Phòng chống thiên tai trong Tuần lễ APEC

Thuyền vào bờ neo đậu tránh bão. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thuyền vào bờ neo đậu tránh bão. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã xây dựng các phương án ứng phó thời tiết xấu, mưa bão lũ lụt, sóng thần... trong tuần lễ cấp cao APEC.

Đà Nẵng: Xây dựng các kịch bản ứng phó

Ngày 2/11, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, Ủy viên thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Đà Nẵng cho biết: để đối phó với tình hình thiên tai phức tạp, chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong Tuần lễ cấp cao (TLCC) APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11.

Theo kế hoạch các loại hình thời tiết xấu có thể xảy ra trên địa bàn thành phố khi diễn ra trong TLCC gồm có: bão, mưa lớn, lũ lụt, ngập lụt và sóng thần. Cơ bản, kế hoạch ứng phó với tình hình thời tiết xấu đều tuân theo Phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được Chủ tịch UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 4438 ngày 14 /8/2017.

Tùy thuộc vào các loại tin thời tiết và dự báo khả năng ảnh hưởng đến thành phố sẽ có các phương án ứng phó. Trong đó, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố được giao triển khai thực hiện Kế hoạch hiệp đồng công tác PCTT và TKCN với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt chú trọng vào các khách sạn, resort không an toàn ven biển. Trong tình huống khẩn cấp bố trí nơi sơ tán đến tại các khách sạn khác trên đường Ngô Quyền và trên địa bàn quận Hải Châu. Đồng thời là lực lượng chủ trì triển khai công tác bố trí lực lượng, phương tiện ứng phó, xử lý tình huống khẩn cấp thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực trọng điểm.

Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng đưa ra kế hoạch ứng phó với sóng thần trong TLCC APEC 2017. Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng do thời gian tổ chức sơ tán là rất ngắn (khoảng 2 giờ) nên việc tổ chức sơ tán phải thực hiện rất nhanh, các quan chức, đại biểu tham gia các hoạt động của TLCC tại các khu vực resort, khách sạn ven biển, sát biển phải được hướng dẫn sơ tán ngay.

Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng các Phương án ứng phó với tình hình thời tiết xấu và khắc phục hậu quả theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, ngành mình trong khi diễn ra TLCC.

Phòng chống thiên tai trong Tuần lễ APEC ảnh 1

Đà Nẵng sẵn sàng ứng phó thiên tai trong Tuần lễ APEC.

Quảng Nam: Đảm bảo an toàn từ trong bờ đến ngoài khơi

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai, phục vụ Hội nghị APEC sáng 2/11, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng  - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, trong tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp cần chủ động các phương án ứng phó đảm bảo an toàn, đặc biệt không để ảnh hưởng đến sự kiện APEC sắp tới.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, đến sáng 2/11 tỉnh Quảng Nam còn 60 tàu cá với 1.807 lao động đang hoạt động xa bờ trên biển. Trong đó có 42 tàu với 1.624 lao động hành nghề câu mực chủ yếu ở khu vực quần đảo Trường Sa, có 10 tàu đang trú gió tại đảo Song Tử Tây, 2 tàu đang trú tại đảo Đá Tây và 30 tàu đang thả trôi. Có 18 tàu với 183 lao động hành nghề lưới rê, lưới vây chủ yếu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; có 5 tàu trú gần khu vực đảo Bông Bay. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam đã liên lạc và nắm được vị trí của các tàu trên biển, đảm bảo thông tin kịp thời về tình hình thời tiết.

Đối với tàu câu mực QNa 91739 TS bị sóng đánh chìm trên đảo, hiện cơ quan chức năng đã điều tàu cứu hộ ra khu vực tàu bị chìm nhưng do thời tiết xấu nên chưa thể tiếp cận tàu bị nạn. 34 thuyền viên được cứu sống được các tàu các khác đưa lên tàu, hỗ trợ ăn uống, sinh hoạt. Thi thể thuyền trưởng Lương Tấn Xị và ngư dân Nguyễn Ngọc Ban được đưa về một ngôi nhà trên đảo.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã chỉ đạo lực lượng biên phòng, khẩn trương liên hệ, thông tin kịp thời diễn biến thời tiết; xác định tọa độ và hướng dẫn ngư dân đến nơi an toàn.

Những ngày qua mưa lớn liên tiếp xảy ra trên địa bàn khiến mực nước tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi dâng cao. Có 2 hồ thủy điện vượt mực nước báo lũ. Cụ thể, thủy điện Sông Bung 4 vượt 2,77m (mực đón lũ của hồ là 214,3m); thủy điện Đăk Mi 4 vượt 4,65m (mực nước đón lũ 252m). Ông Thanh yêu cầu 2 hồ thủy điện điều tiết xả lũ xuống cao trình bằng hoặc thấp hơn mực nước đón lũ. Ông Thanh khẳng định địa phương đang thực hiện đồng thời nhiệm vụ phòng chống thiên tai, gắn với đảm bảo phục vụ sự kiện APEC.

Túc trực mọi hồ đập 24/24h

Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ ngày 2/11 thông tin từ 3/11, thời tiết Đà Nẵng và các tỉnh lân cận bắt đầu chuyển biến xấu dần do  chịu tác động của một đợt không khí lạnh mạnh, ảnh hưởng cơn bão số 12.  Riêng ngày 5/11, thời tiết nhiều mây và đặc biệt có mưa rất to. Hai tỉnh giáp Đà Nẵng là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam thời tiết cũng chuyển biến theo hướng càng về sau mưa càng lớn. 

Báo cáo với Ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND thành Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, thành phố đã lên các phương án phòng chống thiên tai trong những ngày diễn ra APEC. Ông Minh nhấn mạnh hiện còn hàng trăm phương tiện hoạt động trên biển, do vậy các đơn vị chức năng không được chủ quan, lơ là mà phải giữ liên lạc, kết nối. Riêng 21 hồ đập lớn nhỏ phải túc trực 24/24 để đảm bảo an toàn, đề phòng trường hợp vỡ hồ chứa. 

Trước đó, sau trận mưa lớn vào cuối tháng 10, hàng loạt biển quảng cáo, pano trang trí phục vụ APEC trên một số tuyến đường bị xé toạc, gãy đổ ngổn ngang. Các đơn vị chức năng đang tích cực khắc phục lại. 

Thanh Trần

MỚI - NÓNG