Tầm nã sáu phạm nhân vượt trại

Tầm nã sáu phạm nhân vượt trại
TP - Nhiều tình tiết trong câu chuyện sáu tù nhân cùng lúc trốn khỏi trại giam Cầu Đông (Hà Tĩnh), rồi vượt biên, đến nay mới sáng rõ.

Tại phòng khách trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi gặp một tù nhân trẻ. Anh ta là Nguyễn Viết Sơn, mang án sáu năm tù về tội trộm cắp tài sản. Vào một đêm hè năm 2008, Sơn đã cùng năm bạn tù tổ chức cuộc vượt trại táo tợn.

Ngày ấy, ngay cả các cán bộ quản giáo cũng không thể hình dung cuộc vượt trại được tổ chức như thế nào. Chỉ khi tầm nã được cả sáu can phạm này, câu chuyện mới được hình dung một cách đầy đủ.

Sơn mở đầu câu chuyện với chúng tôi: Bố mẹ mất khi Sơn lên năm tuổi, Sơn được ông  bà ngoại đưa về nuôi tại thị trấn Nghèn - Can Lộc (Hà Tĩnh). Không được cắp sách đến trường như bạn bè. 15 tuổi, Sơn rời quê vào Khánh Hòa đi bán hủ tiếu rồi kết hôn với cô gái dân tộc Thái ở Quỳ Hợp (Nghệ An) cũng bán hủ tiếu.

Có chút vốn, vợ chồng Sơn về Quỳ Hợp sinh sống. Trong một lần về quê ở thị trấn Nghèn, Sơn gặp lại bạn cũ. Sau nhiều cuộc chén tạc, chén thù, Sơn sa vào con đường phạm tội lúc nào không hay.

Theo Sơn, ý định trốn trại bắt nguồn từ bạn tù Trần Sĩ Bá. Trong một đêm nhớ nhà không ngủ được, Bá dùng tay đẩy cánh cửa buồng giam để quan sát bên ngoài, trong lúc đẩy cửa, Bá phát hiện một số chỗ trên cửa bị mối mọt, càng đẩy cửa càng lung lay.

Bá gọi năm bạn tù dậy rồi bàn cách phá cửa để trốn trại. Lúc đầu, Sơn, Nhã không đồng ý, sau cũng gật đầu vì Quân thuyết phục. Trần Văn Quân, sinh ra ở Hương Khê (Hà Tĩnh), mang án bốn năm tù về tội trộm cắp. Từ nhỏ Quân được bố mẹ đưa sang Thái Lan sinh sống.     

Nhiều lần bàn bạc, sáu tù nhân đưa ra hai phương án vượt trại. Một phương án dùng một đoạn thép B40 (lấy từ dây thép của hàng rào bảo vệ phía trên buồng giam) giao cho Bá mài nhọn để mở ổ khóa. Nếu không mở được ổ khóa thì lợi dụng sơ hở của giám thị phá cửa buồng giam. Thời gian hành động được giao cho Quân, Quyền, Bá quyết định.

Sau bữa cơm tối 15-6, trên đường đi về buồng giam, Quyền nói "đã đến lúc chúng ta ra đi". Khoảng 12 giờ đêm, khi một giám thị vừa đi qua, sáu tù nhân thức giấc cùng nắm tay nhau thể hiện quyết tâm trước lúc hành động.

Tầm nã sáu phạm nhân vượt trại ảnh 1
Sáu tù nhân

Một giờ sáng 16-6, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, Quân, Quyền, Nhã, Phú được giao đẩy cửa để Bá đưa tay qua khe mở khóa, Sơn được cử quan sát giám thị. Hơn 15 phút, ổ khóa không nhúc nhích.

Hai giờ sáng, có tiếng kêu cứu thất thanh từ buồng giam bên cạnh. Phía ngoài hành lang, mọi người đang tập trung đưa một tù nhân đi cấp cứu. Lập tức, Quân ra lệnh cả nhóm đứng sẵn ở cửa.

Một loạt tiếng sấm nổ xé trời cũng là lúc cánh cửa bị xô ngã. Sáu tù nhân bò từ hành lang rồi ngoặt ra phía sau khu bệnh xá nơi các giám thị ban đêm ít lui tới, rồi dùng hai chiếc màn cuộn thành dây cho hai tên cõng nhau lên cột vào dây thép gai.

Sau đó lần lượt từng tên trèo vượt qua bờ tường dây thép gai gần bốn mét. Hơn mười lăm phút, sáu tù nhân đã vượt qua bờ tường rào.

Vượt biên

Sau khi vượt ra khỏi trại, sáu tên  phân làm hai nhóm, Sơn và Quân sẽ bơi qua sông hơn 100 m rồi đi bộ đường rừng. Bốn tên còn lại lần theo một con hẻm ra đường bắt taxi hướng về huyện Can Lộc vay tiền của người thân rồi đi taxi lên Khe Giao lẩn vào rừng và đi bộ qua xã Mỹ Lộc đến xã Hà Linh, huyện Hương Khê, quê của tên Quân để tập trung bàn kế hoạch tiếp theo.

Trưa 16-6, sáu tù nhân tập hợp trong một hốc đá trên núi ở xã Hà Linh, thống nhất trốn vào cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) để vượt sang Lào bằng đường rừng.

Tại đây, tên Nhã không đồng ý nên rời nhóm, năm tên còn lại cùng một thanh niên tên Hùng trú tại xã Mỹ Lộc tiếp tục trốn vào rừng.

Để thực hiện kế hoạch vượt biên, năm tù nhân cùng người thanh niên tên Hùng xuống núi chôm hai chiếc xe máy của công nhân nông trường cao su Hương Khê làm phương tiện, rồi tiếp tục chạy vào Cha Lo cắm xe máy, lấy ba triệu đồng và lẩn vào rừng.

Sau một đêm cắt rừng, sáu tên sang Thà Khẹt - Khăm Muộn - Lào. Đang chờ  xe ven đường, chúng bị lực lượng biên phòng Lào phát hiện kiểm tra. Ngay lúc đó sáu tên lao mình xuống vực sâu trốn thoát, tên Phú bị trật khớp chân nằm im trong gốc cây, và bị bắt giữ sau đó khi Phú vờ làm một người lạc đường vào biên phòng Lào xin ăn.

Thoát khỏi vòng truy bắt của bộ đội biên phòng Lào, năm tên Quân, Quyền, Sơn, Bá, Hùng ẩn náu tại một nhà nghỉ ở bến xe ở Thà Khẹt, sau đó tìm cách liên lạc với một người tên là Nang để bà này đưa sang Thái Lan.

Đêm 21-6, Quân, Quyền, Bá, Sơn, Hùng đã vượt sông Mê Kông sang Thái Lan trên một con thuyền nhỏ do bà Nang tổ chức.

Tầm nã ráo riết

Rạng sáng 16-6, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh triệu tập cuộc họp khẩn, gần ba chục trinh sát được huy động chốt chặn tại các cửa khẩu biên giới vẫn không ngăn kịp bước chân của sáu tù nhân.

Phương án chặn ngay các cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình) và giám sát quê quán của sáu tù nhân là nội dung cuộc họp giữa ban giám đốc công an tỉnh với các phòng PC 14, PC 17, PC 35 cùng công an các huyện, thị. Gần 30 trinh sát chia làm bốn mũi, chặn chốt tại các cửa khẩu Cầu Treo, Cha Lo và phong tỏa quê quán sáu tù nhân.

Hơn một ngày đêm tìm kỹ các bìa rừng, ngõ  ngách, thông tin về sáu tù nhân vẫn bặt vô âm tín.

Qua làm việc với Trạm quản lý Xuất nhập cảnh Cửa khẩu Cha Lo và đồn biên phòng Cha Lo, các trinh sát phát hiện tên Phú đang bị tạm giữ tại đây trong vai là người lạc đường không có giấy tờ tùy thân.

Qua lời khai của tên Phú, Quân, Quyền, Sơn, Bá đang lẩn trốn ở Khăm Muộn - Lào để tìm cách trốn sang Thái Lan.

Phối hợp cùng Đồn biên phòng Cha Lo, nhóm trinh sát tiếp tục vượt hơn 200km đường rừng trong đêm tối để đến Khăm Muộn. Được sự giúp đỡ của Công an tỉnh Khăm Muộn, các trinh sát hai nước Việt - Lào phân ra nhiều mũi truy tìm tại các bến ga, bến tàu.

Gần một tuần truy tìm, thông tin cho thấy Quân, Quyền, Bá, Nhã, Hùng vượt sông Mê Kông sang Thái Lan. Interpol quốc tế phát lệnh truy nã bốn tù nhân trên.

Thông qua văn phòng Interpol Việt Nam, Interpol Thái Lan giúp đỡ truy tìm, trao đổi những thông tin về bốn tù nhân đang lẩn trốn tại Thái Lan.

Hơn một năm, qua trao đổi giữa cảnh sát hai nước cùng những nguồn tin khác chuyển về, hoạt động của Bá, Quân, Quyền, Sơn ở Thái Lan được lãnh đạo ban chuyên án nắm chắc từng đường đi, nước bước. Hai tên Bá, Sơn đang bị Công an Thái Lan bắt giữ về tội trộm cắp, Quân và Quyền hiện là những tên đầu trộm đuôi cướp có hạng tại Thái Lan.

Kế hoạch phá án được lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục cảnh sát nhất trí. Ngày 12-8-2009, thượng tá Hoàng Minh Tân - Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hà Tĩnh dẫn đoàn công tác lên đường sang Thái Lan.

Kết hợp với cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, các trinh sát Việt Nam vào vai những tên "đầu trộm đuôi cướp" người Việt Nam tại Thái Lan để bắt sống Quân, Quyền. Tuy nhiên, nhiều cuộc hẹn,  Quân, Quyền không xuất hiện.

Qua điều tra, được biết Quân sống ở Thái Lan nhiều năm, thông thạo tiếng Thái nên thường đến đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan để làm giấy tờ cho người Việt Nam.

Một kế hoạch phá án khác được đưa ra. Hai người Việt Nam đang làm ăn tại Thái Lan bị mất giấy tờ cần Quân giúp đỡ. Trong cơn khát tiền, Quân nhận lời ngay. Kế hoạch bắt giữ Quân tại trụ sở sứ quán được các trinh sát Việt Nam phối hợp với cảnh sát Hoàng gia Thái Lan triển khai.

Sau khi làm việc xong tại đại sứ quán, Quân vừa ra khỏi cổng, cảnh sát Hoàng gia Thái Lan ập tới còng tay. Lúc này Quân bình thản rồi xổ một tràng tiếng Thái, cho rằng cảnh sát bắt nhầm người.

Lúc đó thượng tá Hoàng Minh Tân  - Phó phòng PC 14 Công an tỉnh Hà Tĩnh, đứng phía sau nói "anh Quân vẫn khỏe chứ", ngay lập tức, mặt Quân tái ngắt.

Quân bị bắt, Quyền lẩn trốn đến một sân bay cũ. Qua rà soát và định vị điện thoại, cảnh sát Thái Lan xác định Quyền đang lẩn trốn tại khu vực sân bay cũ ở khu vực Đôn Mường, Băngkok.

Chiều 27-9-2009, khi Quyền đang rót bia cho khách tại nhà hàng bị cảnh sát Thái Lan bất ngờ ập vào kiểm tra và bắt giữ. Cũng như Quân, lúc đầu Quyền lớn tiếng cho rằng cảnh sát bắt oan, nhưng khi các cảnh sát Việt Nam xuất hiện, Quyền cúi đầu nhận tội.

Tại  nhà tù Bangkok Remand Prison (Thái Lan) khi được mời lên làm việc với cảnh sát Việt Nam, vừa bước vào cửa, Bá cúi chào bằng tiếng Thái rất lễ phép. Hơn 15 phút, Bá vẫn dùng tiếng Thái để giao dịch với các trinh sát Việt Nam.

Bằng nghiệp vụ, các trinh sát đã buộc Bá lộ nguyên hình phạm nhân vượt trại. Cũng như tên Bá, Sơn bị đoàn công tác lật mặt tại một trại giam mang tên Immigration Center (thuộc cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan).

Do Việt Nam và Thái Lan chưa có hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, hiệp định chuyển giao người bị kết án song phương nên hai tên Trần Sĩ Bá, Trần Văn Quyền phải thi hành xong án phạt tại Thái Lan sẽ di lý về Việt Nam để tiếp tục điều tra xét xử.

Thượng tá Hoàng Minh Tân cho biết, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã xử phạt Trần Thanh Nhã bốn năm tù giam, Nguyễn Văn Phú ba năm tù giam về tội "trốn trại". Sau khi Quyền và Bá thụ án xong ở Thái Lan sẽ được di lý về Việt Nam để xử cùng Sơn và Quân.
MỚI - NÓNG