Phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự: Ghi âm, ghi hình - chỉ mờ ám mới sợ

TP - “Tại sao ở nhiều phiên tòa, bị cáo lại thường nói bị mớm cung, ép cung? Ghi âm, ghi hình là cách để giám sát, cũng là cách chống oan, sai. Nếu ra tòa nói bị ép cung, nhục hình thì có chứng cứ ngay”, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chia sẻ với phóng viên Tiền Phong.
Phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự: Ghi âm, ghi hình - chỉ mờ ám mới sợ ảnh 1

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ

Làm sai có thể do động cơ, mục đích nào đó

Theo ông, những nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến oan, sai trong các vụ án hình sự?

Trước tiên, nguyên nhân dẫn tới oan, sai xuất phát từ chính bản thân cán bộ tiến hành tố tụng là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Kiến thức, năng lực của anh có vấn đề mới dẫn tới oan, sai. Có hai nguyên nhân dẫn tới không làm đúng: Một là vô ý, do non kém trình độ, hai là anh cố ý làm sai vì động cơ, mục đích nào đó.

“Đối với cán bộ công chức nhà nước nói chung, cán bộ cơ quan tố tụng nói riêng, nếu làm tốt, đúng quy định pháp luật thì cứ ghi âm, ghi hình thoải mái. Chỉ mờ ám thì mới sợ, còn không mờ ám thì chẳng vấn đề gì hết”, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ

Cứ cho rằng anh vô tư, khách quan, công tâm trong tiến hành tố tụng. Nhưng điều đó cũng có nghĩa anh không có kiến thức, năng lực nghiệp vụ vẫn còn non, nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Tôi ví dụ, điều 85, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định 7 vấn đề phải chứng minh trong mỗi vụ án hình sự. Nhưng do kiến thức, năng lực chưa đảm đương được, cho nên anh không chứng minh được, dẫn tới oan, sai.

Thứ hai, bản chất của tội phạm bao giờ cũng che giấu hành vi. Hoạt động điều tra cũng giống như đi đào sắn dây, đòi hỏi tư duy logic của cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán. Anh có tư duy logic thì từ chứng cứ A mới ra được chứng cứ B, từ sự kiện B mới thấy cần phải tìm chứng cứ C… Đó là câu chuyện tư duy logic về nghiệp vụ.

Bên cạnh đó là việc giám sát nội bộ để buộc mỗi điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán phải làm thật đúng. Nói thật, thời gian qua việc kiểm soát, giám sát nội bộ làm chưa tốt. Vì chưa tốt mới dẫn đến người trong cơ quan phạm tội, đến lúc bị khởi tố mới ngã ngửa người ra. Đừng bảo pháp luật thế nọ, thế kia, suy cho cùng vẫn do yếu tố con người hết.

Còn quá trình tạm giữ, tạm giam làm sao chống được bức cung, nhục hình và giúp cho vụ án được điều tra khách quan, thưa ông?

Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn, trước tiên nhằm đảm bảo cho công tác điều tra, không thông cung, trốn tránh và đảm bảo cho công tác thi hành án hình sự. Ngăn chặn là cần thiết, nhưng cơ quan tố tụng không được lạm dụng, cũng đừng coi là biện pháp duy nhất để phục vụ cho việc điều tra, truy tố.

Giám sát để tránh làm bậy, làm liều

Vậy theo ông làm thế nào để ngăn chặn kịp thời tình trạng oan, sai trong các vụ án hình sự?

Chất lượng cán bộ điều tra, truy tố, xét xử là vấn đề cực kỳ quan trọng. Vì nếu anh nắm chắc kỹ năng, quy định của luật về thủ tục tố tụng thì rất thuận lợi, không bị lệ thuộc. Khi mình đã nắm chắc quy định pháp luật, ngay việc thiết kế câu hỏi và thái độ thể hiện câu hỏi cũng khác.

Quan niệm của tôi là bị cáo phạm tội với nhà nước chứ không phải phạm tội với mình, không phải kẻ thù của mình. Cho nên ngay cách đặt câu hỏi và thái độ thể hiện câu hỏi phải là nhân danh nhà nước xét xử vụ đó chứ không phải nhân danh cá nhân mình, rồi coi người ta là kẻ thù của mình. Phải công tâm khách quan trong điều tra, xét xử.

Như vậy, việc đào tạo, tuyển chọn cán bộ rất quan trọng. Bên cạnh đó là việc giám sát cán bộ. Nếu không giám sát tốt sẽ dẫn đến làm bậy, làm liều.

Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2020, phải tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can. Tuy nhiên việc này đã bị lùi lại mà theo phía Bộ Công an là để thêm thời gian chuẩn bị và đến nay chưa thực hiện đồng bộ trên cả nước. Thực hiện quy định ghi âm, ghi hình có ý nghĩa ra sao trong phòng chống oan, sai, thưa ông?

Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về vấn đề này. Có người từng hỏi tôi, việc công dân ghi hình cán bộ chiến sĩ công an giao thông đúng hay sai? Tôi bảo việc đó pháp luật không cấm. Chỉ cấm họ ghi âm, ghi hình để thóa mạ người ta, rồi làm việc sai trái khác. Còn ghi âm, ghi hình để giám sát, để bảo vệ mình, dùng làm chứng cứ tố cáo hành vi vi phạm pháp luật thì hoàn toàn được.

Rồi tại sao ở nhiều phiên tòa, bị cáo lại thường nói bị mớm cung, ép cung. Nếu ghi âm, ghi hình là ông hỏi cung như có người giám sát mình, nên phải làm tốt hơn. Ghi âm, ghi hình là cách để giám sát lẫn nhau, cũng là cách chống oan, sai. Nếu ra tòa nói bị ép cung, nhục hình thì có chứng cứ ngay.

Đối với cán bộ công chức nhà nước nói chung, cán bộ cơ quan tố tụng nói riêng, nếu làm tốt, đúng quy định pháp luật thì cứ ghi âm, ghi hình thoải mái. Mà ghi âm, ghi hình như thế lại là phương tiện để cổ vũ, tán dương hành động tốt của mình.

Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định ghi âm, ghi hình rồi, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa được triển khai. Đây là câu chuyện của việc thi hành pháp luật.

Cảm ơn ông!

Phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự: Ghi âm, ghi hình - chỉ mờ ám mới sợ ảnh 2 Nguyễn Hoàng Quân (SN 1977, nguyên thiếu tá, đội trưởng đội Hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân - PC45 - Công an tỉnh Sóc Trăng) và Triệu Tuấn Hưng (SN 1981, nguyên đại úy, Phó Đội trưởng  đội Hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân - PC45 - Công an tỉnh Sóc Trăng) bị truy tố vì tội “Dùng nhục hình” gây oan, sai cho 7 thanh niên tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng
MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.