Phi đội nhảy tàu

Chạy nhớm theo tàu
Chạy nhớm theo tàu
TP - Từ bỏ công việc mới, gần năm nay hàng chục phụ nữ “xóm nhảy tàu” Kim Liên (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) quay về với nghề "gia truyền" - bu bám, nhảy tàu bán hàng rong mưu sinh trên những chuyến tàu Bắc - Nam.
Chưa đầy 5 phút, phi đội đã lên tàu
Chưa đầy 5 phút, phi đội đã lên tàu.
 

Kỹ nghệ nhảy tàu

Thấy tôi có ý định xin đi nhảy tàu cùng, chị Phạm Thị Nguyệt (46 tuổi, tổ 13, Hòa Hiệp Bắc) xua tay: “Tội mi, tưởng cái nghề này dễ lắm à. Đến bọn chị còn phải học lên học xuống, ngã chỏng vó, thương tích đầy mình mới dám nhảy tàu đang chuyển động. Nếu thích thì nhảy tàu hàng kia.

Họ đỗ hẳn ở ga Kim Liên, tha hồ mà lên xuống”. Như muốn “cắt đuôi’ cái ý tưởng dở hơi của tôi, chị Nguyệt cùng phi đội nhảy tàu nháy mắt rời ga, bắt xe ba gác chở về phía chân cầu Nam Ô. Khó khăn lắm, tôi mới thuyết phục được đi cùng, chỉ để “học nghề” lần đầu.

“Hôm nay tàu lại về trễ rồi, thế là phải nhịn đói vài giờ”, chị Lan (45 tuổi, tổ 13) đồng nghiệp chị Nguyệt nói. Cả nhóm tụ hợp trên đoạn đường sắt dẫn vào cầu tám chuyện. Gọi là phi đội vì có đến hơn chục thành viên. Trẻ nhất hơn 20 tuổi, già đến 50 tuổi.

Chạy nhớm theo tàu
Chạy nhớm theo tàu.
 

Anh Tý (tổ 13) thành viên nam duy nhất, bảo: “Mọi người đi cùng, thành từng đội cho vui, tương trợ nhau lúc khó khăn, đặc biệt khi bị tai nạn, hay bảo vệ, nhân viên tàu phát hiện…”.

Chưa đầy 30 tuổi, anh Tý có thâm niên gần 15 năm theo nghề nhảy tàu. Nghiệp nhảy tàu bắt đầu từ đời bố mẹ. Nhà 3 người con nhưng chỉ anh Tý nối bước nhảy tàu.

“Đi miết thành quen, tính ra chẳng biết làm gì nên nhảy tàu cho rồi. Lần đầu mọi người chỉ dám nhảy những tàu dừng đón khách ở ga lẻ Kim Liên để lên xuống, sau đó mới tập nhảy ở các tàu chuyển động. Sợ lắm, đang lao vùn vụt 15-20km, bu bám vào nó là cả một vấn đề”- anh Tý bảo.

Chị Nguyệt chìa đôi bàn chân chi chít vết sẹo. Cái mới nhất vừa lành da sau lần sẩy tay ngã xuống mé đường sắt. Chị kể: kinh nghiệm nhiều nhưng vẫn hên sui thôi. Muốn nhảy được tàu phải chọn khoảng đường bằng, ít độ dốc, có đoạn rộng nhất định để chạy nhớm theo tàu rồi mới nhảy lên đu bám. Lần đó tàu chạy nhanh quá, chị bị sẩy tay và ngã xuống đất.

Anh Tý đúc kết, muốn bám tàu phải có sức khỏe, nhanh nhẹn, dẻo dai, linh hoạt và đặc biệt không được sợ, run vì sẽ khó mà bám chắc vào thân tàu. Tùy theo tốc độ của tàu để chạy nhớm phù hợp.

Cái này thành phản xạ chứ chẳng ai đo đếm cụ thể được. Sở dĩ chọn đoạn cầu Nam Ô vì đoạn đường sắt này đang sửa, có khúc cua nối, đi qua cầu phải giảm tốc độ. “Nhìn tàu giờ đi chậm, chứ trước đây nhanh lắm, thấy mà khiếp” - anh Tý nói.

Phi đội nhảy tàu ảnh 3
"Chẳng ai nhớ nghề bu bám, nhảy tàu bán hàng rong có từ thời nào, nhưng có điều chắc chắn bao năm nay chưa ai giàu lên. Chỉ hiểm nguy, mất mạng, thương tật là điều hiện hữu." - Chị Nguyệt.
 

Gần 11 giờ 30, chuyến tàu SE hụ còi báo hiệu trước mắt. Những cột khói đen nhám bị gió đánh bạt ra sau. Cả phi đội tất tả gói hàng, sửa lại quần áo, dõi mắt tập trung, đứng sát phía ray tàu.

Chị Nguyệt chạy nhanh dăm bảy bước rồi vịn tay vào thành cửa, đu rướn người áp sát vào thân tàu. Đến lượt chị Lan, anh Tý… mỗi người chọn một toa để đu bám. Đuôi tàu vừa qua cũng là lúc hơn chục thành viên phi đội nhảy tàu đã bám chặt vào thành tàu.

Nhanh như sóc, cả phi đội lẻn qua cửa toa hoặc leo lên mui tàu. Chị Nguyệt dặn: Sợ nhất khi qua hầm, đoạn từ ga Kim Liên đến hầm đầu tiên số 14 chỉ cách 2km, phải lẻn nhanh lên mui rồi cúi gập người xuống, sơ sẩy chút là mất mạng. “Qua đèo Hải Vân có đến 6 hầm lận. Tàu lắc mạnh, hầm nhỏ nên phải bám chắc và vững chí”, chị Lan nói thêm.

Chưa đầy nửa tiếng, tàu leo tới đỉnh đèo ga Hải Vân. Không đợi tàu dừng hẳn, cả phi đội nhảy vọt xuống đất, chạy nhanh về các ô cửa toa tàu, tay giơ đủ loại hàng đá mỹ nghệ Non Nước, mực khô, kẹo bánh để chào mời hành khách. Đáp lại họ phần lớn là những cái lắc đầu, xua tay từ chối. Anh Tý lại chạy nhanh về phía đầu tàu, nhớn người lên cửa sổ chào hàng.

“Bán được mỗi hai con sư tử đá, giá 40.000 đồng/cặp, coi như lãi được 5 - 7 ngàn đồng. Hy vọng ra đến Lăng Cô, bán được thêm vài thứ, lãi 20 - 30 ngàn cũng tàm tạm qua ngày”, chị Ánh (43 tuổi, tổ 13) nói.

Ngậm ngùi phận nhảy tàu Chiều, cả xóm 13 xơ xác dưới mái nhà tồi tàn ngay sát mé đường ray. Từng con tàu nổ máy xình xịch, xé toạc không gian yên ả rồi khuất dần về phía núi. Chị Nguyệt ăn bữa cơm muộn, kiểm lại số hàng ít ỏi, đếm mớ tiền lẻ mang sang nhà bà Dung cùng xóm trả tiền đặt hàng.

“Em có tin làm cái nghề này mà đổ nợ không, mình không có vốn nên phải nhờ người ứng tiền mua. Hết mỗi ngày lại đem tiền về thanh toán. Nhiều hôm bị nhân viên tàu phát hiện đánh đá, vứt hết hàng xuống đường. Coi như mất mấy ngày làm ăn”, chị Nguyệt nói.

Chẳng ai ở xóm nhảy tàu tổ 13 nhớ nổi nghề có từ thời nào. Cụ Tư (85 tuổi) vẫn ngày ngày rong ruổi lượm phế liệu ở đường rày nhà ga Kim Liên, nói: Trước đời tôi nghe đâu người dân đã làm rồi.

Giờ già quá tôi đành bỏ, nhưng vài đứa con cháu vẫn phải bám tàu mà mưu sinh. Ở cái xóm này có ai giàu lên từ cái phận nhảy tàu đâu, vậy mà ngày ngày họ vẫn nhảy vì thiếu nghề nghiệp, thất học…

Mỗi mùa biển động, số người nhảy tàu lại đông hơn. Ước chừng vài chục người thâm niên 5 - 7 năm trong nghề trở lên. Chị Nguyệt ngậm ngùi: bám tàu nhảy miết đến khi ngoảnh lại mới biết mình quá lứa lỡ thì. May mà lấy được ông chồng “đồng nghiệp”, có được hai mụn con. Nhiều người trong đội phải gác lại ước mơ vợ chồng vì cuộc sống khó khăn, mưu sinh nguy hiểm.

Anh Tý rùng mình kể lại câu chuyện chấn thương nặng do đập đầu vào lan can cầu đường sắt Nam Ô: “Hơn năm trước vừa nhảy lên tàu chưa kịp né người áp sát vào thân tàu, tôi thấy cả một thanh sắt lan can cầu ngay trước mắt. Tôi cố rướn người vào nhưng vẫn bị chúng đập mạnh vào đầu, thân, chân… Tàu vừa qua cầu, tôi rớt xuống đường. Mấy đồng nghiệp đánh liều nhảy xuống để đưa đi cấp cứu. Chuyện vào ra bệnh viện với đội nhảy tàu là khó tránh khỏi”.

Cái chết của bà Đặng Thị Chín và anh Tám (tổ 13) do nhảy tàu bán hàng rong, đi củi vẫn được các thành viên phi đội nhảy tàu nhớ từng chi tiết. Chị Lan kể: 7 - 8 năm rồi, lúc đó tàu chuẩn bị lao nhanh vào hầm, họ ngồi trên mui không kịp cúi người nên bị cán vào miệng hầm, tử vong. Những trường hợp thương tích kể không hết, chị Lan chỉ tặc lưỡi: ai cũng biết, từng sợ nhưng rồi cứ phải bám và mưu sinh.

Anh Tý kể chuyện bị thương do nhảy tàu
Anh Tý kể chuyện bị thương do nhảy tàu.
 

Khó chuyển đổi nghề

Theo chị Lê Thị Diệu Mân, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc, Hội kết hợp ngành chức năng khảo sát và lên phương án hỗ trợ chuyển đổi cho các chị em phụ nữ làm nghề đu bám tàu, bán hàng rong.

Khoảng gần năm trước, Hội đã liên hệ với Cty thủy sản Bắc Đẩu (Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) tạo việc làm cho gần 40 chị em, ngoài ra hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm cho hơn chục chị em khác. Nhưng rồi giờ họ lại bỏ nghề, trở về với nghiệp nhảy tàu.

Chị Lan lý giải, ngày phường phát động đi làm công nhân, chị em nào cũng hăng hái đăng ký tham gia. Nhưng công việc chế biến thủy sản không quen tay, họ lại tính theo sản phẩm nên mỗi ngày chị em chỉ được chừng 40 - 50 ngàn đồng.

Ngày đầu họ còn đưa ô tô đến đón công nhân, chứ về sau, chị em tự đạp xe gần 20 cây số. Xa quá, thu nhập lại ít, chẳng ai bảo ai từng người quay về bám trụ trên những
đường ray.

Lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho hay: Cái khó là những chị em nhảy tàu lớn tuổi nên ít được nhận làm công nhân. Phường đang rà soát, tìm các nghề phù hợp để hỗ trợ họ chuyển đổi nghề nghiệp, như phụ bán hàng hóa, quán nhậu, giúp việc, buôn bán nhỏ ở các khu chợ…

Đầu tháng 3 tới, phường hỗ trợ một số máy may, xe máy, đồ dùng nuôi dạy trẻ để phụ nữ nghèo nhảy tàu chuyển đổi nghề phù hợp như: may vá, làm xe ôm, trông trẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG