Phòng, chống tham nhũng phải quyết liệt từ TƯ đến địa phương

Phòng, chống tham nhũng phải quyết liệt từ TƯ đến địa phương
Ngày 23/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tiến hành phiên họp lần thứ 5 nhằm đánh giá kết quả thực hiện quí III và bàn phương hướng nhiệm vụ công tác quí IV năm 2007.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: công tác phòng, chống tham nhũng phải được tiếp tục làm quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Trước mắt, tập trung xây dựng thể chế về quản lý thu nhập, công tác luân chuyển cán bộ...

Tập trung cải cách hành chính trên 4 lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp, quyền của người dân, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn nhà nước và lề lối làm việc của Chính phủ tới Bộ, ngành và địa phương.

Tham dự phiên họp có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Sau khi nghe ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X ) và Luật phòng chống tham nhũng, tạo được nhận thức tích cực và lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác này.

Từ đó, công tác xây dựng thể chế, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp được tăng cường, góp phần ngăn ngừa phòng, chống tham nhũng. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các bộ ngành, địa phương quan tâm thực hiện; trong đó trọng tâm là thủ tục hành chính đã giảm phiền hà nhũng nhiễu và hạn chế những tiêu cực.

Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng ở một số ngành, địa phương vẫn thiếu kiên quyết, nhất là các vụ án có liên quan đến cán bộ chủ chốt. Việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, chưa có cơ quan, đơn vị nào tự phát hiện tham nhũng để xử lý...

Thủ tướng cho rằng, hạn chế hiện nay trong công tác phòng chống tham nhũng đó là một số cấp uỷ đảng và người đứng đầu đơn vị vẫn chưa nhận thức đúng đắn về tình hình nghiêm trọng của nạn tham nhũng lãng phí.

Do vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải thường xuyên đôn đốc, chỉ rõ để các cấp, ngành, địa phương tập trung làm rõ và chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng và nhân dân khi để xảy ra ra tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách cho phù hợp về xây dựng cơ bản, giảm tối đa phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân đối với các dịch vụ công, đồng thời rà soát việc quản lý tài chính ngân sách nhằm ngăn ngừa tiêu cực trong lĩnh vực này.

Riêng trong lĩnh vực quản lý đất đai (đây là một là nguyên nhân gây thất thoát, tham nhũng, tiêu cực và khiếu kiện của nhân dân), Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng khung giá đền bù cho phù hợp, triển khai nhanh công tác qui hoạch và quản lý qui hoạch (gắn qui hoạch hạ tầng với qui hoạch sử dụng đất) và lập nhóm công tác để đánh giá về quá trình sử dụng đất đai trong thời gian qua.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra xử lý các hành vi tham nhũng có đơn thư tố cáo, nhất là điều tra xét xử các vụ án đang được dư luận xã hội quan tâm.

Qua đó, tìm ra những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý của các Bộ ngành, địa phương, những nguyên nhân, điều kiện dễ phát sinh tham nhũng để có biện pháp khắc phục.

Đối với 8 vụ án trọng điểm đã đưa ra xét xử 4 vụ ( vụ Mai Văn Dâu, vụ Mạc Kim Tôn và vụ đất đai ở Đồ Sơn-Hải Phòng và Vụ PMU18), 3 vụ đang chuẩn bị xét xử ( vụ Lương Cao Khải, Nguyễn Lâm Thái và vụ điện kế điện tử) và vụ Nguyễn Đức Chi ở Khánh Hoà sớm đưa ra xét xử.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, những vụ án mới được phát hiện phải điều tra chính xác, đúng người, đúng tội, khẩn trương điều tra làm rõ và đưa ra xét xử vụ Vinaconex, Thiên Lợi Hoà ở Lào Cai, Đề án 112...

Thủ tướng lưu ý các cơ quan chuyên ngành về đấu tranh phòng chống tham nhũng cần làm tốt công tác nội bộ, quản lý cán bộ và tài sản...Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tạo bước chuyển biến tích cực, hợp sức ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.