Phó thủ tướng phê bình PVN trì trệ trong xử lý các dự án thua lỗ

Tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại
Tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại
TPO - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Công Thương họp riêng với PVN để phân công cụ thể xử lý các dự án thua lỗ. Trong một tháng nữa nếu không có chuyển biến, Chính phủ sẽ có biện pháp mạnh.

Chiều 5/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp triển khai kết luận của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Tại buổi làm việc, liên quan đến Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại.

Ngày 24/4/2017, PVTex đã bị Tòa án nhân dân Quận Hải An, TP Hải Phòng xử và ra phán quyết tuyên thua kiện trong vụ tranh chấp với KCN Đình Vũ về việc PVTex chưa chi trả tiền điện, nước, hạ tầng cơ sở.

Khi bản án có hiệu lực, PVTex sẽ phải trả các khoản nợ gốc và lãi (gần 73 tỷ đồng) và án phí (hơn 180 triệu đồng). Tuy nhiên, PVTex không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ nên dẫn đến chậm thanh toán đối với các nghĩa vụ theo phán quyết của Tòa án, do vậy PVTex sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, tạm dừng chuyển nhượng quyền sở hữu…

Theo ông Vượng, trong trường hợp PVTex không thực hiện phán quyết của Tòa án thì phương án khởi động lại Nhà máy hay bán/chuyển nhượng là khó khả thi.

Với Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), trong 6 tháng đầu năm, tiếp tục làm việc với SBIC để thống nhất một số nội dung liên quan đến vấn đề quyết toán hợp đồng EPC, làm cơ sở để SBIC báo cáo Bộ GTVT, Công Thương về kết quả kiểm toán sự phù hợp với hợp đồng EPC.

Liên quan đến tình hình thực hiện chuyển giao dự án tàu 104 nghìn DWT, ông Vượng cho biết, dù đã tổ chức cuộc họp, song vẫn chưa thống nhất giá trị/ chi phí thực hiện của chủ đầu tư tàu 104 nghìn DWT để PVN làm cơ sở ký kết hợp đồng nhận nợ, thế chấp tài sản đảm bảo và thực hiện trả nợ.

“Hiện tại công ty vẫn đang hoạt động cầm chừng. PVN đã có trao đổi với đối tác có nhu cầu mua lại công ty, nhưng khách mua yêu cầu phải xử lý xong nợ nần của doanh nghiệp”, ông Vượng cho hay

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng hiện nay có nhiều, song chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan. 12 dự án có “bệnh” chung giống nhau là khi lập, phê duyệt dự án thì rất nhanh, nhưng khi tổ chức thực hiện lại rất trì trệ, vướng mắc, kéo dài thời gian thực hiện dự án, dẫn đến điều chỉnh tổng mức đầu tư. Khi lập phương án, thông số đầu vào rất khả quan, nhưng đầu ra lại kém, chi phí đầu vào cao, đầu ra thấp.

Các dự án này đang được phân làm hai nhóm: nhóm thứ nhất vẫn đang hoạt động bình thường, nhóm thứ hai không có chuyển biến gì, thậm chí còn tồi tệ hơn, nhất là các dự án của PVN. Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, Quảng Ngãi, đến giờ không chạy lại được, rồi nhà máy xơ sợi Đình Vũ ngày càng xấu đi, Công ty đóng tàu Dung Quất cũng không có một tiến bộ nào.

Báo cáo phó thủ tướng, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, cho biết các dự án đang tồn đọng của PVN hết sức rất khó khăn cả về đầu tư và thị trường.

Đối với PVTex, do PVN là cổ đông trực tiếp, đang tích cực xử lý hợp đồng EPC, đã cử chuyên gia đàm phán tranh chấp, đàm phán trực tiếp với nhà thầu, quyết toán dự án. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn giữ quan điểm.

“Các bên sau khi hòa giải không thành công sẽ đưa ra trọng tài kinh tế. Pvtex đã đưa ra trọng tài kinh tế ở Singapore xử lý. PVN cùng cổ đông PVTex vẫn tiếp tục trao đổi với nhà thầu để xử lý nhanh gọn hơn, nhưng việc này thường kéo dài”, ông Sơn nói, đồng thời cho biết, việc thua kiện vừa qua “đã được dự báo trước”.

Về phương án xử lý tới đây, theo ông Sơn là rất khó khăn, vì không rót thêm vốn nhà nước vào các dự án này…

Ngắt lời, phó thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao cũng khó khăn mà các dự án khác làm được, Đạm Ninh Bình làm được, sao các anh thì không? Tại sao không nhúc nhích gì cả? Tập đoàn có phân công cho ai trực tiếp xử lý không? Có lập ban chỉ đạo để xử lý không? PVN trì trệ nhất trong việc giải quyết 12 dự án này. Tàu 104 nghìn tấn, sao không bàn giao được? Gần một năm trời mà sao không nhúc nhích gì?...

Biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Tập đoàn Hóa Chất và Tập đoàn Thép Việt Nam, ngược lại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình tập đoàn PVN, yêu cầu phải kiểm điểm rút kinh nghiệm. Đặc biệt, phó thủ tướng cũng yêu cầu cả ba tập đoàn này phải thành lập ban chỉ đạo, hàng năm sẽ kiểm điểm trách nhiệm, không để tình trạng "cha chung không ai khóc".

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương họp riêng với PVN để phân công cụ thể và báo cáo lại. “Một tháng nữa nếu không có chuyển biến, Chính phủ sẽ có biện pháp mạnh”, phó thủ tướng khẳng định.

MỚI - NÓNG