Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thông tuyến khám chữa bệnh càng sớm càng tốt

Người nhà bệnh nhân đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế ở viện K Trung ương. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Người nhà bệnh nhân đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế ở viện K Trung ương. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Thông tuyến là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Lần đầu chúng ta thực hiện nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Nhưng không vì thế mà làm lùi quyết tâm thông tuyến mà cần phải thông tuyến sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân”.

Ngày 1/3, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 5 để nghe Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cùng các cơ quan liên quan giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT). 

Tăng số người KCB bằng thẻ BHYT

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2016, số thu BHYT cho khám chữa bệnh (KCB) ước tính 64.242 tỷ đồng và số chi ước là 69.410 tỷ đồng (ước bội chi là 5.130 tỷ đồng). Nguyên nhân bội chi chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong KCB, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và một phần do thông tuyến. 

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Xã hội Việt Nam dẫn số liệu thống kê cho thấy, tần suất KCB/thẻ BHYT tại các cơ sở y tế tuyến huyện năm 2016 đã tăng lên gần 20% so với năm 2015. Số lượt bệnh nhân khám thông tuyến giữa các trạm y tế xã cũng tăng 1,6 triệu lượt so với năm 2015. Người bệnh cũng được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở KCB để thu hút người bệnh.

Tại phiên giải trình, hầu hết các đại biểu đồng tình với báo cáo của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam về việc thực hiện lộ trình thông tuyến giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ KCB BHYT.

Xử lý những bất cập

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra việc thực hiện quy định thông tuyến đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở KCB tuyến xã, ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước là hướng về y tế cơ sở và còn làm gia tăng chi phí KCB do tăng số lượt KCB ở tuyến trên, trong khi chi phí tại tuyến xã không giảm, làm lãng phí về nguồn lực của xã hội. Mặt khác, cũng dẫn đến tăng người đến khám gây tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở KCB tuyến huyện. Đại biểu đến từ tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, việc quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT của các cơ sở KCB có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu gặp khó khăn do không quản lý được số lượng bệnh nhân đi khám bệnh tại cơ sở khác.

Bà Minh cũng đưa ra phân tích hiện tượng đáng suy nghĩ là một số bệnh viện tuyến tỉnh trong năm 2015 nhưng trong năm 2016 đã xin xuống hạng III tuyến huyện để được áp dụng quy định thông tuyến. Theo bà Minh: “Điều này bộc lộ vấn đề không bình thường và rất đáng suy nghĩ”. Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở tư nhân như khuyến mại, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu khám, chữa bệnh tăng “ảo” làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở KCB như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc,  người bệnh BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc.

Trước những bất cập đang tồn tại, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra những giải pháp khắc phục đặc biệt là việc nhiều tuyến khám cấp xã “ngồi chơi” trong khi tuyến huyện ngày càng quá tải. Với việc bệnh viện tuyến tỉnh xin xuống thành cấp huyện, ông Phong nhìn nhận đây là nghịch lý chưa từng có, nếu không được xử lý thì không biết sẽ gây ra hậu quả gì.

TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận, việc tăng chi quỹ BHYT vừa qua, tình trạng lạm dụng BHYT chủ yếu là do kết quả áp dụng dịch vụ y tế sau khi đã điều chỉnh, tăng chi do tác động của thông tuyến không phải nguyên nhân chính. Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội cho rằng lỗi chính ở quản lý chứ không phải do người mua bảo hiểm. Ông Nguyễn Anh Trí cho hay vừa qua rất nhiều ý kiến cử tri hỏi về BHYT và đề nghị đẩy mạnh thông tuyến nhanh nhất, vì quyền lợi của người dân là được khám ở nơi có dịch vụ tốt nhất.

Thực hiện sớm tốt cho người dân

Ông Tiên đánh giá, thông tuyến là một trong những chính sách được hoan nghênh nhất năm vừa qua và kiến nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành các quy định chuyên môn cho y tế xã quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, quy định chuyên môn về việc KCB của người dân mỗi ngày, tuần để hạn chế lạm dụng BHYT; sửa đổi về khoán kinh phí BHYT đối với cơ sở y tế có nhận đăng ký KCB ban đầu; quy định về kiểm soát tình trạng một số cơ sở y tế thực hiện các biện pháp khuyến mại thu hút bệnh nhân đến cơ sở mình. Đặc biệt, cần có giải pháp về kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế, hạn chế việc lưu giữ bệnh nhân để điều trị, mặc dù cơ sở không đáp ứng đủ điều kiện nguồn lực và có biện pháp xử lý mạnh đối với cơ sở y tế cố tình lạm dụng quỹ BHYT…

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về các giải pháp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giải pháp đột phá chính là tăng cường cho y tế cơ sở. Theo bà Tiến trước đây đã đặt ra vấn đề này nhưng vẫn chung chung. Hiện nay Bộ đang quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Thông tuyến là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Lần đầu chúng ta thực hiện nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Nhưng không vì thế mà làm lùi quyết tâm thông tuyến mà cần phải thông tuyến sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không vì thông tin có hiện tượng khám vượt tuyến nhiều và những bất cập mà các đại biểu đề cập ở trên mà đặt ngược lại vấn đề thông tuyến vì các con số đều cho thấy khi thực hiện thông tuyến, người dân được hưởng lợi. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh vấn đề này.

Số liệu thống kê cho thấy nhiều trường hợp bất thường vì từ tháng 7/2016 đến tháng 2/2017, có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng; 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng. Thậm chí, có trường hợp đi khám, lấy thuốc đến 308 lần ở 23 nơi trong 8 tháng (ở TPHCM), 197 lần ở 5 nơi (TPHCM, Bình Dương), hay có người trong quý IV/2016 đi khám 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.