Ứng phó đại dịch COVID-19 giai đoạn 2:

Phố vắng, dân vẫn dừng đèn đỏ

Đường phố Đà Nẵng rất vắng do COVID-19, song dân vẫn tuân thủ tín hiệu đèn giao thông ảnh: PV
Đường phố Đà Nẵng rất vắng do COVID-19, song dân vẫn tuân thủ tín hiệu đèn giao thông ảnh: PV
TP - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Lê Đức Nhân là tác giả bức ảnh gây sóng trên mạng suốt tuần qua. Bức ảnh chụp đoàn quân tiếp viện từ Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy sải những bước chân mạnh mẽ và “lạnh lùng” tiến vào Bệnh viện Đà Nẵng. 

Nơi đang là tâm dịch nghiêm trọng còn hơn cả Bạch Mai mấy tháng trước. Chụp từ đằng sau, chỉ thấy bóng những tấm lưng cao lớn trong bộ đồ “phi hành gia” trắng toát từ đầu đến chân. 

Tôi vẫn không thể liên lạc với bác sĩ Nhân, vì điện thoại ông lúc nào cũng bận, hoặc ông thể nghe máy. Vị bác sĩ trẻ trung, tác phong nhẹ nhàng và có giọng hát rất ấm và truyền cảm ấy, suốt 8 ngày qua đang chỉ huy “chiến trường” bên trong bệnh viện, nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Điện hỏi một bác sĩ Trưởng khoa quen biết, thì được biết, rằng trong bệnh viện lúc này thật khó hình dung mọi thứ nếu thiếu sự chỉ huy của bác Nhân suốt những ngày qua. Trong tình huống mọi khoa, phòng, bộ phận đều cách ly tuyệt đối với nhau. Tất cả đều trực tuyến, 24/24. Có lúc 2-3 giờ sáng cũng chưa nghỉ...

 …8 giờ tối qua, tôi điện cho bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng. Vợ chồng bác sĩ Yến là bạn thân học cùng lớp với tôi từ thời cấp 2. Yến bảo vừa họp trực tuyến với Chính phủ xong, mới về tới nhà. Tôi hỏi ngay bạn mình “Nghe bảo hôm trước Yến… khóc à?”. Yến bật cười “Mắc chi mà khóc!”. Nhưng rồi Yến thú thật là có khóc, vì tức, vì buồn, khi xảy ra những lùng nhùng, hiểu lầm của dư luận về vụ Đà Nẵng đề xuất khen thưởng chiến dịch chống COVID đợt 1 hồi tháng trước. “Mình thề với bạn, là sẽ không bao giờ nhận bất cứ khen thưởng nào nữa. Mình dấn thân vào nghề Y, cũng như mọi y bác sĩ khác, đâu ai tính đến chuyện được khen thưởng…”. 

 Tôi chợt bần thần. Về cái sự nhìn nhận của dư luận về “quan chức” nói chung. Rằng chỉ những người lính trực tiếp cầm súng mới xứng đáng anh hùng. Nhưng thử hình dung xem mặt trận làm sao thiếu được chỉ huy. Từ tiểu đội, trung đội, đại đội, đến tiểu đoàn đều có sự chỉ huy. Tổ 3 người cũng đã phải có chỉ huy. Bạn tôi không phải là quan chức, mà là một bác sĩ, một chuyên gia về dịch tễ. “Ngại” dư luận đến nỗi bạn tôi đi làm nhiều khi 8-9 giờ tối mới về, mà đâu dám sử dụng ô tô cơ quan. Mà bạn thì không biết lái xe, chẳng lẽ lại chạy đi làm khắp nơi bằng xe máy, hay grab?! Chồng thì đâu lúc nào cũng chở đi làm được... 

 Cuối cùng thì bạn tôi cũng thừa nhận rằng vừa có thêm một lần rơi nước mắt. Đó là bữa Đà Nẵng một lúc xuất hiện mấy chục ca COVID, chủ yếu từ Bệnh viện Đà Nẵng. Khi bệnh viện bắt đầu bị phong tỏa, bác sĩ Giám đốc Sở Ngô Thị Kim Yến đứng ngoài cổng sắt chỉ đạo, động viên bác sĩ Nhân giám đốc bệnh viện và mọi người bên trong. Yến bảo lúc ấy không có báo chí nào hết. Có củ sâm gửi vào cho anh em mà cũng loay hoay mãi mới chuyền vào được bên trong. Lúc ấy không hiểu sao nước mắt cứ chảy ra. Bởi thương anh em. Bởi áp lực thật đột ngột và ghê gớm. Khi ấy bác sĩ Phó giám đốc Sở cũng đã bị cách ly vì là F1. 

Tôi hình dung về khối công việc mà thành phố Đà Nẵng, ngành Y tế Đà Nẵng làm được trong một tuần qua. Từ chỗ năng lực xét nghiệm chỉ khoảng 700 ca/ngày, nay đã lên 7.000 ca/ngày. Hai bệnh viện dã chiến được thiết lập một cách thần tốc. Nhất là Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, vốn là Trung tâm y tế cấp huyện, nay đã tổ chức được Trung tâm Hồi sức tích cực, và cả Trung tâm chạy thận nhân tạo. Một điều ngoài sức tưởng tượng. Bình thường dễ gì xây dựng được một đơn nguyên Hồi sức tích cực.

Vậy mà Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đến tối qua đã tiếp nhận điều trị được cho 50 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 2 ca phải thở máy. Bác sĩ Yến bảo, ngoài sự đồng lòng nhất trí, cố gắng vượt bậc của anh em, còn có sự hỗ trợ rất lớn của các bác sĩ, chuyên gia của các Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy. Các thầy không nề hà bất cứ việc gì, tự đi lại, tự lo mọi thứ cho mình không làm “phiền” bất cứ thứ gì với sở và thành phố. “Qua đợt này, mình càng thấm thía và xúc động về tấm lòng, sự đoàn kết, hết mình của những người ngành Y với nhau”.

Đà Nẵng những ngày này vắng như chưa từng vắng đến vậy, có lẽ suốt lịch sử mấy trăm năm từ thời mở cõi. Những ngày này, tôi vẫn chạy xe ra đường, lang thang nhìn ngắm mọi thứ như một thói quen nghề nghiệp không bỏ được. 

Và thật kỳ lạ, đó là ở bất kỳ ngã ba, ngã tư giao thông nào, dù khắp đường phố lúc ấy chỉ có một người, thì một người ấy cũng dừng lại trước đèn đỏ. Một cốt cách quen thuộc đã đành, đằng này giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, với ai ra đường cũng là việc bất đắc dĩ và “mạo hiểm”, chỉ muốn xong sớm để chạy nhanh về nhà. Vậy là không chỉ cốt cách, mà còn là tâm thế. Tâm thế bình thản, tự tại, biết trước, biết sau, và biết mình của người dân thành phố nơi đầu sóng này. 

Mặc dù tính đến tối qua, riêng Đà Nẵng đã có 121 ca mắc mới COVID-19. Và tối qua, bệnh nhân thứ 6 của Đà Nẵng đã tử vong. Tất cả chỉ xảy ra trong vòng mấy ngày, điều ít ai tưởng tượng dù chỉ mươi ngày trước! Nhưng người dân Đà Nẵng vẫn bình tĩnh, bình thản giữa “cuộc chiến” ngày một khốc liệt. 

Ra đường nhiều nhất những ngày qua trên đường phố Đà Nẵng, là những chuyến xe của người dân, của các doanh nghiệp, những nhóm thiện nguyện chở hàng hóa, lương thực, vật phẩm ủng hộ tiếp viện cho các bệnh viện tuyến đầu đang bị phong tỏa. Đang có hàng ngàn những điểm huy động thiện nguyện như vậy giữa thành phố này…  

Tôi nghĩ về những con người mang đến vẻ đẹp cho cuộc sống đang dần mất đi. Như chính đời sống mỗi ngày bề bộn, thưa vắng nỗi an lành.

MỚI - NÓNG