Phòng, chống tham nhũng : Phải cung cấp thông tin trong vòng 10 ngày

Phòng, chống tham nhũng : Phải cung cấp thông tin trong vòng 10 ngày
Phát hiện, tố cáo, xác minh, xử lý thông tin về tham nhũng, trách nhiệm phối hợp của các CQ chống tham nhũng... vốn là nội dung của Luật phòng, chống tham nhũng được Nghị định này hướng dẫn cụ thể.
Phòng, chống tham nhũng : Phải cung cấp thông tin trong vòng 10 ngày ảnh 1

Kiên quyết phòng, chống tham nhũng - Ảnh minh họa

Ngày 20/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 120/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng. 

Nghị định nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc cung cấp thông tin; chịu trách nhiệm về việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin phải thực hiện việc cung cấp thông tin khi nội dung thông tin được yêu cầu đáp ứng các điều kiện: thuộc phạm vi công khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này; thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu; chưa được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai.

Nếu thông tin được yêu cầu đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai thì trong văn bản trả lời phải có hướng dẫn cách thức tiếp cận thông tin đó.

Đối với việc cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng cho bộ, ngành, địa phương, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm cung cấp thông tin trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cung cấp thông tin. Trong trường hợp thông tin được yêu cầu cung cấp phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề nghị biết và nêu rõ lý do.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu chung về phòng, chống tham nhũng. Việc xây dựng, quản lý hệ thống dữ liệu chung này bao gồm: tiếp nhận, thống kê, tổng hợp, xử lý, lưu trữ các thông tin, dữ liệu báo cáo của các cơ quan, tổ chức, địa phương về tình hình phòng, chống tham nhũng; bảo đảm sự trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu thông suốt giữa các cơ quan có trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng.

Cũng theo Nghị định trên, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu về phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động của các tổ chức đó. Cơ quan công an, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố cáo có nghĩa vụ thiết lập, công khai số điện thoại, hộp thư điện tử và địa chỉ tiếp nhận tố cáo về hành vi tham nhũng.

Người có trách nhiệm tiếp nhận tố cáo không tiếp nhận tố cáo, cố tình trì hoãn hoặc không chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Website Chính phủ
(Nguồn: Nghị định 120/2006/NĐ-CP)

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.