Khắc khoải làng phong

Khắc khoải làng phong
TP - Tưởng chừng cuộc di dân của người làng phong Hòa Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vào đất liền sẽ xóa bỏ cuộc sống biệt lập nơi eo vịnh để hòa nhập cộng đồng. Đâu ngờ, chưa kịp cập cạn, họ sớm đối diện thái độ miệt thị của một bộ phận dân cư.

Ba mươi năm chữa bệnh miễn phí
> Cuộc vượt thoát hy hữu trong bão số bốn

Liên tục những ngày cuối tuần qua, hàng trăm người dân tổ 14 (phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) kéo đến ngăn cản đơn vị thi công dãy nhà liền kề cho dân làng Vân trên địa bàn với lý do… “sợ lây bệnh”. Lãnh đạo quận phải khẩn cấp đối thoại với các hộ dân tổ 14, huy động lực lượng chức năng lập tổ chốt chặn bảo vệ công trình.

Từ ngày 1 – 10, việc thi công được tái triển khai, nhưng hành trình vượt núi biển vào thành phố của các hộ dân làng Vân vẫn còn nhiều gian nan, trắc trở phía trước.

Khấp khởi mừng…

Địa phương có lỗi khi chưa tuyên truyền, hướng dẫn nhiều cho người dân về việc triển khai dự án làng Vân khiến một số hộ hoang mang, gây phản ứng dây chuyền.

Qua các đợt vận động, hiện người dân tổ 14 phần nào thông cảm và không còn các hành động tập trung ngăn cản.

Nếu tiến bộ thi công đảm bảo, dự kiến cuối năm nay, người dân làng Vân sẽ “vào bờ” - Ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu

Những ngày sau cơn bão hoành hành, biển Đà Nẵng động mạnh. Không thể ra làng Vân bằng đường biển, gần tiếng đồng hồ chúng tôi men theo con đường mòn chông chênh, thẳng đứng từ phía chân đèo Hải Vân đổ về eo vịnh.

Những mái nhà nhỏ nằm thấp thoáng dưới rặng cây, hướng mình ra phía biển.

“Giờ các cháu đi còn dễ, chứ độ chục năm trước, xuống được đây là cả vấn đề, mà ai dám xuống. Cuộc sống người dân vốn biệt lập quen rồi” - cụ Phạm Bồng (làng Vân), bộc bạch.

Hơn 80 tuổi, cụ Bồng là một trong những “già làng” có mặt sớm nhất ở làng Vân ngay từ cuối những năm 60. Sớm mắc bệnh, cụ theo những người cùng cảnh ngộ khăn gói về làng phong điều trị. Khỏi hẳn từ vài chục năm nay nhưng căn bệnh phong như một “bản án” khiến cụ phải bám trụ miết nơi xóm nhỏ.

Cụ Bồng bảo: hiện làng Vân chẳng còn ai mắc bệnh nữa. Mọi người cùng bám trụ ở đây làm ăn sinh sống, có phải vì bệnh tật nữa đâu. Họ quý nhau ở cái tình, hàng xóm láng giềng. Nếu được vào làm “người thành phố”, cũng là con cháu sau này được học hành, hòa nhập cộng đồng không phải mang miết cái án bệnh phong

Ông Hồ Văn Cư (50 tuổi), hàng xóm cụ Bồng cũng bộc bạch: Mong mỏi lớn nhất với người dân làng Vân là không còn ngăn sông, cách chợ. Học hết lớp 5, hai con ông Cư là Hồ Hoàng Long và Hồ Hoàng Hiếu mất gần chục năm xa nhà vào phố trọ. Tiền trọ, ăn học hết trên dưới 2 triệu đồng mỗi tháng

Chỉ tay ra sau nhà, cụ Nguyễn Đức Ba (85 tuổi) tâm sự: khoảng tháng trước, bên đền bù giải tỏa họ đến đo đạc hết rồi. Chưa biết được bao nhiêu tiền nhưng mọi người đều đồng thuận rời làng cả. Ở đây chỉ sợ lúc mưa bão, ốm đau. Có lần người dân trong làng trở bệnh giữa đêm khuya, biển động mạnh, đường rừng khó đi, đến khi tới được bệnh viện, họ đã qua đời. Các bác sĩ bảo nếu tới sớm ít phút vẫn có thể cứu được.

“Hôm được lãnh đạo quận Liên Chiểu tổ chức cho vào tham quan khu nhà liền kề, nơi ở tương lai của mình, bà con khấp khởi mừng vì sẽ hết cảnh biệt lập. Gần trung tâm, trường chợ và cả bệnh viện nữa. Những người già như tôi sợ tội cho con cháu vất vả hơn là sợ chết” - giọng ông Ba bùi ngùi.

Nặng trĩu nỗi lo kỳ thị

Theo ông Trần Hữu Đức, Trưởng thôn Hòa Vân: thôn có 134 hộ với trên 300 nhân khẩu. Theo phương án di dời, giải tỏa, làng có 42 hộ ở khu nhà liền kề và hơn 90 hộ ở khu tái định cư. Từ dạo nhận tin chuyển đi, bà con chộn rộn mừng vui lẫn lộn. Nhưng buồn nhất là tin về sự kỳ thị của người dân tổ 14, ngăn cản không cho bà con vào bờ.

Chị Nguyễn Thị Chim (45 tuổi), bộc bạch: chúng tôi thà ở đây chịu cách trở biển bờ, còn hơn phải về nơi ở mới bị cô lập, miệt thị về tinh thần. Giọng ông Đức trầm buồn: “Chúng tôi nghe trên tin đài báo mà buồn lắm, nhiều bà con nhìn nhau ứa nước mắt. Cứ tưởng người thành phố có điều kiện nghiên cứu, học hành sẽ biết bệnh phong không còn nguy hiểm, không lây lan nếu đã hết bệnh, vậy mà… Nhiều năm nay, một số người ở nơi khác còn xuống ăn ở với chúng tôi cả tháng trời, có ai sao đâu”.

Theo ông Phạm Tấn Sử, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc: Những người bố trí tái định cư, nhà liền kề đều được điều trị dứt bệnh nên không còn khả năng lây lan. Biết tin về những lần phản ứng vừa qua ở tổ 14, chúng tôi buồn lắm. Cũng là người dân cả với nhau, ai lại như thế !

Em Nguyễn Văn Quang (học sinh lớp 5, làng Vân) mong ngày vào bờ để có điều kiện học hành
Em Nguyễn Văn Quang (học sinh lớp 5, làng Vân) mong ngày vào bờ để có điều kiện học hành.

Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Phạm Hùng Chiến cũng khẳng định: từ năm 1998, bệnh nhân phong ở làng Vân được điều trị khỏi hoàn toàn và được tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó đến nay chưa phát hiện bệnh nhân mới mắc bệnh phong. Hiện một số người dân ở đây chỉ còn lại những di chứng của người bị bệnh phong chứ không phải đang mắc bệnh phong. Do vậy không còn khả năng lây lan cho những người xung quanh và cộng đồng.

Vừa gỡ lưới, chị Nguyễn Thị Vinh (30 tuổi) lo lắng: “Đâu riêng chuyện bị kỳ thị, dân làng phong trăn trở về việc làm tại nơi ở mới. Lúc đi tham quan khu nhà liền kề, đất ở đó không được rộng, chẳng có bãi đậu ghe thuyền nên người dân khó mà làm nghề cũ. Nói thiệt, ở đây biển động chiều chiều còn thả lưới, sáng mai đi thu về cũng được vài ký ghẹ. Lúc trời êm thì đánh bắt cá, mỗi ngày đắp đổi cũng có trên dưới 200.000 đồng. Dạo này ghẹ lên giá tới 100.000 đồng/1 kg (loại 1) nên cũng có đồng ra đồng vào” - chị Vinh nói.

Nhiều hộ dân cũng ái ngại: lo nhất là những người đứng tuổi, vốn thất học sống biệt lập chỉ quen nghề nông, bắt cá nay vào thành phố biết làm gì để kiếm sống?

Theo ông Đức: do cuộc sống biệt lập, phần lớn các hộ dân làng Vân đều thuộc diện nghèo, cận nghèo, sản xuất chủ yếu nhờ đồng ruộng, biển, nhưng làm ăn nhỏ lẻ. Bà con mong mỏi được hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Có như vậy mới sớm ổn định cuộc sống nếu tới nơi
ở mới

Thêu dệt nhiều tin đồn lây bệnh

Nhiều ngày nay, tổ 14 rộ nhiều tin đồn lây lan bệnh phong. Dù ngành y tế khẳng định bệnh không còn lây lan, nhưng nhiều hộ dân vẫn cho rằng: có mầm bệnh là có khả năng lây.

Bà Nguyễn Thị L. (45 tuổi, tổ 14), nói: hồi họp tổ dân phố về, nhiều người bảo bệnh phong có thể “lây chậm”, dễ mắc nhất là trẻ con. Rồi chuyện bệnh phong ăn vào máu vào thịt bệnh nhân nên làm sao không lây được ? Hay có người còn nhận mình là quân y xuất ngũ, từng thấy bệnh nhân phong vẫn lây lan không thể ngăn chặn…

Nhân chuyện vài hộ dân treo bảng rao bán nhà, chị Trần Hoài H. (35 tuổi) lý giải: họ sợ quá nên rao bán nhà giá rẻ để đi chỗ khác. Ban đầu chỉ có một vài hộ nhưng giờ có đến gần chục hộ.

Tại cuộc họp dân tổ 14 chiều tối 29- 9, một số ý kiến tiếp tục “nói không” với làng Vân. Dù lãnh đạo quận khẳng định tiếp tục tái thi công vào ngày 30 – 9, nhưng trong ngày này hàng trăm hộ dân tổ 14 vẫn kéo đến công trình, yêu cầu dừng thi công, cản trở hoạt động lập rào chắn. Chỉ khi lực lượng chức năng được huy động tối đa, lập chốt bảo vệ hiện trường, mời một số người dân cố tình ngăn cản về xử lý, mọi việc mới tạm lắng.

Ông Lê Duy Du - Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, trần tình: 42 hộ về khu nhà liền kề đều là những người neo đơn, không nơi nương tựa, thậm chí mất sức lao động, đưa họ về đây là để có thêm điều kiện chăm sóc, thực hiện chính sách xã hội tốt hơn. Phường đã phân tích với các hộ dân trong tổ 14 để thấy phản ứng của họ chưa đúng với tinh thần chia sẻ cộng đồng, chưa hợp đạo lý, nhân tình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG