Phó Thủ tướng chỉ đạo, 2 năm vụ việc vẫn lòng vòng

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước
TPO - Nói về bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ còn nhiều vấn đề, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thẳng thắn cho rằng, tình trạng yếu kém không phải về luật pháp mà do người thực thi. Ông cũng nêu trường hợp Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có kết luận, đề nghị xử lý, nhưng 2 năm nay vẫn cứ lòng vòng để đó.

Tình trạng yếu kém trong thực thi công vụ của cán bộ công chức được nhiều Đại biểu đề cập khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 vào chiều 22/9.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương được quản lý chặt chẽ, cơ quan chuyên môn ở địa phương tiếp tục được giữ ổn định. Ở cấp tỉnh có 17 cơ quan được tổ chức thống nhất và một số cơ quan được thành lập theo đặc thù riêng, cấp huyện có 10 cơ quan được tổ chức thống nhất, 2 cơ quan được tổ chức cho phù hợp với từng loại đơn vị hành chính và 1 cơ quan đặc thù. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhìn chung vẫn còn cồng kềnh.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã ban hành các quy định để triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, không tăng biên chế công chức, viên chức, chỉ tuyển dụng mới 50% số biên chế nghỉ hưu. Số lượng cấp phó ở các Bộ, ngành và địa phương dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Tính đến tháng 9, có 123 thứ trưởng và tương đương, 242 Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Về việc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, các báo cáo của Chính phủ mờ nhạt về đánh giá đội ngũ cán bộ. "Chúng ta đang đứng trước thách thức lớn về cải cách hành chính, tư pháp, đổi mới tổ chức hoạt động Quốc hội nhưng đội ngũ cán bộ năng lực thế nào, đổi mới như thế nào thì chưa rõ", ông Quyền nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn chứng, có những dự án luật trình Quốc hội phải viết lại từ điều đầu tiên, có những luật dài hàng trăm trang phải viết lại trong thời gian ngắn. “Mặc dù các cơ quan của bộ máy nhà nước dù nhiều cố gắng nhưng không thiếu những quy định còn chưa phù hợp, tính khả thi thấp. Dù các chuyên viên được đào tạo cơ bản nhưng năng lực trong hoạch định chính sách chưa ổn”, ông Quyền đánh giá.

Theo ông Quyền, điều này được thể hiện rõ nhất ở phương diện đơn thư khiếu nại tố cáo trên các lĩnh vực không giảm mà chỉ tăng, điều này phản ánh năng lực, trách nhiệm có vấn đề. “Chúng ta có luật công chức, viên chức, luật chuyên ngành tuy nhiên khi có vụ việc gì bất cập xảy ra thì việc xác định trách nhiệm không rõ. Qua giám sát phải làm rõ cơ chế xác định trách nhiệm”, ông Quyền đề nghị.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng thẳng thắn cho rằng, bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ còn nhiều vấn đề, không phải về luật pháp mà do người thực thi.

“Đi giám sát về quản lý sử dụng đất đai nông, lâm trường, có những trường hợp Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có kết luận, đề nghị xử lý, nhưng 2 năm nay cơ sở vẫn chưa giải quyết được, cứ lòng vòng để đó. Thử hỏi tính nghiêm minh ở đâu?”.

Ông Ksor Phước lấy thêm dẫn chứng, việc giám sát Thủy điện Sơn La đã 5 năm rồi, nhưng đến giờ tình hình giải quyết đất cho đồng bào, sản xuất ra sao còn chậm và rất lúng túng, mặc dù Thường vụ Quốc hội đã có hẳn một Nghị quyết.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.