Đơn xin hiến xác con trai - Mặn hơn nước mắt

Đơn xin hiến xác con trai - Mặn hơn nước mắt
TP - Ông viết đơn bày tỏ nguyện vọng hiến xác con cho y học. Bà lấy tay quệt nước mắt: “Chẳng bố mẹ nào muốn con mình chết cả. Nhưng sống thế này còn khổ gấp trăm lần chết...”.

Bi kịch từ con ngõ nhỏ

Nhà ông Phạm Tất Đạt ở cuối con ngõ nhỏ của phố Tôn Đức Thắng. Ngõ đã nhỏ lại thêm một quán cơm bụi kiêm trà đá án ngữ lối vào, khách thường ngồi chen chúc, đi bộ cũng phải lách qua, đi xe máy thì phải “xin đường”. Bi kịch của nhà ông Đạt bắt đầu từ con ngõ chật hẹp này...

Bản án số 593/2010/ HSPT của Toà án nhân dân tối cao, toà phúc thẩm tại Hà Nội xử phạt Trần Mạnh Hùng 7 năm tù. Ông Phạm Tất Đạt cho rằng đó là mức án không thỏa đáng, thiếu công bằng. Nhưng gia đình ông sẵn sàng xin toà giảm nhẹ tội cho Hùng nếu như Hùng và gia đình chân thành nhận lỗi và chia sẻ nỗi đau với gia đình ông. Nhưng theo ông Đạt, kể từ khi con trai sống đời sống thực vật, Hùng và gia đình hầu như không qua lại thăm hỏi gì.

Trần Mạnh Hùng thuê nhà số 4 Tôn Đức Thắng để làm nghề sửa chữa đàn. Chỉ vì nghĩ anh Phạm Trí Đức con ông Đạt ở cùng ngõ làm rách biển quảng cáo, Hùng sấn sổ gọi Đức ra nói chuyện. Nhưng Hùng không “nói chuyện” bằng lời mà dùng tuốc-nơ-vít đâm 2 nhát vào ngực anh Đức. Trúng tim và xuyên phổi.

Bác sỹ phải tiêm tới 6 ống thuốc trợ tim để cứu Đức (bình thường chỉ dùng 2 ống). Trái tim Đức đập trở lại, nhưng bộ não hầu như đã chết hẳn. Gia đình ông Đạt lại đưa con về ngôi nhà trong con ngõ nhỏ phố Tôn Đức Thắng, buồn thảm như đưa đám bởi con trai họ sống mà như đã chết.

Giờ đây, Đức chỉ tồn tại dưới dạng thực vật, đầu óc hoàn toàn không còn nhận biết được gì, còn sống mà như qua đời. Vợ chồng già và cô con dâu chăm sóc Đức như một đứa trẻ, cũng bỉm và sữa. Nhưng đứa trẻ còn biết khóc cười, còn Đức chỉ im lặng, vô tri.

Giọng ông Đạt buồn rượi: “ Vợ chồng tôi đều ngoài 70 tuổi, sức cùng lực kiệt, lại không có lương hưu. Tôi là thầy thuốc đông y, nhưng từ khi con trai bị nạn, tôi chán bỏ luôn nghề. Vợ tôi trước là công nhân nhà máy cơ khí Mai Động, nghỉ mất sức đã mấy chục năm nay. Hai vợ chồng nuôi nhau đã khó, nói chi đến việc phải chăm sóc thuốc thang cho con. Mọi gánh nặng đổ dồn lên vai đứa con dâu 40 tuổi, con dâu lại đang phải nuôi cháu nội 4 tuổi của tôi.... Hằng tháng riêng tiền thuê người trông nom đã 5 triệu đồng. Trong khi đó, quyết định của toà buộc gia đình bị cáo phải chi 500 nghìn đồng/một tháng thuê người trông nom. Ở Hà Nội này ai có thể thuê được giúp việc 500 nghìn đồng/tháng?”.

Ông Đạt lấy cho tôi xem những hộp thuốc gửi mua ở Trung Quốc có tác dụng lưu thông khí huyết. Mỗi hộp một triệu đồng. Hai năm nay, Đức đã uống hơn trăm hộp thuốc rồi mà vẫn vô tri. Gia đình ông mời thầy thuốc nổi tiếng về điều trị não ở Quảng Châu sang chữa trị. Sau 18 tháng, ông thầy này cũng đành bất lực. Các giáo sư y khoa khẳng định não của Đức không hồi phục được nữa.

Với nhiều bác sỹ, việc một người chết não nằm bất động hai năm mà không bị lở loét đã là sự lạ rồi. Khi Đức rời khỏi phòng cấp cứu bệnh viện SaintPaul, bác sỹ dự đoán chỉ sống được khoảng hơn một tháng...

Nhưng vợ chồng ông Đạt lại đau đớn khi con mình cứ kéo dài đời sống thực vật như vậy. Bà Yến - vợ ông Đạt, chẳng biết đã bao lần nhìn gương mặt vô cảm của con trai mà khóc: “Không người mẹ nào muốn con mình chết cả, nhưng con tôi sống thế này còn khổ hơn chết. Cứ nhìn thấy con là tôi không muốn sống nữa”. Nước mắt chảy trên gương mặt đầy nếp nhăn của bà Yến.

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Đạt quyết định viết những dòng này:

“Nhìn áp lực đang đè nặng lên con dâu thật là đau xót, nhưng tôi không biết làm sao. Kết hợp ý kiến của khoa học và pháp lệnh mới về hiến tạng của Chính phủ tôi nhận thấy con tôi giờ đã chết não theo như pháp lệnh quy định, vậy tôi muốn liên hệ với cơ quan nào có chức năng tiếp nhận hiến xác để lấy nội tạng cứu giúp những người đang mắc bệnh nan y. Con trai tôi hiện trạng như vậy không thể gọi là sống, mà phải nói là khổ hơn chết trăm lần. Giả sử như cháu nhận biết được thực trạng và hoàn cảnh của gia đình, vợ con thì tôi tin chắc cháu cũng sẽ vui vẻ hiến xác để làm từ thiện cứu giúp mọi người và giải thoát cho gia đình vợ con khỏi gánh nặng khủng khiếp này. Tôi tin chắc cháu sẽ được thanh thản ra đi, bỏ lại sự đúng sai, công bằng hay không công bằng trong xã hội, chỉ còn lại niềm vui khi biết rằng có nhiều người được khỏe mạnh nhờ vào một phần cơ thể của mình hiến tặng. Tôi mong nguyện vọng của tôi được đăng tải để mọi người sống tốt hơn, có nhiều người được cứu giúp, xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân bản hơn. Tôi mong những người đã làm cha làm mẹ hiểu cho tâm tư của tôi hiện nay, đúng sai thế nào, ai đồng tình hay lên án tôi cũng cảm ơn tấm lòng của quý vị, mong lượng thứ và thông cảm cho tôi”.

Ông Đạt rưng rưng nhìn những dòng chữ trong lá đơn xin được hiến xác con trai của mình.

Lá đơn chưa được gửi, vì còn phải xin ý kiến của con dâu.

“Chừng nào anh còn sống, tôi còn chăm sóc”

Hơn một năm nay, chị Lê Thị Đức Hạnh đã đưa chồng về căn hộ tập thể ở gần Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để tiện chăm sóc. Khi tôi tìm đến nhà, chị đang chuẩn bị tắm cho chồng. Mỗi lần tắm, chị và cô giúp việc hết sức vất vả để bế người đàn ông nặng trên 50 cân và nằm bất động này lên.

Anh Đức nằm trên chiếc giường xếp, sắc diện vẫn hồng hào, nhưng đôi mắt vô hồn như nhìn vào cõi xa xăm nào đó. Nhưng để chồng được như vậy thôi, chị Hạnh đã tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền của. Chỉ tính mấy tuần liền nằm ở khoa cấp cứu bệnh viện SaintPaul, mỗi ngày tổng chi phí lên tới 40 triệu đồng. Chị Hạnh lại mời một thầy thuốc giỏi ở nước ngoài chuyên chữa cho các nguyên thủ quốc gia về tận nhà mình để điều trị cho chồng, chi phí tiền khám, tiền thuốc hết 18 nghìn USD để rồi chỉ nhận được cái lắc đầu: “Bó tay”.

Chị Hạnh đã bán nhà, bỏ việc để chăm sóc chồng
Chị Hạnh đã bán nhà, bỏ việc để chăm sóc chồng.

Chị Hạnh mua một căn hộ trong khu tập thể của bệnh viện 108, làm hàng xóm của các giáo sư y khoa đầu ngành để tiện chữa chạy cho chồng. Một lần, chồng ở phòng điều trị của viện 108, nằm máy lạnh nhiều bị nhiễm trùng phổi. Không thể đưa chồng đi chụp phim, chị phải thuê máy đến tận giường. 5 ngày hết 49 triệu. Tính ra toàn bộ tiền chữa trị từ khi Đức gặp nạn tới giờ lên tới gần 3 tỷ. Chị phải bán nhà và nghỉ hẳn công việc làm phiên dịch của mình để có thời gian chăm sóc chồng. Tất cả những điều ấy đổi lại một sức khoẻ tốt cho người đàn ông bây giờ chỉ còn biết tiếp nhận thức ăn khi có ai đút vào miệng.

“Bố mẹ chồng thương anh Đức, muốn giải thoát cho anh Đức và cả tôi nên có nguyện vọng hiến xác anh Đức cho y học. Nhưng tôi xin chừng nào anh ấy còn sống, tôi sẽ chăm sóc. Anh ấy cứ sống thực vật 10 năm hay 20 năm tôi cũng sẽ chữa trị bằng tất cả khả năng của mình. Như thế ít ra con tôi còn được nhìn thấy bố, còn thấy được tình cảm của mẹ dành cho bố như thế nào. Kể ra cũng lỡ dở nhiều chuyện lắm. Vợ chồng tôi đang sắp sang Đức làm ăn. Trước khi anh ấy bị nạn đã đặt tiền mua một căn nhà trên phố Châu Long. Bây giờ, tôi cũng không biết là đã đặt bao nhiêu tiền cho chủ nhà, chủ nhà là ai tôi cũng không biết mà xin lại tiền nữa. Tạm thời, tôi vẫn phải nhờ bố mẹ đẻ mình giúp đỡ về tài chính để chăm sóc chồng”, người phụ nữ 40 tuổi không hề nói đến sự lỡ dở của cuộc đời mình.

Nhiều lần, chị đã giấu những giọt nước mắt khi con gái hỏi: “Mẹ ơi, làm sao bố lại nằm như thế mãi mà không nói gì với con cả. Sao bố ốm lâu thế?”.

Những thứ thuốc bổ nhất như sừng tê giác thì gần như chị Hạnh đã mua về cho chồng uống. Người chồng vẫn vô tri mà lạ thay, mái tóc lốm đốm bạc đã chuyển sang xanh đen. Còn tóc của vợ chồng ông Đạt và chị Hạnh đang bạc dần đi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG