Phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa hiệu quả

Phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa hiệu quả
TP - Chiều 24/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhiều đại biểu cho rằng, phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa thực sự hiệu quả...

Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành, triển khai Chương trình hành động toàn khóa, trong đó xác định 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 637 đề án lớn.

Bài học rút ra được Chính phủ đặc biệt coi trọng là khâu tổ chức thực hiện, coi kết quả là thước đo năng lực chỉ đạo, điều hành... “Trong bối cảnh tình hình biến động càng nhanh, càng phức tạp thì càng phải kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Cần xử lý hiệu quả mối quan hệ đan xen lợi ích, bảo đảm độc lập tự chủ, không để bị lệ thuộc trong quá trình hội nhập sâu rộng. Luôn coi trọng đổi mới tư duy đối ngoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, nắm bắt những xu thế chính của thời đại, thế giới và khu vực để hành động phù hợp”, ông Định nêu.

Đại diện ban thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bày tỏ mong muốn báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về chất lượng, hiệu quả và việc tổ chức triển khai những chính sách, biện pháp về tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời nêu rõ kết quả cụ thể việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, kết quả giải quyết nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiệm kỳ qua...

Theo ông Lý, thời gian qua, Chính phủ nỗ lực cải cách hành chính, bước đầu đạt được nhiều kết quả, nhưng chưa cao. Vẫn còn đó một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin – cho”. Bộ máy hành chính Nhà nước vẫn còn cồng kềnh, nhiều khe hở dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, song Ủy ban Pháp luật cho rằng, báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục, như việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm, sử dụng tài sản công…

Sợ nhất “chi phí gầm bàn”

Là người ấn nút cho ý kiến đầu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu khái quát bức tranh kinh tế trong cả nhiệm kỳ qua. Ông Giàu cũng bày tỏ lo ngại khi số doanh nghiệp giải thể tăng lên, khi đầu nhiệm kỳ chỉ có 54.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động thì đến cuối nhiệm kỳ năm 2015, con số này lên đến 71.000. Theo ông Giàu, trong số các nguyên nhân có mặt chính sách và yếu tố chủ quan. “Sáng nay, tôi có đọc một tờ báo, thấy nói người Nhật sang Việt Nam đầu tư, họ sợ nhất là “chi phí gầm bàn”... Xã hội còn rất bức xúc về tham nhũng, lãng phí, phải vượt qua “dốc” ấy mới thành công”, ông Giàu nói.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền mong muốn Chính phủ đánh giá rõ thêm về vấn đề xây dựng kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và hỗ trợ ngư dân. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ băn khoăn khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. “Đây là điều đáng báo động vì khoảng cách giàu nghèo gây bất ổn xã hội. Mặc dù chúng ta làm được xóa đói giảm nghèo, nhưng nghèo của ta là nghèo cùng cực. Hằng năm phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm nghìn tấn gạo để cứu đói, trong khi đó chính sách của ta vẫn mang tính tức thời, lẽ ra phải kích thích nội lực để họ vươn lên”, ông Ksor Phước nhận định.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp thu cao nhất tất cả những ý kiến đóng góp, hoàn thiện báo cáo để trình ra Quốc hội tới đây.

MỚI - NÓNG