Phó Thủ tướng: Xử lý nghiêm để làm gương

Phó Thủ tướng: Xử lý nghiêm để làm gương
TP - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều qua về sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, dù may mắn không xảy ra thảm họa, nhưng vẫn phải xử lý nghiêm để làm gương, không vì chưa thiệt hại về người mà không xử lý hết trách nhiệm.

> Vỡ đập thủy điện, 8 người 'đánh đu' trên ngọn cây
> Vỡ đập thủy điện Gia Lai, 10 người bị cuốn trôi

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói:

Trong phân công, phân cấp hiện nay, các hồ thủy điện thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Với hồ thủy điện công suất từ 30 MW trở xuống, địa phương quản lý về quy hoạch cũng như đầu tư xây dựng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Ảnh: Hồng Vĩnh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chúng ta đã có những giải pháp căn cơ nào để tránh xảy ra những sự cố tương tự, thưa ông?

An toàn thủy điện đã được tất cả các cấp từ QH, Chính phủ đến các bộ, ngành quan tâm. Các địa phương vừa qua cũng rà soát lại các quy hoạch thủy điện thuộc diện quản lý của mình, chủ động rà soát, kiểm tra và loại ngay những thủy điện không đảm bảo tính khả thi.

Tuy nhiên, những trường hợp làm gian, làm ẩu thì ở đâu cũng có. Nếu chúng ta không thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thì vẫn có thể xảy ra. Điều quan trọng là chúng ta phải dự báo và phát hiện trước được những vấn đề đó để tránh xảy ra những thảm họa. Bởi những sự cố công nghiệp thì rất dễ gây ra các thảm họa. Nếu không thường xuyên kiểm tra, đến khi đã xảy ra sự cố thì không còn điều kiện để sửa chữa nữa.

Vậy tới đây cần có chế tài hoặc biện pháp gì mạnh để xử lý?

Biện pháp mạnh mẽ hay chế tài thì hiện có cả rồi. Trong vụ vỡ đập thủy điện tại Gia Lai, các cơ quan của Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương đều đã vào làm rõ. Về trách nhiệm, phải tính tới nếu có sai sót thiết kế thì do đơn vị nào, rồi thi công, nghiệm thu, vận hành… Sau đó, phải xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc.

Chứ không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý hết trách nhiệm. Đây là “ăn may” chứ nếu không đã trở thành thảm họa rồi.

Do vậy, nếu không xử lý nghiêm thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi xử lý nghiêm còn để làm gương cho các công trình khác chứ không chỉ xử lý đối với trách nhiệm ở ngay công trình đó. Răn đe các chủ đầu tư khác phải hết sức tôn trọng các quy định của pháp luật.

Phải chăng vừa qua do thủy điện phát triển ồ ạt vượt ra khỏi kiểm soát của chính quyền địa phương?

Thực tế, số lượng thủy điện phát triển không đồng đều ở các địa phương. Điều này theo năng lực địa phương quyết định. Tuy nhiên, việc phát triển hồ thủy lợi, thủy điện là tất yếu.

Ngay trong QH, nhiều đại biểu cũng nói, đang rất cần hồ thủy lợi để tích nước. Nếu chúng ta không đầu tư thì sẽ không có đủ nước phát triển cho tương lai. Tuy vậy, không có nghĩa là làm lấy được vì nếu một khi xảy ra thảm họa thì sẽ rất đau xót.

Ngọc Tiến
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.