Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: “Thấy rừng bị phá như máu mình đổ xuống”

Ông Lê Trí Thanh (áo cộc tay) xót xa chứng kiến cảnh rừng bị xẻ thịt.
Ông Lê Trí Thanh (áo cộc tay) xót xa chứng kiến cảnh rừng bị xẻ thịt.
TP - Chứng kiến cảnh rừng phòng hộ Sông Kôn bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phải thốt lên “Chẳng khác nào máu mình đổ xuống”.

Khu vực rừng bị tàn phá thuộc rừng phòng hộ Sông Kôn giáp ranh 2 xã Jơ Ngây và Tà Lu (huyện Đông Giang). Sau hơn 2 giờ đồng hồ lội bộ, trước mắt chúng tôi là “đại công trường”, rừng bị băm, xẻ; trơ những gốc cây cổ thụ rưng rưng mủ bên cạnh phách gỗ, mùn cưa. Có những thân cây 2 người ôm không hết còn nguyên chưa kịp xẻ thành phách nằm ngổn ngang khắp sườn núi. Cả khoảnh rừng như một đại công trường. Tan hoang, xơ xác. Nhiều vuông gỗ xẻ được giấu tạm bợ dưới những lớp mùn cưa, hoặc che đậy bởi những lớp lá cây nằm ngổn ngang khắp sườn núi.

“Mỗi lần nhìn cảnh rừng bị tàn phá, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống” - ông Thanh xót xa. Vụ phá rừng quy mô không quá lớn, nhưng mức độ tàn phá thì rất nghiêm trọng. Ông Thanh yêu cầu các cơ quan chức năng tích cực làm rõ, đưa ra ánh sáng những cá nhân liên quan vụ phá rừng này làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Công an huyện Đông Giang cho biết đã khởi tố vụ án hủy hoại rừng, bước đầu xác định 5 đối tượng có liên quan.

Trước đó, ngày 8/3, Công an huyện Đông Giang bắt quả tang Vũ Văn Trứng và Vũ Văn Cưng (trú xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) đang khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn (xã Tà Lu và Zà Hung, huyện Đông Giang).

Ngoài Trứng và Cưng còn có 3 nghi phạm khác liên quan gồm Nguyễn Hồng, Bhnướch Hồng và A Ting Bnóc (cùng ngụ xã A Ting, huyện Đông Giang).

Khu vực rừng bị phá thuộc khoảnh 1, 3 Tiểu khu 140 xã Zà Hung. Ngày 21& 22/3, cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Giang đã tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ khai thác gỗ rừng trái phép, kết quả có tổng số 33 cây rừng bị đốn hạ với tổng khối lượng cây đứng hơn 72,6m3.

Ông Hồ Văn Minh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn thừa nhận thiếu sót khi để xảy ra vụ phá rừng. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát chưa đến nơi đến chốn nên đã dẫn đến tình trạng phá rừng quy mô lớn.

Khó giữ rừng

Theo ông Lê Trí Thanh, diện tích rừng của tỉnh Quảng Nam lớn thứ 2 cả nước do đó áp lực bảo vệ rừng là rất lớn. Trong khi đó công tác phối hợp bảo vệ rừng còn nhiều bất cập. Lâu nay, việc quản lý rừng tại Quảng Nam theo lưu vực, tính chất rừng chứ không quản lý theo ranh giới hành chính. Tuy nhiên, ranh giới trong rừng chưa rõ ràng, việc phối hợp tuần tra bảo vệ rừng còn bất cập.

Cũng theo Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, những vụ phá rừng vừa qua, cơ bản xử lý đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, tính răn đe chưa cao. Do Quảng Nam có địa hình lớn, điều kiện hiểm trở, tiếp giáp địa phương bị suy giảm nặng nề về rừng nên việc bảo vệ rừng càng khó. “Quảng Nam vào cuộc rất quyết liệt để bảo vệ rừng. Tuy nhiên việc giữ rừng vô cùng khó khăn. Nỗ lực phòng chống, truy quét lâm tặc là một câu chuyện dài kỳ từ hàng chục năm nay”, ông Lê Trí Thanh nói. Theo ông Thanh, Quảng Nam cần những biện pháp khoa học hơn, áp dụng công nghệ tiên tiến hơn, nhất là việc triển khai đề án giám sát rừng bằng công nghệ cao và tổ chức lại lực lượng kiểm lâm, tổ chức lại ban quản lý rừng, thay đổi phương pháp tuần tra bảo vệ rừng, cách thức hợp đồng với các nhóm hộ để công tác quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn, chế tài phù hợp hơn trong thời gian sắp tới.

Ông Lê Trí Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam công bố hộp thư email cá nhân: thanhquangnam70@gmail.com, kêu gọi các cơ quan báo chí và người dân tích cực tố giác các hành vi xâm hại rừng và hiến kế trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

 Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng đã tổ chức được gần 210 đợt tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét phá rừng; phát hiện 242 vụ vi phạm. Qua đó đã khởi tố 6 vụ án hủy hoại rừng, tiếp tục điều tra 20 vụ, kết thúc điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 vụ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.