Phó chánh thanh tra Bộ Y tế phải giải trình

Phó chánh thanh tra Bộ Y tế phải giải trình
Chiều 19/5, chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho hay: “Tôi giật mình khi đọc báo Tuổi Trẻ và ngay lập tức đã yêu cầu trưởng đoàn thanh tra giá thuốc tại TP.HCM đợt tháng ba vừa qua, đồng thời là phó chánh thanh tra Bộ Y tế Bùi Đức Phong giải trình”.

Vụ thanh tra đến công ty Hoàng Đức rồi... về:

Phó chánh thanh tra Bộ Y tế phải giải trình

* Thưa ông, thanh tra Bộ Y tế vừa thanh tra tháng ba vừa qua mà không phát hiện việc giấy phép kinh doanh văcxin của Công ty Hoàng Đức đã hết hạn, công ty vẫn kinh doanh văcxin...

- Đợt thanh tra tháng ba vừa qua là thanh tra về thuốc và giá thuốc (ông Trung giở tập hồ sơ về Công ty Hoàng Đức và nói tiếp). Giấy phép do Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cấp đầu năm 2003 cho phép Công ty Hoàng Đức kinh doanh rất nhiều thứ: dược phẩm (ngoại trừ thuốc gây nghiện), sinh học (?), mỹ phẩm, hàng bách hóa... Quyết định của chúng tôi là quyết định thanh tra thuốc và giá thuốc, nên chúng tôi chỉ thanh tra hai vấn đề này.

Tôi dám chắc đoàn thanh tra không kiểm tra về văcxin, bởi thời điểm đó đang “nóng” về giá thuốc và đoàn thanh tra tập trung kiểm tra giá thuốc là chính.

* Thưa ông, theo giải trình Công ty Hoàng Đức đã nộp cho đoàn thanh tra của Bộ Y tế giấy phép kinh doanh văcxin... hết hạn, nhưng thanh tra Bộ Y tế không có ý kiến gì nên họ không biết. Sự thật ra sao?

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề (kinh doanh) văcxin, sinh phẩm miễn dịch đảm bảo chất lượng, được Bộ Y tế cho phép của Công ty Hoàng Đức được Sở Y tế TP.HCM cấp ngày 9/1/2001. Nhưng cơ quan cấp lại không ghi thời hạn giấy chứng nhận này hết hạn. Theo qui chế thì năm năm là hết hạn. Trong đợt thanh tra vừa qua, Công ty Hoàng Đức cũng nộp cả giấy chứng nhận này cho đoàn thanh tra chúng tôi.

* Thưa ông, các ông kiểm tra Công ty Hoàng Đức tháng ba vừa qua là về thuốc và giá thuốc. Vậy có phát hiện được vấn đề gì?

- Không phát hiện sai phạm gì về giá thuốc. Điều kiện bảo quản cũng không có vấn đề gì.

* Công ty Hoàng Đức đã nộp cả giấy chứng nhận hết hạn cho đoàn thanh tra nhưng thanh tra lại không phát hiện được, công ty này tiếp tục kinh doanh và dẫn đến sự việc đáng tiếc vừa qua. Xử lý vụ việc này ra sao, thưa ông?

- Vấn đề báo đăng tôi cam kết sẽ phải làm rõ và sẽ đưa ra báo cáo bộ trưởng Bộ Y tế trong phiên họp ngày thứ hai đầu tuần tới đây.

Theo L.Anh
Tuổi trẻ

Văcxin chạy lòng vòng: lỗi của cơ chế

Đường đi của 218 liều văcxin Priorix do Trung tâm Y tế quận 5 mua về chích ngừa cho các cháu, trong đó có các cháu bị tai biến, quả thật dicdăc: văcxin do Công ty Sapharco nhập khẩu ủy thác cho Zuellig Pharma. Công ty Hoàng Đức lại đặt hàng Zuellig và Công ty cổ phần Dược liệu T.Ư 2 lại xuất hóa đơn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, việc mua bán lòng vòng như trên lại là... việc bình thường của giới kinh doanh văcxin, tân dược.

Theo các chuyên gia Bộ Y tế, việc trực tiếp nhập khẩu văcxin được Bộ Y tế giao cho một số rất ít các công ty lớn trong nước nhưng các công ty này không có năng lực tiếp cận với đối tác cung cấp văcxin ở nước ngoài. “Các công ty này chỉ nhập khẩu ủy thác, nhận một vài phần trăm hoa hồng và... hết trách nhiệm. Tất cả thuốc, văcxin loại tốt, đắt, hiếm nhất tập trung vào một số đầu mối như Zuellig...” - một chuyên gia nhận xét.

Nguyên do của vấn đề này, theo các chuyên gia, lại là một “lỗi của cơ chế”: bảo hộ cho công ty trong nước, trao cho họ quyền mà nhà quản lý biết chắc họ sử dụng để làm gì...

Chiều 19-5, đại diện Bộ Y tế cho hay bộ đã ký văn bản cho phép kể từ nay các công ty nhập khẩu văcxin được nhập theo nhu cầu, mỗi lần nhập khẩu không phải xin quota từ Bộ Y tế. Động thái này được đánh giá sẽ làm giảm thời gian chờ đợi, tăng quyền chủ động cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc mua bán lòng vòng làm tăng giá thành văcxin, thậm chí có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sẽ vẫn còn xảy ra, nếu Bộ Y tế không nhanh chóng thay đổi cơ chế “tạo liên minh” như thời gian vừa qua.

Theo L. Anh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.