Thành hoàng đội mũ cối

Thành hoàng đội mũ cối
TP - Ở ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước vùng trũng nhất của khu vực Đồng Tháp Mười thuộc huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, một gia đình nông dân nghèo đã lập miếu thờ hơn 200 liệt sĩ hy sinh vào mùa nước nổi tháng 10-1973 có tên là Miếu Bắc Bỏ.

Rừng tràm đẫm máu

Nằm cách thành phố Tân An khoảng 55 km theo hướng QL62, qua khỏi cây cầu kênh 79, đi vào vài km là đến miếu Bắc Bỏ. Nghe tên rất lạ, tôi và anh bạn đồng nghiệp ở báo Lao Động đoán nghĩa hai từ Bắc Bỏ bỗng giật thót người nghĩ là “bắn bỏ”.

Hỏi ra mới biết: Hơn 200 liệt sĩ hy sinh tại đây là bộ đội miền Bắc. Dân trong vùng lập miếu thờ. 39 năm qua, miếu Bắc Bỏ được thường xuyên nhang khói, còn người dân thì coi các liệt sĩ như “Thành Hoàng đội mũ cối” của vùng sâu Đồng Tháp Mười.

Người lính già Phạm Xuân Thi (Ba Thi), từng là cán bộ trinh sát Trung đoàn 207, Quân khu 8 cũ nhớ lại: Đó là mùa nước nổi tháng 10-1973, Trung đoàn nhận lệnh bí mật hành quân về Đồng Tháp Mười, sau đó tập kết tại huyện Cai Lậy, tỉnh Kiến Tường (Tiền Giang).

Từ căn cứ Mỏ Vẹt, thuộc tỉnh Svây Riêng, Campuchia, Trung đoàn vượt qua sông Vàm Cỏ Tây về đến Mộc Hóa cũ (nay là huyện Thạnh Hóa). Rạng sáng 3-10-1973 (mùng 8-9 Âm lịch), toàn bộ Trung đoàn dừng chân nghỉ chờ đêm xuống trong rừng tràm thưa tại ấp Đá Biên.

Đa số chiến sĩ mới bổ sung vào đơn vị, chủ yếu là sinh viên Hà Nội tình nguyện xung phong, nhiều nhất là sinh viên Đại học Xây dựng. Do hành quân đi xa khá vất vả và còn quá hồn nhiên, các chiến sĩ đã để lộ dấu vết lúc giặt giũ, giăng võng nằm và phơi quần áo.

Chị Mai Thị Tiếp vợ anh Tư Tờ dâng hương ở miếu
Chị Mai Thị Tiếp vợ anh Tư Tờ dâng hương ở miếu.

Máy bay trinh sát của địch phát hiện, lập tức huy động pháo bắn cấp tập. 12 chiếc trực thăng quần đảo, bắn xối xả. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra giữa cánh đồng mùa nước lũ. Các chiến sĩ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng suốt một ngày ngâm mình trong đồng nước, đồng bưng rừng tràm. Trung đoàn 207 hy sinh trên 200 chiến sĩ trẻ.

12 ngày sau, Đại đội trinh sát cùng lực lượng địa phương đưa quân vào tìm thi hài đồng đội. Lần ấy, duy nhất có một đồng chí cán bộ bị thương nặng, được bà con cấp cứu thuốc men, giấu ngoài đồng hàng đêm đưa cơm ra nuôi sau này đưa về đơn vị chiến đấu.

Bà con trong vùng và đồng đội các anh bơi xuồng khắp cánh đồng hoang vu để tìm từng thi thể, rồi dùng màn muỗi để vớt xác các anh, bó chặt lại rồi treo tạm lên ngọn cây tràm, chờ nước rút mới chôn cất.

Thống nhất. Đồng đội các liệt sĩ tiếp tục lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia.

Theo yêu cầu nhiệm vụ mới, Trung đoàn 207 giải thể, Quân khu 8 sáp nhập vào Quân khu 9, tỉnh Kiến Tường, Hậu Nghĩa sáp nhập vào tỉnh Long An. Huyện Mộc Hóa tách ra huyện Thạnh Hóa một phần. Ấp Đá Biên, Thạnh Phước ngày nay thuộc huyện Thạnh Hóa.

Bà Hai Đấu (Phạm Thị Đấu) từng là Tỉnh ủy viên Kiến Tường, Trưởng Phòng LĐTB&XH Mộc Hóa kể: Sau hòa bình, nhân dân đã về vùng này khai hoang trồng lúa sống chung với lũ.

Khi gặp hài cốt liệt sĩ không thể phân biệt được ai với ai vì không biết họ tên, phần thì hài cốt quá nhiều nên bà con đã gom lại chôn chung. Đến khi đi quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Mộc Hóa, cũng chôn chung thành ngôi mộ tập thể.

Miếu thiêng với “thành hoàng liệt sĩ”

Nơi hơn 200 liệt sĩ ngã xuống
Nơi hơn 200 liệt sĩ ngã xuống.

Nền đất được đắp nổi cao lên, vì ngày giỗ các liệt sĩ vào mùa nước nổi. Đó là một chòi lợp tôn đơn sơ, giữa chòi là tấm bia xây bằng gạch đỏ thâm thấp không tô trát gì nhưng mọi người dân đều gọi tên là Miếu Bắc Bỏ. Trên vách, thờ lá cờ đỏ sao vàng.

Bên dưới tấm bia là bát nhang và ly, dĩa dùng để đồ cúng. Trên nền xi măng là dòng chữ HY SINH GÌ (VÌ) TỔ QUỐC và ngày tháng lập bia.

Miếu Bắc Bỏ, do tâm nguyện vợ chồng anh chị Tư Tờ hiến hơn 200m2 đất lập miếu và là người trông nom miếu lâu nay. Anh Tư Tờ nói năm 1974, gia đình anh về vùng này sinh sống. Anh thường bơi xuồng đi tìm bình tong đựng nước, cà-mèn, mũ cối… Nhiều lần anh gặp hài cốt các liệt sĩ.

Theo lời anh kể, hồi đó xương, sọ các liệt sĩ hy sinh còn nhiều lắm. Hòa bình lập lại, dân tản cư khắp nơi quay về đông hơn. Trong lúc đốn tràm làm ruộng, hoặc lúc cày ruộng gặp rất nhiều hài cốt bộ đội. Dân chỉ biết gom lại chôn chung.

Bà con trong vùng đồn đại rất nhiều chuyện hiển linh. Nhà anh chị Tư Tờ có cô con gái mắc bệnh lạ, nói năng lảm nhảm suốt ngày, trị khắp nơi không khỏi. Cô gái suốt ngày cứ than là đói, lạnh và không nhớ đường về quê.

Anh liên tưởng đến các vong hồn liệt sĩ ám ảnh nên khấn vái các liệt sĩ… Sau đó con gái hết bịnh, anh Tư Tờ mừng quá lập miếu và hiến 200 m2 đất thờ cúng các liệt sĩ như lời đã khấn.

Thành thói quen, đến dịp lễ tết hoặc ngày giỗ liệt sĩ mùng 8-9 âm lịch là dân cả vùng ai có thức gì đều mang đến bày ra cúng vong hồn liệt sĩ. Những dịp đó, căn nhà vợ chồng anh Tư Tờ vui như hội.

Nào là bày mâm nhậu nhắc chuyện ngày xưa, nào là đàn ca thâu đêm để “các anh em liệt sĩ về dự chung vui” - lời anh Tư Tờ. Đó cũng là dịp cô Út Nhiễu con gái út anh chị Tư bận rộn bơi xuồng đi hái những bông sen đẹp nhất mang về thờ ở miếu.

Người dân trong vùng này còn có một lời thề nguyền rất độc đáo, nên không ai dám nói dối. Nếu nghi ngờ một lời nói không thật, họ nói “thề đi, nếu nói sai lính bắt”. Lâu dần thành quen nên dân ở đây sống thật lòng. Về Mộc Hóa, Thạnh Hóa hôm nay nghe nhiều người kể chuyện rất đáng mừng.

UBND huyện Thạnh Hóa đã đồng ý giúp Ban liên lạc cựu Trung đoàn 207 diện tích đất 2.500 m2 gần khu vực miếu Bắc Bỏ bây giờ để xây dựng công trình “Nhà bia ghi tên liệt sĩ Trung đoàn 207” theo nguyện vọng của các cựu chiến binh và thân nhân các liệt sĩ trẻ năm ấy là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội.

Mộc Hóa, cuối mùa lũ 2011

Thành thói quen, đến dịp lễ tết hoặc ngày giỗ liệt sĩ mùng 8-9 âm lịch là dân cả vùng ai có thức gì đều mang đến bày ra cúng vong hồn liệt sĩ. Những dịp đó, căn nhà vợ chồng anh Tư Tờ vui như hội. Nào là bày mâm nhậu nhắc chuyện ngày xưa, nào là đàn ca thâu đêm để “các anh em liệt sĩ về dự chung vui” - lời anh Tư Tờ.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG