Phó thủ tướng trẻ nhất: 'Nhìn ra khuyết điểm sau lưng mình'

Phó thủ tướng trẻ nhất: 'Nhìn ra khuyết điểm sau lưng mình'
"Làm Phó thủ tướng, tôi bất ngờ. Kể cả hồi làm Tổng giám đốc, tôi cũng không nghĩ mình sẽ làm bộ trưởng. Ngay ở ngành công nghiệp, vẫn nhiều việc mình làm còn chưa tốt", Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bộc bạch.
Phó thủ tướng trẻ nhất: 'Nhìn ra khuyết điểm sau lưng mình' ảnh 1
Từ Bộ trưởng công nghiệp trở thành Phó thủ tướng năm 48 tuổi.

- Ở tuổi 48, ông nghĩ gì về áp lực khi trở thành Phó thủ tướng trẻ nhất trong Chính phủ hiện nay?

- Nói thật là tôi lo. Trước là Bộ trưởng Công nghiệp thì chỉ điều hành một bộ thôi, bây giờ sang nhiệm vụ mới thì phải điều hành nhiều bộ, như Bộ Giao thông nữa. Trách nhiệm rất nặng nề, nhưng phải cố thôi.

Tôi nghĩ năng lực của mỗi người là hữu hạn và mỗi người có những năng lực khác nhau. Với cá nhân, khi nhận một trọng trách, tôi cố gắng làm hết sức từ trái tim, từ tâm mình. Khi đã làm thế, mà cũng có thể không đạt yêu cầu được giao phó, thì ít nhất mình cũng sẽ thanh thản.

- Trong cả 2 lần phát biểu trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều có ý rằng, trong số các thành viên mới, Chính phủ có cơ cấu người có thể đảm nhận sự liên tục ở cả 2 khóa, ông cảm nhận thế nào về thông điệp này của người đứng đầu Chính phủ?

Ông Hoàng Trung Hải sinh ngày 27/9/1959; quê Quỳnh Phụ, Thái Bình; là kỹ sư hệ thống điện, thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông Hoàng Trung Hải từng kinh qua các chức vụ Tổng Giám đốc TCty Điện lực Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ trưởng Công nghiệp. 

 - Tuổi tác chỉ là một khía cạnh, vấn đề cần hơn là ở những người có năng lực, có đạo đức, có tâm trong sáng và sáng tạo. Tôi muốn nhấn mạnh sự sáng tạo. Đó là yếu tố rất cần, chứ không phải cứ trẻ mới có thể đảm nhiệm được. Cá nhân tôi, nếu tự thấy mình không đạt được những yêu cầu nhân dân giao thì sẽ để người khác làm.

Khi được đảm nhận vị trí này, tôi bất ngờ. Bởi kể cả hồi làm Tổng giám đốc, tôi cũng không nghĩ mình sẽ làm bộ trưởng. Ngay ở ngành Công nghiệp, cũng còn những việc mình làm chưa tốt.

Tôi khâm phục rất nhiều người trong Chính phủ đã đảm nhận tốt như anh Sinh Hùng (Bộ Tài Chính), anh Phúc, (Bộ trưởng Đầu tư), anh Thúy (Ngân hàng). Cả anh Bình, hồi làm Bộ trưởng Giao thông, cá nhân, tôi đánh giá cao anh ấy với những việc đã làm, tôi thấy anh đã rất cố gắng.

- Trở thành phó thủ tướng phụ trách kinh tế ngành, với xuất phát điểm là Bộ trưởng Công nghiệp, ông nghĩ sao về khả năng thiên lệnh rất dễ có khi điều hành lĩnh vực mà ông từng là bộ trưởng?

- (Cười) Đấy là căn bệnh cố hữu, các cụ hay nói ăn cây nào, rào cây nấy. Trong mỗi con người đều có tính xấu như thế. Nếu làm việc cho quê hương thì hay bị cục bộ hơn... Nhưng khi anh đã ngồi ở vị trí mới thì phải hiểu mình làm việc vì cái chung và chỉ trên cơ sở vì cái chung một cách công tâm thì mới khuyến khích cả đội ngũ đi theo. Nếu thiếu cái đó thì nhất định sẽ để lại hậu quả.

Tôi sẽ cố gắng khắc phục cái nhược điểm cục bộ rất dễ xảy ra này. Giống như người ta nói: "Khuyết điểm sau lưng, khó có thể nhìn thấy", nhưng khi biết được rồi, tôi sẽ hạn chế nó. 

- Cung cách quản lý phát triển sản xuất hiện nay còn nặng về hệ thống giấy phép, thủ tục cồng kềnh. Ông có biện pháp nào để cải tổ?

- Một trong những điểm nhấn của Chính phủ trong thời gian tới là phát triển nhanh chóng hệ thống doanh nghiệp, doanh nhân. Đấy là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Không nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp thì khó mà đạt được kết quả tăng trưởng tốt. Mà để phát triển được thì trọng tâm phải là cải cách hành chính.

Điều này đòi hỏi chỉ đạo của Chính phủ cũng như các bộ rất sâu sát. Ở đây tôi muốn nói, gần như chúng ta mới tập trung nhiều ở các cơ quan bộ, ít quan tâm tới dịch vụ công nằm ở nhiều cấp. Nếu công tác thủ tục hành chính không có sự quan tâm, chịu trách nhiệm của đích thân người đứng đầu cơ quan thì không bao giờ làm được.

Cải cách hành chính không phải xuất phát từ mệnh lệnh, mà phải từ trái tim. Từng ông đầu tàu phải thấy được trách nhiệm của mình, thấy rằng mình gỡ được thủ tục rườm rà nào thì đấy là hạnh phúc của mình bởi vì anh đã gỡ bỏ sự phiều toái cho dân, cho doanh nghiệp và lớn hơn là cả hệ thống.

Suy cho cùng đó cũng là nhiệm vụ của người quản lý.

-Nếu phải lựa chọn giữa các vấn đề, công việc cần quyết, ông sẽ nói gì về ưu tiên số 1 của mình?

- Công tác quản lý kinh tế ngành rất nhiều việc, giờ để nói cái gì là ưu tiên số 1 của mình thì đúng là rất khó. Có lẽ nhiệm vụ lớn, khó khăn lớn của khối kinh tế ngành là đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Để kinh tế tăng trưởng 8,5%/năm và cao hơn thì khối kinh tế ngành bắt buộc phải đáp ứng được. Đấy là mục tiêu lớn của tôi.

Tôi nghĩ, hạ tầng cơ sở phải đáp ứng được cho tốc độ tăng trưởng. Nếu càng đáp ứng tốt thì khả năng mở tiềm năng cho tăng trưởng càng cao. Chúng ta luôn trăn trở tại sao không tăng trưởng cao hơn? Việc cần làm lớn nhất là giảm bớt tồn tại, giảm bớt các tầng nấc làm hạn chế phát triển, cạnh tranh.

Có lẽ đấy sẽ là ưu tiên của tôi.

Theo Phạm Hiếu
Vnexpress

MỚI - NÓNG