Chuyện gã 'ăn mày sách' xuyên Việt

Chuyện gã 'ăn mày sách' xuyên Việt
TP - Câu chuyện một lãng tử mồng một Tết  đi xuyên Việt để "ăn mày sách" và vận động làm tủ sách cho nông dân đã được kể trên ấn phẩm Tiền Phong Xuân Canh Dần. Giờ đây, gã ăn mày sách ấy vẫn trên đường xuyên Việt  và trở nên giàu có với nhiều câu chuyện thú vị trên đường...
Chuyện gã 'ăn mày sách' xuyên Việt ảnh 1

Mồng Một Tết Canh Dần,  Nguyễn Quang Thạch xuất phát từ Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) lên đường xuyên Việt đi... ăn mày sách. Chiếc xe máy của Thạch nổi bật lá cờ xanh in những chữ vàng: “Sách mang cơ hội cho mọi người. Hãy tặng sách cho các tủ sách dòng họ Việt Nam”.

Lá cờ xanh căng gió bay phần phật khi Thạch  phóng xe máy trên đường Hà Nội ngày mồng một Tết  vắng lặng đến lạ thường. Nhưng sự vắng lặng khiến Thạch vui,  vì lẽ: “Giờ này mọi người đang sum họp với gia đình, hướng về nguồn cội chú mục vào ti vi thì hình ảnh một chàng trai đi xuyên Việt để vận động xây dựng thư viện cho nông dân được phát sóng sẽ lay động lương tri, khiến nhiều người quan tâm đến sách hơn. Đó cũng là lý do vì sao tôi xuất hành vào ngày mồng một Tết” .

Tết này, gia đình vắng Thạch,  cậu con trai 4 tuổi và vợ về quê ngoại Thanh Hóa đón Tết,  bố mẹ đẻ ở huyện miền núi Hương Sơn,  tỉnh Hà Tĩnh, một mình gã ăn mày sách  cùng lá cờ xanh của mình trên đường thiên lý Bắc - Nam. Hành trình xuân trên đường thiên lý ấy có rất nhiều chuyện vui buồn ám ảnh Thạch  không dứt.

Chiều mồng một Tết, trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong giá lạnh, Thạch vẫn thấy nông dân đang chăn bò. Bên vệ đường, những người nhặt rác vẫn tìm kiếm như không hề có Tết.

Trên đường tới thị xã Ninh Bình, Thạch gặp năm người tâm thần. Người  ngồi bên quốc lộ, quần áo bẩn thỉu rách tươm, ngửa mặt nhìn trời. Người thất thểu đi lang thang vô định.

Thạch dừng lại, hỏi một phụ nữ gánh hàng rong đầy cau để vừa bán vừa lì xì các cụ: “Sao mồng một Tết chị vẫn đi bán hàng?”. Chị thở dài: “Đất  mất hết, thằng con trai duy nhất  chỉ biết uống rượu”.

Mồng 3 Tết. Thạch ghé thăm nhà anh Toàn, thôn 5 xã Kỳ Đồng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, ngay dưới chân Đèo Ngang. Thạch kể: “Hình ảnh bé Thảo con anh đã 3 tuổi rồi vẫn không biết đi, ngồi đó ám ảnh tôi suốt hành trình. Cháu Thảo bị thiểu não từ khi mới sinh ra là do mẹ cháu không được tiếp cận bất cứ kiến thức làm mẹ nào trước và sau khi lấy chồng.

Lúc mang thai, chị Thuận, vợ anh phải dùng quá nhiều loại thuốc do bị ốm nặng. Giá như chị được đọc một cuốn sách về sức khỏe sinh sản trước khi sinh bé Thảo thì số phận bé đã khác...”.

Thành phố Nha Trang, mùng 8 Tết, 7 giờ kém 10 phút, Thạch  nhìn thấy một tên cướp đang kéo lê một phụ nữ khoảng 50m trên đường. Tên cướp cố lấy chiếc túi xách đang quấn vào tay nạn nhân. Quần áo chị rách tả tơi, bê bết máu. Giữa đường ngày xuân mà chị đơn độc như giữa sa mạc… Thấy Thạch, tên cướp nhả mồi tháo chạy.

Thạch quay về với câu hỏi đã dằn vặt gã ăn mày sách hơn chục năm nay: “Người ta nghèo đói, độc ác, vô cảm, điên loạn vì đâu?”.

Thạch suy tư trước  những câu chuyện mà  anh chứng kiến và gọi là “chỉ số buồn” ấy: “Hai từ số phận được dùng để an ủi chúng ta khi gặp rủi ro nhưng tại sao chúng ta không nghĩ đến cách phòng xa các rủi ro hay đói nghèo từ gốc rễ?”.

Trên đường xuyên Việt, Thạch thường gọi cho tôi mỗi khi anh gặp câu chuyện gì đó muốn chia sẻ. Một ngày đầu Xuân, giọng Thạch  vui như Tết: “Đi đến xã Mỹ Tài, Phù Mỹ, Bình Định, một cháu bé chăn bò đã gọi “Chú ơi cho cháu sách với”. Mình tặng cho cháu 1 cuốn Những tấm lòng cao cả”.

Điện thoại của Thạch vào một sáng khác: “Mình đến xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận, gặp 4 đứa bé chăn bò bên đường. Mình đưa cuốn Những tấm lòng cao cả ra đọc. Các em cầm sách một cách tò mò. Thì ra các em không biết chữ. Chỉ có một em đã học đến lớp 3 nhưng bỏ học lâu ngày nên quên gần hết mặt chữ. Không biết chữ, nhưng các em vẫn mở sách ra xem, trông thật vui”.

Thạch gửi cho tôi bức ảnh những đứa trẻ chăn bò ấy, ghi rõ: “Ảnh đẹp nhưng buồn”. Bức ảnh chụp những đứa trẻ mặt sạm đen cầm cuốn sách, miệng cười hồn nhiên trên cánh đồng khát cháy.

Chuyện gã 'ăn mày sách' xuyên Việt ảnh 2
Bức ảnh “đẹp nhưng buồn” của Thạch chụp các em chăn bò mù chữ

Những tủ sách ra đời trên đường xuyên Việt

Thành phố Vinh, tối mồng hai Tết, trên hành trình xuyên Việt, Thạch ghé vào nhà tôi lúc  trời rét như cắt, mưa nặng hạt. Dường như mỗi khi chạm đến đề tài sách cho nông dân, Thạch lại say mê như nói về tình yêu luôn cháy.

Vẫn chất giọng Nghệ sôi nổi ấy, sáng mồng ba Tết, trong cuộc tọa đàm với thư viện tỉnh Nghệ An, gã ăn mày sách đã đưa ra nhiều ý tưởng để “sách hóa nông thôn”.

Ông Đào Tam Tỉnh, Giám đốc Thư viện Nghệ An, rất  tâm đắc với những ý tưởng của Thạch: “Trước mắt Thư viện Nghệ An sẽ ủng hộ 2 tủ sách cho dòng họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu vào tháng tư này. Thư viện cũng sẽ giúp đào tạo nhân lực để vận hành tủ sách ở các dòng họ”.

Người ta nghèo đói, độc ác, vô cảm, điên loạn vì đâu?

Có vẻ như ngành thư viện đang lúng túng trong việc đưa sách đến với hơn 70% dân số trong cả nước. Lượng độc giả khổng lồ ấy đang ngủ và có vẻ  ngày càng ngủ say hơn vì sách không đến được với họ. Mô hình tủ sách dòng họ của Thạch có thể đưa sách về với nông dân một cách đơn giản và tiết kiệm nhất.

Theo Thạch, muốn  “sách hóa nông thôn” nhanh, cần bổ sung thêm tiêu chí để được công nhận dòng họ văn hóa: phải có tủ sách.  Cũng như ông Nguyễn Khánh, trưởng thôn Đại Thạnh xã Mỹ Hiệp huyện Phù Mỹ, Bình Định sau khi trò chuyện với Thạch đã  bày tỏ: “Thôn văn hóa cần có tủ sách”.   

Bà Phan Thị Lý,  Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Bình cam kết với Thạch: “Thư viện sẽ tiếp tục hỗ trợ sách và đào tạo kỹ năng quản lý tủ sách cho họ Lê xã Nghĩa Ninh để làm mẫu cho các dòng họ khác trong tỉnh”. Họ Lê đã tự nhân rộng mô hình tủ sách dòng họ trong năm 2009.

Chị Đào Bảo Minh, Phó Bí Tỉnh Đoàn Phú Yên, hứa với Thạch:  “Đoàn thanh niên sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và thư viện để mở ra một phong trào mới trong thanh niên, góp sách xây dựng  các tủ sách họ tộc trong tỉnh”.

Ông Đào Tấn Nguyên, một nông dân  đại diện họ Đào, thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, Phú Yên sau khi gặp Thạch, hứa:“Trong năm 2010, dòng họ Đào sẽ xây dựng tủ sách cho con cháu trong họ được tiếp cận với tri thức”.

Những lời hứa ấy như món quà xuân cho Thạch trên đường xuyên Việt. Thêm một tủ sách, có nghĩa là bớt đi những đứa trẻ tối ngày ngồi trong quán nét chơi game, bớt đi những cờ bạc rượu chè lúc nông nhàn, thêm cơ hội cho bao người đang lúng túng tìm hướng đi cho mình.

Câu chuyện và hình ảnh của Thạch đã xuất hiện trên báo Tết xuân Canh Dần của báo Tiền Phong, trên chương trình thời sự lúc 19 giờ của kênh VTV1 ngày mồng một Tết. Trên đường xuyên Việt, nhiều người đã nhận ra gã ăn mày sách.

Một số người đã tra trên google, tìm số điện thoại của Thạch rồi gọi điện hỏi cách làm tủ sách, như cô gái Ngô Thị Hồng Vân-xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên,  anh Giang quê Anh Sơn, Nghệ An, anh Hữu quê Hậu Lộc, Thanh Hóa...

Nguyễn Quang Thạch sẵn sàng tư vấn qua điện thoại và hỗ trợ cho những ai có nhu cầu xây dựng tủ sách dòng họ ở nông thôn. Số điện thoại liên hệ: 01685116999 và 0912188644

(Còn nữa)

Kỳ tiếp: Suy tư biết ngỏ cùng ai?

MỚI - NÓNG