Đạp cội tìm trầm

Tranh thủ sưởi ấm trong rừng
Tranh thủ sưởi ấm trong rừng
TP - Đối mặt cuộc sống khắc nghiệt, tự tìm cách sống sót giữa rừng, kiêng kỵ cả lời ăn tiếng nói... là những gì mà PV Tiền Phong trải nghiệm trong một chuyến cùng “dân cội” (những người đạp rừng chuyên nghiệp) tìm trầm.

> Làng trầm xứ trầm hương

Đời “dân cội”

Bới tung cả cánh rừng để tìm theo dấu trầm
Bới tung cả cánh rừng để tìm theo dấu trầm.
 

Là dân “ngoại đạo”, tôi được ưu ái mang theo chừng 25kg những vật dụng thiết yếu nhất cho một chuyến đi dài ngày nơi rừng sâu núi thẳm.

Những người còn lại trong nhóm phải mang trên dưới 50 kg, từ gạo cơm, thức ăn đồ uống, thuốc men, dao, cuốc, xẻng, võng, bạt...

Chuyến xe đò ì ạch đưa chúng tôi rời thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đầu buổi chiều, ngược đường Hồ Chí Minh nhánh Tây giữa hun hút núi rừng.

Sang, người bạn nối khố và cũng là nhóm trưởng ngồi bên cạnh cẩn thận nhắc lại những kỹ năng cần thiết cho tôi trước khi chính thức thành “dân cội”.

Trời nhá nhem tối, chiếc xe đò dừng lại ở một bản người dân tộc Vân Kiều phía Tây huyện Lệ Thủy. Hai bên đường vách núi dựng đứng thâm u.

Dưới sự chỉ huy của Sang, 4 chúng tôi phải vào rừng ngay để tránh bị người của lâm trường và bộ đội biên phòng bắt gặp. Trong trường hợp đó, rất có thể sẽ bị tịch thu tất cả và phải quay về.

Men theo một con khe cạn, trên tay mỗi người một chiếc đèn pin, chúng tôi mò mẫm tiến sâu vào rừng. Đi chừng hai giờ đồng hồ, cả nhóm được lệnh dừng lại, ăn tạm thức ăn khô mang theo, rồi mỗi người tự tìm nơi mắc võng ngủ qua đêm đợi sáng mai đi tiếp.

Tranh thủ sưởi ấm trong rừng
Tranh thủ sưởi ấm trong rừng.

Đống lửa cháy rần rật từ những khúc gỗ mục làm sáng cả một góc rừng, nhưng cũng không thể xua đi cái cảm giác ớn lạnh trong đêm đầu tiên tôi ở rừng. Tiếng côn trùng kêu rả rích, lá rừng xào xạc làm tôi không tài nào ngủ được.

Sang cũng không ngủ, hình như anh đang lo lắng, toan tính cho chuyến đi khi có thêm một nhân vật “ngoại đạo” trong đoàn.

Ở tuổi 35 tuổi nhưng Sang đã có thâm niên gần 20 năm trong nghề tìm trầm. Gần như không một cánh rừng nào ở dọc dải miền Trung, thậm chí cả rừng Lào, mà Sang chưa đặt chân đến.

Sinh ra, lớn lên trên một hòn đảo nổi nằm giữa sông Gianh, cuộc sống khó khăn buộc Sang phải bươn bả mưu sinh ngay từ nhỏ với không biết bao nhiêu nghề. Như định mệnh, Sang đến với nghề tìm trầm rồi gắn bó cùng nó từ bấy đến nay.

Gần 20 năm, hơn nửa thời gian là Sang sống trong rừng, đã có lúc trúng đậm, nhưng cũng không ít lần trắng tay, bệnh tật... Vợ con Sang vẫn nheo nhóc, nhiều lúc thiếu gạo. Với Sang, rừng là cuộc sống, là nơi để nuôi hi vọng đổi đời.

Cuộc sống nơi rừng thẳm

Sau hai ngày, hai đêm vượt hàng chục dàn đá trơn như mỡ chắn ngang những con suối cạn, thậm chí có lúc đu mình qua những vách núi cheo leo bằng sợi dây rừng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được điểm dừng chân cuối cùng.

Ở đây là một vùng núi đất, nguyên sinh, tán rừng che kín không nhìn thấy ánh mặt trời. Phía bên kia đỉnh núi là nước bạn Lào, nếu không vì sức khỏe của tôi, đoàn sẽ vượt biên giới, cơ hội trúng trầm nhiều hơn.

Một chiếc lán lợp bạt, một bàn thờ trời và một bếp lửa được hình thành ngay bên con suối sau chuyến đi dài. Đó là những gì thiết yếu nhất cho nơi ở của dân tìm trầm.

Giữa rừng thiêng nước độc, dân tìm trầm thường có những luật lệ bất thành văn, mọi người phải nhất nhất tuân theo. Lán trại thường được đóng bên suối, duy trì bếp lửa không bao giờ được tắt, luôn thành kính với sơn thần thổ địa...

Theo Sang, kiêng kị là yếu tố sống còn, tiếng lóng của dân đi rừng cũng xuất phát từ đó mà ra, như: con rắn thì gọi là “con dài”, quãng đường đi được tính bằng “khậu rạ” (rựa), người tìm trầm được gọi là “dân cội”...

Đóng lán ở đâu cũng là một quyết định tối quan trọng. Ngoài thuận tiện cho công việc chính là tìm trầm, thì nơi ở thường phải thuận tiện cho sinh hoạt, tìm kiếm thức ăn, và đặc biệt phải tránh được tai nạn khi gặp những cơn lũ rừng bất ngờ.

Chiến lợi phẩm từ bí quyết bắt chà khé của Sang
Chiến lợi phẩm từ bí quyết bắt chà khé của Sang.

Dân tìm trầm thường chủ yếu mang nhiều gạo, gia vị nêm nấu, một ít thức ăn chỉ để dự phòng, thực phẩm hằng ngày phải tự tìm kiếm ngay trong rừng bằng cách đặt bẫy, giăng lưới...

Vùng rừng chúng tôi sống rất nhiều rau tớn, thực vật thuộc loài dương xỉ dùng để xào với cá khe; cây đoác, gần giống cây cọ, nhưng ở phần ngọn có ruột trắng mềm, nhiều tinh bột có thể nấu canh, hoặc luộc ăn thay cơm trong nhiều ngày.

Người dân bản địa thường chặt ngọn cây đoác, bỏ vào đó một ít men tự chế, sau ít ngày họ có được vài lít rượu, gọi là rượu đoác rỉ ra từ ngọn cây; ở dưới con khe ngay cạnh lán có rất nhiều cá leo và chà khé (cua khe).

Sang kể, ngày xưa dân tìm trầm còn mang cả súng quân dụng và mìn tự chế theo để săn bắt thú rừng. Có không ít nhóm tìm trầm đã dùng súng để giải quyết xích mích, hay cướp hàng của nhau.

Nhưng nay thì rất ít nhóm tìm trầm có súng, họ chỉ mang theo bẫy vòng và lưới bén để săn bắt thú và cá. Bẫy vòng được làm bằng dây phanh xe đạp, đặt ở những điểm mà thú rừng hay đi qua rồi néo đầu dây vào ngọn cây.

Khi con thú vô tình bước chân đụng phải vòng bẫy, ngọn cây bất ngờ bật lên, chiếc bẫy sẽ siết chặt chân con thú. Còn lưới bén, được đan bằng loại cước rất mảnh, có khổ rộng chừng 1m, dài ngắn tùy thích.

Cứ chập tối, mang lưới ra khe, thả ở những vũng nước sâu, tất cả các loài cá dù to hay nhỏ đều có thể vướng vào lưới.

Mỗi nhóm tìm trầm đều hình thành cho mình những bí quyết nhất định để tồn tại lâu dài ở rừng. Với nhóm của Sang, có cách bắt chà khé hữu hiệu nhất.

Trong một lần rửa bát đựng ruốc (mắm tép), bất ngờ Sang thấy rất nhiều chà khé từ hang bò ra để ăn ruốc. Phát hiện này ngay sau đó được áp dụng vào thực tế và thành công ngoài sức tưởng tượng.

Sang nói phải bí mật, nếu không chà khé sẽ bị tuyệt diệt, vì chỉ cần cỡ một bát ruốc cho xuống ở đầu nguồn nước có thể bắt sạch chà khé ở một con khe.

Mò rễ dó

Có mục sở thị mới biết sự tàn phá rừng ghê gớm của dân tìm trầm. Một nhóm vài ba người, ngày này qua tháng khác, họ có thể miệt mài bới tung cả một mái rừng để tìm trầm. Những ngày đầu tiên của một nhóm tìm trầm được gọi là “đạp cội”.

Thực chất là sau khi ổn định lán trại, họ đi lùng tìm những cây dó cổ thụ bị chết rục để khai thác trầm. Bị khai thác đến kiệt quệ, dân tìm trầm ngày nay không mấy hy vọng tìm thấy cây dó mà chủ yếu là họ tìm những điểm người đi trước từng khai thác để khai thác lại (vét xái).

Người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn qua dây leo, bụi rậm và kết cấu của tầng đất họ biết chính xác địa điểm nào đã từng có người khai thác trầm cách đó cả chục năm.

Sau hai ngày “đạp cội” dưới sự dẫn dắt của Sang, nhóm chúng tôi cũng đã tìm thấy điểm khai thác trầm nằm cách nơi đóng lán chừng một giờ đi bộ.

Quang, thành viên trong nhóm nói, dân tìm trầm chủ yếu dựa vào yếu tố may mắn là chính. Có những địa điểm người ta làm đi, làm lại cả chục lần, có nhóm về tay trắng, nhưng có nhóm lại trúng đậm cũng chính ở nơi đó.

Lịch trình của nhóm chúng tôi, ngủ dậy 7 giờ sáng, nấu cơm ăn uống xong là lên đường đến điểm khai thác. Mỗi người một dụng cụ, có thể là cuốc, xẻng, xà beng hì hục đào bới, xới tung đất đá để tìm trầm.

Theo Sang, cây dó có rễ bàng nên đào cũng không sâu lắm, thường là trên dưới 2m, nhưng độ rộng thì vô cùng. Có những rễ cây dó cổ thụ chạy khắp cả mái rừng hàng trăm mét, thậm chí nó vắt từ mái rừng này sang mái rừng khác.

Trầm thực chất là dầu (nhựa) của cây dó, vì một tác động tự nhiên nào đó mà lâu ngày dầu đọng lại ở một hoặc nhiều điểm trên thân hay ở dưới rễ. Trầm có nhiều dạng, đắt và quý nhất là kỳ nam, rồi đến tốc ớt, tốc bông...

Chính vì thế mà khi may mắn đào thấy rễ của cây dó, thì dù có vướng cả tảng đá nặng hàng tấn, hay những cây cổ thụ mấy người ôm cũng phải hất tung bằng được để lần theo dấu trầm.

Để tiết kiệm thời gian, nhóm chúng tôi thường mang theo bữa trưa, ăn vội tại chỗ, rồi làm cho đến khoảng 15 giờ mới dừng công việc.

Trên đường về, mọi người chia nhau tạt qua thăm những điểm đặt bẫy với hy vọng cải thiện bữa chiều. Nếu không may mắn thì sau khi ăn cơm chiều, chờ trời tối mọi người lại chia nhau giăng lưới bắt cá và chà khé phục vụ cho bữa ăn ngày hôm sau.

Những mụn trầm li ti lẫn với đất đá kiếm được sau hơn 10 ngày đào bới
Những mụn trầm li ti lẫn với đất đá kiếm được sau hơn 10 ngày đào bới.

Hơn chục ngày chứng kiến việc miệt mài xới tung cả một mảng rừng mấy ngàn mét vuông, nhóm chúng tôi chỉ tìm thấy những mụn trầm nhỏ li ti lẫn trong đất đá. Cả nhóm quyết định rời lán đi nơi khác.

Dân tìm trầm là vậy, chỉ ra khỏi rừng khi trúng trầm hoặc có người đau ốm, hay hết lương thực.

Lán trại thường được đóng bên suối, duy trì bếp lửa không bao giờ được tắt, luôn thành kính với sơn thần thổ địa... Theo Sang, kiêng kị là yếu tố sống còn, tiếng lóng của dân đi rừng cũng xuất phát từ đó mà ra, như: con rắn thì gọi là “con dài”, quãng đường đi được tính bằng “khậu rạ” (rựa), người tìm trầm được gọi là “dân cội”...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG