Bên trong vỏ bọc “ngây ngô”

Bên trong vỏ bọc “ngây ngô”
TP - Thoạt nhìn, Lê Thiếu Nhơn có dáng vẻ “lớ ngớ” của một người trót đọc quá nhiều sách, nhưng có gặp và chuyện trò cùng anh thì mới biết rằng, sự “ngây ngô” của Lê Thiếu Nhơn chỉ là vỏ bọc của con người ý chí, nghị lực đôi khi hài hước một cách khôn khéo bên cạnh tâm hồn thi ca yếu đuối, lãng mạn…

Lê Thiếu Nhơn:

Bên trong vỏ bọc “ngây ngô”

Lê Thiếu Nhơn tuổi Ngọ 1978 quê Tuy Hòa, Phú Yên. Nhơn kể lại rằng, từ nhỏ, khi anh bắt đầu đi học, nhiều người đã không giấu được sự tò mò về tên gọi của anh. Lê Thiếu Nhơn hỏi cha mình thì ông bảo đặt chữ “thiếu” để anh phấn đấu cho “đủ”.

Mộng thoát nghèo

Đối với tôi (và có lẽ với nhiều người) thì cái tên Lê Thiếu Nhơn, thậm chí có lẽ hơi “già” so với tuổi đời của anh, bởi vì, tên anh gắn liền với thơ ca, báo chí lâu rồi. Ở một khía cạnh nào đó, Lê Thiếu Nhơn có vị trí trong lòng bè bạn.

Suốt thời thơ ấu, anh luôn học giỏi dù không bỏ sót trò chơi gì mà đám trẻ xung quanh có thể chơi. Thậm chí, những trò chơi có thể kiếm tiền thì anh lại luôn láu lỉnh để giành phần… xuất sắc. Anh còn nhớ rất rõ, khi bạn bè chỉ nuôi cá cảnh như một thú vui, thì anh nuôi cá cảnh để kinh doanh.

Năm 10 tuổi, anh sở hữu cả ngàn con cá vàng, một buổi đi học, một buổi ở nhà cầm vợt vớt cá bán như... một ông chủ vựa cá cảnh đích thực. Thế nhưng, chơi cá cảnh hoài cũng chán, anh chuyển sang chơi gà chọi, rồi cũng chán, anh chuyển sang “chơi”… văn chương. Rồi anh bị mê hoặc, rong ruổi, quẩn quanh trò chơi ấy cho đến tận bây giờ.

Lê Thiếu Nhơn là một đứa trẻ “con nhà nghèo” giống như hầu hết những đứa trẻ của làng quê nghèo khác. Rời khỏi lũy tre làng ra thành phố học tập và lập nghiệp, ước mơ lớn nhất của anh là thành công ở một vùng đất hứa nào đó để thoát khỏi cảnh nghèo đói, bần hàn như ông bà, ba mẹ. Nhơn xách túi vào Sài Gòn học đại học báo chí. Tiễn con ra bến tàu là ánh mắt ái ngại của má anh khi dúi vào tay đứa con ít tiền lộ phí. Lúc đó, Nhơn nói với mẹ bằng cái giọng chân quê chưa phai mưa nắng: “Gia đình không phải chu cấp hàng tháng đâu, con sẽ tự lo!”. Anh bảo, không hiểu sao hôm ấy, anh lại bạo gan vậy. Nghĩ lại cũng thấy giật mình. Cũng may, trời thương, ngày hôm trước làm thủ tục nhập học, ngày hôm sau anh đã lọc cọc đạp xe (chiếc xe đạp này cũng chính là phần thưởng giải nhất thơ Áo Trắng mà anh giành được khi vừa nhận bằng Tú tài!) đi viết báo và xoay sở được ở thành phố đắt đỏ bằng chính cây bút của mình.

Vừa đến giảng đường mỗi ngày, Lê Thiếu Nhơn vừa viết báo kiếm sống vừa say mê đọc. Anh là người chịu đọc, dường như có tiền bạc, thời gian là anh tìm đến sách. Thời phổ thông, anh nhẵn mặt các cô nhân viên ở Thư viện tỉnh Phú Yên. Vậy mà, vào Sài Gòn anh vẫn thấy hiểu biết có khoảng cách quá lớn đối với những cư dân đô thị khác. Anh lao vào đọc mọi loại sách với ý niệm hơi thực dụng là biến tri thức thành cơm áo.

Chính vì ý định “kiếm ăn” ấy mà anh trang bị được nền tảng cơ bản để có thể viết mọi đề tài, nhất là mảng văn hóa. Anh có thể viết về âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, văn chương không mấy thua kém các phóng viên chuyên nghiệp từng lĩnh vực.

Nhúc nhắc đi, nhúc nhắc sống

Tuy nhiên, thứ mà Lê Thiếu Nhơn khẳng định được hơn tất thảy, đó không phải là hàng trăm bài báo, mà đó chính là thơ ca. Đối với anh, thơ luôn giống như một phiên bản trắc ẩn. Những ý niệm từ tiềm thức trở về hiện lên câu chữ. Từ tập thơ đầu tay “Bài ca phía mặt trời” in năm 19 tuổi bằng số tiền dành dụm nhờ đi viết báo dạo, đến nay anh đã có 5 tập thơ và hai lần được Tặng thưởng của Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh.

“Lê Thiếu Nhơn nói, anh có nhiều người bạn dùng thơ anh để tỏ tình thì đã lấy được vợ, nhưng chính anh làm thơ về cô gái nào thì cô gái ấy vụt xa tầm tay.”
“Lê Thiếu Nhơn nói, anh có nhiều người bạn dùng thơ anh để tỏ tình thì đã lấy được vợ, nhưng chính anh làm thơ về cô gái nào thì cô gái ấy vụt xa tầm tay.”

Lê Thiếu Nhơn bảo: “Bây giờ lật lại thơ mình viết, tôi vẫn hình dung được từng giai đoạn đã trải qua đời mình. Những ngày chập chững với đô thị, tôi cứ khắc khoải: “Hai mươi năm trong lòng không nước mắt/ Dòng sông cho tôi câu hát mỗi khi buồn/ Em còn thương con dế mùa hạ cũ/ Tiếng gáy dài một nỗi tha hương” và đôi khi, tôi tự nhắn nhủ với lòng mình: “Nếu tôi ném cho ai điều ti tiện/ Sẽ nhận lại nỗi buồn trong mắt mẹ tôi/ Tôi biết thế và tôi sống chân thật/ Sợ giả dối như sợ giấc mơ quá nhiều điềm may”. Đôi khi tôi thấm thía: “Không chạy thoát bóng mình/ Tuổi hai mươi mật ngọt/ Cứ cám dỗ xa gần/ Những đòn đau rát mặt”, rồi tư lự: “Một phần tư thế kỷ tôi sống/ Hoa hồng hy vọng gai nhọn chịu ơn”.

Giờ đây, tuổi ngoài ba mươi, Lê Thiếu Nhơn ý thức thấy rằng thi ca không có quyền than mây khóc gió nữa, anh hướng thơ mình vào ngổn ngang thế sự: “Tôi lại khô cạn thêm chút nữa/ Gặp một trò hề giấu giếm buồn nôn/ Sống cay đắng với phấn son hãnh tiến…”, “Tôi kỳ lạ chính mình giữa loay hoay lạ kỳ/ Sao cứ thấy bàn tay chụp giựt đè lên bàn tay cặm cụi/ Lo cận thị cao độ, mỗi tuần tôi đo mắt một lần/ Người tốt bóng mờ bóng nhỏ vừa mịt mù vừa vô tận trong mưa”…

Trong số những người viết trẻ ở TP Hồ Chí Minh, Lê Thiếu Nhơn thuộc loại nổi tiếng sớm nhưng không quá ồn ào. Thơ anh không mới bởi câu chữ, không ngoa ngôn, không sex, không có những tuyên ngôn hùng hồn… Anh đi chậm mà chắc. Thơ tuổi 20 của anh lãng mạn và hơi… “sến” kiểu học trò thường chép vào sổ tay tặng nhau mùa hạ chia tay, nhưng ở tuổi 30 với những va vấp cuộc đời, với cơm áo gạo tiền kiếm sống trong lao lực, thơ của Lê Thiếu Nhơn đời hơn, chiêm nghiệm hơn và anh thường mượn thơ để nói chuyện thế sự. Cũng nhờ lăng kính ấy, mới đây, anh xuất bản cuốn sách phê bình “Thi ca nết đất” với lời tự sự rất đỗi chân tình: “Là một người làm thơ, tôi luôn mong những tâm tư của đồng nghiệp không bị thờ ơ (…) ngọn đèn ân cần bên trang giấy - cây bút ngày xưa, hay bóng điện quạnh quẽ bên màn hình - bàn phím hôm nay, đều không thể nào an ủi được cái bóng cô độc của nhà thơ”.

Lê Thiếu Nhơn nhúc nhắc đi, nhúc nhắc sống vậy mà ngoảnh lại, giờ đây, trong tay anh có một cuộc sống khá đầy đủ so với giới cầm bút. Anh lại bận chăm sóc cả trang web cá nhân lethieunhon.com mà lượng thông tin và lượng truy cập có khi còn nhiều hơn cả một vài tờ báo điện tử. Lê Thiếu Nhơn nghĩ đơn giản: “Các trang web cá nhân của những người cầm bút ít nhiều cũng khẳng định được văn chương không đứng ngoài quá trình chuyển động của thời đại kỹ thuật số. Tôi hoàn toàn lạc quan về văn chương mạng, vì tính kết nối và tính tương tác giúp Bá Nha dễ tìm thấy Tử Kỳ hơn!”.

Những ai trót dành tình yêu cho nàng thơ, cho nghiệp văn chương, có lẽ cũng sẽ dành cho chân trời ấy một chỗ rất lớn trong tâm hồn, trong trái tim. Phải chăng vì vậy mà cũng mỏng manh dễ đổ vỡ, dễ chia lìa nếu không cùng nhịp đập. Lê Thiếu Nhơn giờ được coi là một nhà thơ thành đạt, nhưng anh lại thiếu bóng dáng của một người đàn bà, một bóng hồng trong cuộc đời thực để chia sẻ với anh những buồn vui cuộc sống.

Có thể Lê Thiếu Nhơn là người khá kỹ tính, cũng có thể “cuộc chơi thi ca” mà anh đeo đuổi từ khi rời bóng quê nhà cho đến nay vẫn chưa có hồi kết thúc. Có lẽ anh muốn sống trọn vẹn cho thơ văn và những ý tưởng riêng mà chưa muốn có sự ràng buộc nào cả… Hỏi, thì anh cười hiền bảo rằng, anh có nhiều người bạn dùng thơ anh để tỏ tình thì đã lấy được vợ, nhưng chính anh làm thơ về cô gái nào thì cô gái ấy vụt xa tầm tay. Nghịch lý thế đấy. Thế nhưng, Lê Thiếu Nhơn vẫn tin vào duyên số và thường an ủi kiểu tếu táo rằng... món ngon thường dọn ra muộn! Anh bảo: “Mỗi ngày, tôi chỉ mong người bạn hôm nay hớn hở gặp mặt thì ngày mai vẫn còn tin cậy đứng cạnh nhau, dẫu từng phút giây trôi qua ẩn giấu không ít xót xa và bẽ bàng…

Có lẽ, có người sẽ đặt câu hỏi rằng, Lê Thiếu Nhơn lấy đâu ra thời gian mà đa đoan, mà cô đơn, mà nghĩ về thơ? Anh quá bận rộn với công việc báo chí, kinh doanh. Bên trong cái dáng vóc nhỏ con hơi nghệ sĩ ấy là một con người biết nắm bắt mọi cơ hội, dù nhỏ, để kiếm lời bằng việc kinh doanh bất động sản, đầu tư, hùn vốn để sinh lãi… Tất cả những việc đó, hẳn không thể được tính toán bởi đầu óc của một nhà thơ? Mọi thứ có thể chỉ cần tóm gọn trong hai chữ: nỗ lực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.