳ tượng trưng cho vẻ đẹp của người con gái cao nguyên mang dại, hiền hòa, e ấp trong làng khói mờ dịu ảo hút hồn bao du khách. Dã quỳ tàn lại đến mùa thu hoạch cà phê. Những quả cà phê chín đỏ căng mộng bám trĩu cả cành sẽ là trải nghiệm thú vị cho ai muốn trải nghiệm một lần làm “nông dân”.

Phiêu du qua vùng đất đỏ Bazan ảnh 2

 Mùa hoa cà phê quyến rũ du khách.

Đi khắp các cung đường quanh Quốc lộ 14, Quốc lộ 27 hay các ngã đường về các huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk như Ea H’leo, Krông Búk, Thị xã Buôn Hồ, Ea Kar, Krông Năng, Cư M’gar... không khó để thấy hình ảnh xe công nông –một loại xe đặc trưng ở vùng đất đỏ Bazan nối đuôi nhau chở từng đoàn người lên rẫy thu hoặc cà phê, đến chiều muộn họ lại chất thêm cả hạt cà phê bon bon về nhà.

Sau vụ thu hoạch cà phê, người nông dân lại tấp bật chăm sóc, “đại tu” và vườn để dồn sức cho hoa cà phê nở hoa, bắt đầu hình thành trái. Và lúc này, dân phượt lại rủ nhau “vác ba lô lên và đi” tim mùa hoa cà phê, mùa con ong đi lấy mật. Họ như lạc giữa rừng “hoa tuyết” bồng bềnh kiêu sa trên nền màu xanh tươi của cây lá. Nhìn gần bông cà phê lúc bung nở tròn xoe như hình cầu và kết thành từng chùm bám kín từ đầu đến cuối cành trông thật quyến rũ.

Phiêu du qua vùng đất đỏ Bazan ảnh 3

Trải nghiệm thu hoạch cà phê cùng nông dân.

Hoa cà không nở từng bông hay từng cây riêng lẻ mà nở cùng một lúc, khi vườn cây tích đủ nước. Chỉ mới hôm qua, búp hoa vẫn còn tươi xanh. Nhưng chỉ qua một đêm, nụ đã chuyển mình tỉnh giấc, bung ra những cánh hoa trắng tinh khôi vẫy chào ngày mới. Hoa nở nhanh nhưng cũng mau tàn. Trong vòng một tuần, sau khi khoe hết vẻ đẹp của mình, hoa sẽ rụng cánh rồi kết thành từng chùm quả nhỏ non xanh bám trĩu cành. Bởi vậy, không phải ai cũng có dịp ngắm trọn vẻ đẹp mộc mạc, tinh khiết của loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp của đại ngàn cao nguyên Đắk Lắk nếu như không “canh” đúng lúc mùa hoa nở.

Ngay cả chủ vườn, nhiều khi cũng “giật mình” trước sự “thay áo” mới của cây cà phê. Không chỉ “hấp hồn” bao người bằng những bông tuyết trắng ngần, hoa cà còn tỏa mùi hương dịu nhẹ bay theo làn gió khiến lũ ong bướm dập dìu kéo về vờn phấn, kết mật tạo nên đặc sản mật ong hoa cà phê Đắk Lắk đặc sánh, hiếm nơi nào có được.

Đắk Lắk có nhiều điểm tham quan du lịch tự nhiên hút khách trong đó phải kể đến là hồ Lắk (huyện Lắk) thơ mộng và Bản Đôn (huyện Buôn Đôn). Hồ Lắ k cách TP. Buôn Ma Thuột 50 km về phía Nam. Hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên, được bao bọc bởi những đồi núi hùng vĩ phủ một màu xanh thẳm của khu rừng nguyên sinh ngày ngày soi mình dưới làn nước mát tạo nên khung cảnh nên thơ trữ tình.

Phiêu du qua vùng đất đỏ Bazan ảnh 4

Cưỡi sóng nước Sêrêpốk ngắm rừng khộp.

Muốn khám phá hết vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của hồ Lắk ta chỉ cần lên chiếc thuyền độc mộc rồi từ từ đạp nước vươn xa. Xung quanh hồ có tộc người M’Nông định cư lâu đời với những dãy nhà sàn truyền thống đặc trưng có từ xa xưa. Họ rất bình dị, dản đơn, yên ả như sóng nước hồ Lắk mà điều này, chỉ khi du khách đặt chân đến, tự khám phá sẽ cảm nhận rõ nét nhất. Đến Lắk ta sẽ được tận mắt chứng kiến đàn Voi- loại vật to, thông minh nhất thế giới, biểu tựng của Đắk Lắk. Những chú Voi to khỏe nặng hàng tấn trông rất oai vệ nhưng vô cùng hiền lành dễ thương và mến khách.

Để hiểu hơn về loài Voi, ta chỉ cần ngược về phía Tây của tỉnh Đắk Lắk là Bản Đôn nơi nổi tiếng cới truyền thống săn và thuần dưỡng Voi rừng. Tại đây ta sẽ được tham quan ngôi nhà sàn có hơn 130 tuổi của gia tộc Vua săn Voi. Trong nhà lưu giữ rất nhiều kỷ vật về cuộc đời và đồ nghề săn bắt voi của Khun Yu Nốp cùng người kế tục Ama Kông (cháu ngoại Khun Yu Nốp) cùng những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn về cuộc đời và những chuyến đi săn của ông Vua săn Voi này.

Nơi đây còn có khu rừng khộp duy nhất ở Việt Nam nằm trong Vườn Quốc gia Yok Đôn có nhiều loài động- thực vật nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới và có sông Sêrêpốk huyền thoại quanh năm tuôn dòng nước mát như một dãy lụa mềm mại xuyên qua khu rừng được các công ty du lịch đầu tư mở nhiều tuor hấp dẫn như phượt xuyên rừng Yok Đôn và trải nghiệm văn hóa của dân tộc Ê Đê, M’Nông Lào...

Phiêu du qua vùng đất đỏ Bazan ảnh 5

Thưởng món gà sa lửa nổi tiếng ở Buôn Đôn

Còn gì thú vị hơn khi được “xõa” mình, về với thiên nhiên hoang dã; tối đến bên bếp lửa hồng có ghè rượu cần say mê, ngọt lịm. Ngoài ra, Buôn Đồn là nơi diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trong đó có lễ hội đua Voi rất hấp dẫn thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Vậy còn chần chừ gì nữa mời bạn một lần lên cao nguyên Đắk Lắk trải nghiệm hết vẻ đẹp của đại ngàn.

MỚI - NÓNG