"Phó nháy" của "người âm"

"Phó nháy" của "người âm"
Gần 30 năm gắn bó với nghề phó nháy, thế nhưng Trung tá Phạm Việt Hoàng đùa bảo, chưa một ai buông lời khen những "tác phẩm" của anh vì đó là những tác phẩm kinh hoàng về những người ở bên kia thế giới.
"Phó nháy" của "người âm" ảnh 1
Trung tá Phạm Việt Hoàng. Ảnh: Công an Nhân dân.

Gần 30 năm gắn bó với nghiệp Công an, dù thuyên chuyển qua bao vị trí công tác nhưng Trung tá Phạm Việt Hoàng, Đội Tổng hợp, Công an quận Lê Chân (Hải Phòng) vẫn chung thuỷ với "cái nghề phó nháy" duyên phận của mình.

Đến giờ, anh chẳng thể nào nhớ được là mình đã chụp bao nhiêu cuốn phim, được cơ quan cho "sở hữu" bao nhiêu chiếc máy ảnh nữa.

Thế nhưng, có điều lạ lùng là, từ trước đến giờ, những nhân vật trước ống kính của anh đều là người ở bên kia thế giới. Công việc này vô cùng nặng nề bởi từ trước đến giờ, Lê Chân như một "cái túi", gần như gom tất cả những xác chết vô tung tích của thành phố Hải Phòng...

Những tác phẩm không ai chiêm ngưỡng

Chỉ ít ngày nữa là hắn chết. Người qua đường tuy không độc mồm độc miệng nhưng trông thân thể hắn quắt queo vậy nên đã khẳng định như đinh đóng cột cái sự "ra đi" chẳng thể lẩn tránh ấy.

Hắn cũng nghĩ thế, ngay cả trong những cơn vật thuốc điên cuồng. Mấy hôm nay hắn thấy trong người khác lắm, nói năng phều phào và đi đứng liêu xiêu.

Chính vì thế mà độ tuần lễ nay, hắn chẳng dám đi đâu xa, cứ mon men hết khu Bệnh viện Việt Tiệp rồi sang cổng Công an các phường thuộc quận Lê Chân.

Hắn không phải vô gia cư, hắn có gia đình nhưng có lẽ bây giờ những người thân thích đã chán đến tận cổ nên chẳng thèm bận tâm đến sự sống chết của hắn nữa.

Rồi người đàn ông vô tung tích đã được… thần chết kéo đi. Tuy biết rõ mười mươi rằng người đàn ông đó chết do suy kiệt sức khỏe bởi AIDS nhưng theo nguyên tắc, Công an quận Lê Chân vẫn phải tiến hành mổ pháp y.

Và, như tất cả các trường hợp khác, ngay lập tức, Trung tá Phạm Việt Hoàng có mặt với chiếc máy ảnh trên tay. Anh chụp hình xác chết ấy ở mọi tư thế. Làm vậy là vừa để phục vụ cho công tác pháp y và vừa để người nhà nạn nhân có ảnh để nhận dạng sau này.

Công việc chụp ảnh tử thi của Trung tá Hoàng xem ra vô cùng bận rộn. Hôm làm việc với chúng tôi, chuông điện thoại của anh cứ réo liên hồi và cuối cùng buổi làm việc phải đẩy sang chiều bởi anh lại phải xuống hiện trường để ghi hình một tử thi vừa được đưa vào nhà xác.

Sở dĩ có sự bận rộn ấy là bởi mấy năm nay, ở Hải Phòng, chưa nơi đâu lại phải đón nhiều… xác chết vô tung tích như ở Lê Chân.

Đa phần họ chết là do ma tuý. Sốc thuốc, chết. Kiệt sức, chết. AIDS giai đoạn cuối, chết… Và, dù có chết ở đâu đi chăng nữa thì những tử thi ấy cũng được chuyển đến Bệnh viện Việt Tiệp (bệnh viện lớn nhất Hải Phòng nằm trên địa bàn quận Lê Chân) để khám nghiệm tử thi. "Nhiệm vụ" còn lại là của Công an quận: Lo phần mai táng.

Chụp ảnh, lăn tay là nhiệm vụ của anh - Trung tá Phạm Việt Hoàng. Bởi dịch AIDS, theo Trung tá Hoàng, số "khách hàng" của anh đã tăng đột biến. Có năm lên đến cả hơn trăm người. Toàn những thân hình méo mó, biến dạng. Chính vì thế, số phim mà anh được cơ quan cấp phát đều thiếu.

Đã mang "cái nghiệp" vào thân…

Gần 30 năm gắn bó với nghề phó nháy, thế nhưng Trung tá Hoàng đùa bảo, chưa một ai buông lời khen những "tác phẩm" của anh. Thậm chí, người yếu tim khi nhìn những bức ảnh ấy thì chỉ có nước ngất xỉu. Đó là những tác phẩm kinh hoàng.

Rợn nhất là những bức ảnh chụp nạn nhân đã về bên kia thế giới lâu mà không được phát hiện. Khi ấy, thân hình nạn nhân biến dạng, bốc mùi vô cùng khó chịu. Đến giờ, tuy đã quá quen với những xác chết, nhưng ngắm lại nhiều tác phẩm của mình, đôi khi Trung tá Hoàng vẫn thấy rùng mình.

Trung tá Phạm Việt Hoàng bảo, bây giờ dường như "dây thần kinh sợ hãi" của anh đã thui chột mất rồi. Và, cũng có lẽ, bởi suốt ngày gí sát ống kính với những xác chết ở mọi tư thế, góc độ nên anh bị nhiễm bệnh lao phổi.

Năm ngoái, bệnh phát mạnh, anh phải nghỉ để điều trị mất 9 tháng trời. Anh Hoàng cho biết, thường vào những ngày hè, số người chết vô thừa nhận ở Lê Chân tăng đột biến. Có ngày lên tới 3 - 4 tử thi.

Ngày mới "chập chững vào nghề", cứ mỗi lần… đi tác nghiệp, đặc biệt là phải chụp những nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông, là anh phải bỏ cơm đến cả tuần. Cứ bưng bát lên, nghĩ tới những thân thể méo mó, bầm nát là anh lại nôn thốc nôn tháo. Giờ, tuy đã quá quen, nhưng để ăn ngon miệng, anh vẫn phải… làm vài ly rượu mạnh.

Với Trung tá Hoàng, nghề của anh toàn những kỷ niệm kinh hoàng. Tuy thế, những bức hình ấy cũng làm anh rơi nước mắt. Còn nhớ, khoảng tháng 8/2003, nhân dân sống gần nghĩa địa Dư Hàng Kênh phát hiện một xác chết vô tung tích trong nghĩa địa.

Khám nghiệm hiện trường, Công an quận đã phát hiện một bức chúc thư được gói ghém rất kỹ trong túi áo ngực của nạn nhân. Đọc những dòng chữ nắn nót trong bức chúc thư đầy nước mắt ấy cùng với kết quả thu được khi tiến hành mổ pháp y, cơ quan Công an đã khẳng định nạn nhân chết do tự vẫn.

Nạn nhân không muốn làm người thân thích khổ đau, phiền não bởi sự nghiện ngập cùng với bệnh tật của mình. Chính vì thế, nạn nhân đã giấu biệt địa chỉ.

Mãi sau này, khi đã đi rất nhiều nơi để tìm kiếm, qua những bức ảnh của anh, người nhà nạn nhân mới nhận ra phần mộ của con em mình đã được Công an quận Lê Chân đứng ra chôn cất.

Xúc động với những bức ảnh anh chụp, họ đã tha thứ tất cả những lỗi lầm mà con mình mắc phải trước đây…

Theo Ngọc Lâm - Đào Tuy
Công an Nhân dân

MỚI - NÓNG