Phó chủ tịch TPHCM: 'Đừng rình mò kiểm tra, nhận phong bì rồi… về'

Phó chủ tịch TPHCM: 'Đừng rình mò kiểm tra, nhận phong bì rồi… về'
TPO - Theo lãnh đạo UBND TPHCM, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm phải công khai, minh bạch nhằm chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ sở làm ăn có trách nhiệm, chứ không hướng đến việc xử phạt. Thực tế, có nhiều trường hợp cán bộ đến kiểm tra chỉ nhằm mục đích… nhận phong bì.

Chiều 7/6, phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì buổi làm việc với Ban An toàn thực phẩm thành phố và lãnh đạo 24 quận – huyện về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Tại buổi làm việc, ông Tuyến yêu cầu UBND các quận huyện phân công chủ tịch (hoặc một phó chủ tịch) và một phòng chức năng phụ trách công tác ATTP. Cấp phường, xã, thị trấn sẽ do chủ tịch UBND phụ trách. Danh sách cụ thể phải gửi UBND thành phố để thuận tiện trong công tác chỉ đạo điều hành và xử lý trách nhiệm.

“Các đồng chí đã kiến nghị rồi mà UBND thành phố chậm trễ thì tôi chịu trách nhiệm trước thường trực UBND thành phố. Không có vùng cấm”, ông Tuyến khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các quận – huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, chấm dứt tình trạng giết mổ lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả trên địa bàn với sự tham gia giám sát của MTTQ, các đoàn thể và người dân. Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải minh bạch, công khai.

Phó chủ tịch TPHCM: 'Đừng rình mò kiểm tra, nhận phong bì rồi… về' ảnh 1

Ông Trần Vĩnh Tuyến thẳng thắn: “Người dân nói muốn sửa nhà, chỉ cần để một bao xi măng xuống là trật tự đô thị biết ngay. Để kho phân bón lậu hàng chục tấn trong khu dân cư như ở Bình Chánh vừa qua rất khó giải thích. Vì chuyện này, UBND huyện Bình Chánh đang bị kiểm điểm. Quận phát hiện mà phường không biết thì xử lý chủ tịch phường. Thành phố phát hiện mà quận không biết thì sẽ xử lý lãnh đạo UBND quận.

“Đi kiểm tra không phải lúc người ta kinh doanh buôn bán mà là lúc chế biến thực phẩm. Trước khi kiểm tra phải thông báo. Mục tiêu của mình là chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ sở làm tốt hơn chứ không phải cố gắng phát hiện để xử phạt. Đừng đi rình, đi mò kiểm tra, nhận phong bì rồi về. Hậu quả không chỉ mất an toàn thực phẩm còn mất cán bộ”, ông Tuyến lưu ý.

Theo báo cáo của Ban An toàn thực phẩm TPHCM, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn TPHCM còn nhiều khó khăn. Lực lượng phụ trách tuyến quận huyện chỉ có từ 1-2 người. Riêng cấp phường xã không có cán bộ chuyên trách ATTP. 

Ngoài ra, cơ quan ATTP hiện nay còn thiếu rất nhiều thiết bị kiểm tra (test) nhanh trong khi số lượng hàng hoá, thực phẩm cần kiểm tra, kiểm soát có số lượng rất lớn. Hoạt động giết mổ trái phép gia súc, gia cầm sản xuất hàng giả, hàng gian, hàng lậu còn diễn biến phức tạp…

MỚI - NÓNG