Vào mảnh đất được bảo vệ nghiêm ngặt nhất hành tinh - Kỳ cuối:

Chui hầm ngầm xuyên biên giới

Chui hầm ngầm xuyên biên giới
TP - Nếu ga Dorasan thể hiện khát khao hoà bình, thống nhất với những chuyến tàu khách xuyên biên giới trong tương lai, thì các đường hầm nằm sâu hun hút dưới lòng đất ở khu phi quân sự (DMZ) gợi lại cuộc chiến thương đau trong quá khứ và sự đối đầu căng thẳng.

>> Kỳ I - Chuyện ghi ở cầu Tự Do bên giới tuyến quân sự
>> Kỳ II: Vào mảnh đất được bảo vệ nghiêm ngặt nhất hành tinh

Chui hầm ngầm xuyên biên giới ảnh 1 Chui hầm ngầm xuyên biên giới ảnh 2

Muốn vào hầm phải đeo mũ bảo hiểm, trừ lái tàu -  Ảnh: Trí Đường

Đường hầm ở độ sâu 73m

Từ ga Dorasan đi sâu vào DMZ khoảng 3 km, len lỏi qua những ngọn đồi hoang được rào kín bởi hàng rào dây thép gai và biển báo bãi mìn sát thương, chúng tôi có mặt tại khu vực là cửa của 1 trong 4 đường hầm được lần lượt phát hiện trong 4 thập kỷ qua.

Tên của các đường hầm này được đặt theo trình tự thời gian phát hiện ra chúng. Hướng dẫn viên du lịch thường cung cấp cho du khách thông tin chưa được kiểm chứng rằng có thể còn có hơn 20 đường hầm nữa tại khu vực phân cách giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Đến nay mới chỉ có đường hầm thứ 3 mở cửa đón khách, còn các đường hầm còn lại được xem như bí mật quân sự.

Với cách làm du lịch chuyên nghiệp, trước khi chui hầm, du khách nào cũng được đưa tới bảo tàng mini, nơi cung cấp thông tin cơ bản nhất kèm với hình ảnh về cuộc chiến liên Triều (1950 - 1953), về những lần đối đầu căng thẳng giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua và đặc biệt là câu chuyện về 4 đường hầm nằm trong DMZ.

Theo thông tin từ phía Hàn Quốc, đường hầm thứ ba được phát hiện ngày 17/10/1978. Đường hầm thứ ba được phía Hàn Quốc xem là có mối đe dọa lớn nhất vì ở gần thủ đô Seoul nhất (52 km).

Chui hầm ngầm xuyên biên giới ảnh 3 Chui hầm ngầm xuyên biên giới ảnh 4

Bằng ống nhòm có thể thấy rõ hơn làng Hòa Bình (Triều Tiên)- Ảnh: Liang

Làng Hòa Bình (CHDCND Triều Tiên) - Ảnh: Liang

Chui hầm

Sau khi đội mũ bảo hiểm bằng nhựa của thợ khai thác mỏ, như mọi khách du lịch khác, đoàn nhà báo nước ngoài cũng phải gửi lại túi xách, máy ảnh, điện thoại đi động vào hộp gửi đồ theo yêu cầu của nhân viên an ninh.

Chỉ khác là các nhà báo được ưu tiên ngồi vào 2 dãy ghế đầu tiên của con tàu 1 toa để trần chở được gần 50 khách chuẩn bị chui xuống đường hầm.

Trong khi ngồi vào ghế và thắt dây an toàn, chúng tôi được khuyến cáo một lần nữa về việc cấm chụp ảnh trong đường hầm vì liên quan đến an ninh và những người yếu tim, bị bệnh khó thở hay vừa uống bia rượu... cũng phải rời khỏi ghế ngay lập tức.

Tàu chạy bằng điện bắt đầu trườn vào cửa hầm chật hẹp khiến chúng tôi có cảm giác hồi hộp, bất an. Dù được thắp sáng bởi các bóng đèn điện, nhưng trong đường hầm vẫn mờ tối vì quá chật hẹp.

Ở đoạn đường hầm dốc khoảng 45 độ mà chúng tôi phải xuống bằng tàu chạy trên đường ray, người ta đã cho xây trát lại để bớt gồ ghề và không gây nguy hiểm cho thường dân khi vào.

Được biết đường hầm này rộng 2 m, cao 2 m và khi ngồi trên tàu chỉ cần nhón đầu lên hoặc nghiêng người một chút là gặp nguy hiểm.   

Sau gần 10 phút ngồi tàu bò xuống đoạn đường dốc dài khoảng 350 m, tất cả phải xuống đi bộ. Ở độ sâu 73 m so với mặt đất trong đường hầm chật hẹp, không khí trở nên ngột ngạt, ẩm thấp. Đường hầm ở đoạn phải đi bộ không còn dốc nữa, nhưng nước lấp xấp ở dưới chân và nhỏ tí tách từ trên xuống.

Hầm được đào xuyên núi đá nên các mỏm đá nhọn hoắt vẫn chĩa ra từ 3 phía và càng vào sâu càng thấy lạnh. Điều lạ là đường hầm không có các nhánh phụ và người ta phải dùng cả hệ thống dàn giáo bằng sắt để đỡ một số đoạn hầm có nguy cơ lở đá hoặc bị sập.

Thông tin ghi trên các bảng hướng dẫn trong hầm cho rằng đường hầm này do phía Triều Tiên đào. Phía Triều Tiên tuyên bố đường hầm được đào để thăm dò, khai thác khoáng sản và đã bị bỏ lại khi không phát hiện ra khoáng sản.

Phía Hàn Quốc tính toán rằng khoảng 30.000 lính mang theo vũ khí hạng nặng có thể hành quân xuyên qua đường hầm này chỉ trong 1 tiếng nhằm chứng tỏ khả năng đe dọa của đường hầm này đối với Seoul khi chiến tranh nổ ra.

Sau khoảng 170 m đi bộ sâu vào trong đường hầm về phía Bắc, chúng tôi buộc phải dừng chân trước chốt chặn bằng bê tông dày khoảng nửa mét với tấm cửa sắt đóng im ỉm. Tấm biển đỏ ghi rõ đây là khu vực an ninh cấm xâm phạm dù bên trong điện vẫn thắp sáng.

Người lái tàu từ chối trả lời câu hỏi của các nhà báo về việc liệu phía sau chốt chặn trên có binh lính Hàn Quốc hay các loại vũ khí hạng nặng không. Chỉ biết rằng phía sau tảng bê tông kia còn đoạn đường hầm dài hơn 1.100 m nữa, nhưng chưa một thường dân nào được đặt chân tới.

Ngắm Triều Tiên qua... ống nhòm

Bí mật về các đường hầm

Đường hầm thứ nhất được các binh lính trinh thám Hàn Quốc phát hiện ngày 15/11/1974 tại khu vực phía Tây DMZ sau khi tình cờ nhìn thấy nước phun lên từ mặt đất.

Đường hầm sâu khoảng 45 m; cao 1,2 m; rộng 0,9; dài 3.500m; bên trong có cả đường ray, xe kéo và cách Seoul khoảng 65 km.

Phía Hàn Quốc cho rằng khoảng 2.000 lính có thể đi xuyên qua đường hầm trong 1 tiếng. Đường hầm thứ hai cách Seoul hơn 100 km được phát hiện ngày 19/3/1975 có cùng độ dài với đường hầm thứ nhất, nhưng kích cỡ lớn hơn (2 x 2 m) và nằm ở độ sâu 50 m – 160 m so với mặt đất.

Khoảng 3.000 lính cùng với vũ khí hạng nặng được cho là có thể đi xuyên qua đường hầm trong 1 tiếng. Đường hầm thứ tư được phát hiện ngày 3/3/1990 sau nhiều tháng tìm kiếm của quân đội với các thiết bị hiện đại.

Đường hầm này nằm sâu dưới mặt đất 145 m, dài hơn 2.000 m và đủ điều kiện cho khoảng 30.000 lính di chuyển qua trong 1 tiếng.

Phía Hàn Quốc luôn khẳng định các đường hầm trên do Triều Tiên đào nhằm mục đích xâm nhập Seoul. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng hoặc bác bỏ thông tin trên hoặc cho rằng đường hầm được đào để thăm dò, khai thác khoáng sản.

Từ cửa đường hầm thứ ba, trèo lên núi cao gần 1 km, chúng tôi đã có thể ngắm làng xóm, đồng ruộng của CHDCND Triều Tiên ở sát biên giới. Hàn Quốc cho xây dựng khá nhiều đài quan sát ở DMZ để giúp những người con Triều Tiên tha hương có thể nhìn về phương Bắc rõ hơn và cũng để thoả trí tò mò của nhiều người về một vùng đất bí ẩn ở bên kia giới tuyến.

Đài quan sát Dora đặt trên núi Dora (hay Đồi 155 theo cách gọi của quân đội) và gần với lãnh thổ Triều Tiên nhất. Trong chiến tranh, đây là nơi đóng quân của một sư đoàn miền Nam và nay binh lính Hàn Quốc tiếp tục canh gác cẩn mật. Các nhà báo luôn bị binh lính nhắc nhở vì hầu hết các vị trí ở Dora đều bị cấm chụp ảnh. Vị trí chụp ảnh được quy định rõ ở phía sau vạch đỏ, cách dãy ống nhòm (gần 20 chiếc) khoảng 10m.

Từ Dora, bằng mắt thường và vào một buổi chiều khá đẹp trời nên chúng tôi có thể nhìn thấy đồi núi, những ngôi nhà, ruộng vườn và cờ của Triều Tiên bay lất phất trong gió ở “Làng Hoà Bình” (Kijong-dong) theo cách gọi của Bình Nhưỡng hay “Làng Tuyên truyền” theo cách gọi của Seoul.

Ngôi làng đặc biệt này nằm sát bên kia giới tuyến, sát Bàn Môn Điếm - nơi duy nhất ở DMZ nối liền liên lạc giữa Hàn Quốc với Triều Tiên - và dưới chân các quả đồi.

Nhìn thấy rõ nhất bằng mắt thường ở Làng Hoà Bình là cột cờ cao khoảng 160 m từng được đưa vào Sách kỷ lục Guinness về độ cao và cây cầu bằng bê-tông dài khoảng 200 m dẫn vào làng.

Trước đây cột cờ này cao 100 m, nhưng Bình Nhưỡng đã cho dựng cao thêm sau khi Hàn Quốc cũng dựng cột cờ khác cao hơn ở vùng giới tuyến. Người ta gọi đây là “cuộc chiến cột cờ”.

Với 500 won, chúng tôi có thể quan sát rõ hơn Làng Hoà Bình và xa hơn nữa là khu công nghiệp Khai Thành liên kết giữa Hàn Quốc và Triều Tiên qua ống nhòm trong vài phút.

Được biết đến như một vùng đất còn nhiều khó khăn, nhưng qua ống nhòm có thể thấy Làng Hoà Bình lại có nhiều nhà cao 3 - 6 tầng, nhưng điều lạ là khá vắng vẻ dù đếm sơ qua cũng có thể khẳng định có gần 200 ngôi nhà.

Một số người Hàn Quốc giải thích chỉ có binh lính sống ở đó mà không có thường dân. Tuy nhiên, những thông tin kiểu này luôn bị Triều Tiên bác bỏ và đưa ra bằng chứng về việc ngôi làng có cả nhà trẻ, bệnh viện và trường học. Mặt khác, qua ống nhòm cũng có thể nhìn thấy một số nông dân Triều Tiên đang làm việc bên ngoài các khu nhà cao tầng.   

MỚI - NÓNG