Hoàng Sa - tâm thế chủ quyền

Hoàng Sa - tâm thế chủ quyền
TP - Bão đến bất ngờ, một con tàu Trung Quốc không kịp vào bờ nên đã tấp vào đảo trong đêm. Mặc dù lương thực ít ỏi, phải chắt bóp chi li, nhưng tình người trong cơn hoạn nạn đã khiến toàn đảo sẻ chia, cưu mang gia đình Trung Quốc kia cho đến ngày họ xin được tàu trở lại quê hương. Hoàng Sa có bằng chứng chủ quyền, và có cả những tấm tình như vậy.

> Luận điệu khó hiểu trên Thời báo Hoàn cầu

LTS: Bất kể hoạt động xâm lấn, vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, Hoàng Sa vẫn là phần máu thịt thiêng liêng, trường tồn và không thể chia lìa của Tổ quốc. Hoàng Sa mãi gắn bó với người Việt Nam nhờ những bằng chứng chủ quyền không thể chối cãi và cả những tấm lòng bao dung.

Đảo Hoàng Sa, nơi những người Việt Nam từng cưu mang ngư dân Trung Quốc trong bão (ảnh tư liệu)
Đảo Hoàng Sa, nơi những người Việt Nam từng cưu mang ngư dân Trung Quốc trong bão (ảnh tư liệu).

Ông Trần Hòa (59 tuổi, Duy Xuyên, Quảng Nam) mở đầu hồi ức bằng kỷ niệm cứu tàu Trung Quốc năm 1973 giữa đảo Hoàng Sa. Gần 40 năm trôi qua nhưng lần được đặt bước chân đầu tiên lên đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ, với ông vẫn ngồn ngộn cảm xúc.

Trung đội Hoàng Sa cuối cùng

 Hoàng Sa từng cứu tàu Trung Quốc, Hoàng Sa cương cường và bao dung. Vậy mà nơi đảo thiêng giờ lại có hoạt động xâm lấn, vi phạm chủ quyền trắng trợn, phủ nhận lịch sử của những ngư dân Việt từng cưu mang họ .

Ông Hòa thuộc lứa những người ra đảo theo Trung đội Hoàng Sa cuối cùng của Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Chàng trai Hòa lúc đó chưa đầy 20 tuổi, được Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam trao sự vụ ra đảo Hoàng Sa chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho sĩ quan, binh lính thuộc Trung đội Hoàng Sa và các nhân viên khí tượng.

Một chiều tháng 10-1973, con tàu Hương Giang 404 xuất bến từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) ra Hoàng Sa. Ông Hòa kể, đi với ông có Y tá trưởng Hồ Ngọc Trai (người ở tỉnh Thừa Thiên - Huế) và một trung đội Hoàng Sa.

“Hôm đó, đúng ngày biển động, trời nổi gió to nên tàu vừa ra khơi đã bị từng lớp sóng đánh mạnh vào mạn. Mọi người mất ngủ, mệt lả trên con tàu chao đảo mấy ngày trời. Nhưng vừa nhìn thấy bóng dáng đảo sau ánh bình minh, ai cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của biển, mệt mỏi tan biến” - ông Hòa nhớ lại.

Trên đảo, mỗi ngày trôi qua thật bình dị. Sáng dậy tập thể dục, ăn cơm rồi làm việc. Những người thuộc Ty Khí tượng bắt đầu từ 7h với việc bơm bong bóng thả lên không xem tình hình nhiệt độ, thời tiết. Đội xây dựng thì khảo sát, sửa chữa, xây dựng trên đảo Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Văn Cúc kể lại những ngày tháng làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Huy
Ông Nguyễn Văn Cúc kể lại những ngày tháng làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Huy.

Nhân chứng Nguyễn Văn Cúc (60 tuổi, Phước Mỹ, Sơn Trà) trong đội xây dựng, ra Hoàng Sa năm 1973, kể: đợt đó anh em tập trung xây dựng các bể ngầm chứa nước ngọt. Các bể này xây từ Pháp thuộc. Khoảng 20 bể, mỗi bể chứa khoảng một ngàn m3 nước. Nó được xây ngầm chung quanh ngôi nhà để chứa nước mưa từ trần nhà đổ xuống.

Ông Trần Văn Sơn (66 tuổi, Sơn Trà, Đà Nẵng), được biên chế trong Trung đội Hoàng Sa năm 1973 làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên đảo, vẫn nhớ rõ: Trung đội dưới sự chỉ huy của Trung úy Đỗ Công Chương. Mọi người thay phiên nhau trên vọng gác cả ngày lẫn đêm. Trên đảo có tất cả bốn vọng. Mỗi vọng gác phân công một người canh. Mỗi người canh 2 tiếng đồng hồ, luân phiên nhau.

Tình người - tình đảo bao dung

Những khi thiếu lương thực, nước ngọt, mọi người phải uống nước giếng. Ngày nước biển rút, nước giếng còn dễ uống, nếu không uống liên tục 3 ngày sẽ bị đau bụng. Thuốc men không có, chỉ biết dùng đường và sữa để chữa bệnh khi đau. Anh em chia sẻ từng thìa đường, cốc sữa.

Nhân chứng Sơn cũng nhớ lại: Một tháng anh em sinh hoạt một lần theo kiểu lửa trại, rảnh rỗi là nghêu ngao ca hát.

Nhớ nhất với ông Hòa là lần cứu ngư dân Trung Quốc gặp nạn trong cơn bão biển 1973 ngay giữa Hoàng Sa. Mặc dù lương thực sử dụng phải tính toán chi li, nhưng tình người trong cơn hoạn nạn, ai nỡ ăn no để nhìn kẻ bên mình đang đói. Vậy là toàn đảo sẻ chia, cưu mang gia đình Trung Quốc kia cho đến ngày họ xin được tàu trở lại quê hương.

“Hoàng Sa đã từng cưu mang tàu Trung Quốc, Hoàng Sa cương cường và bao dung. Vậy mà nơi đảo thiêng, họ lại có hoạt động xâm lấn, vi phạm chủ quyền trắng trợn, phủ nhận quá khứ, lịch sử của những người từng cưu mang họ” - giọng ông Hòa nghèn nghẹn.

Tứ vị cai đội Hoàng Sa đất kinh thành

Theo ThS. Trần Văn Quyến (giảng viên ĐH Phú Xuân - Huế): Rất khó để xác định thời gian ra đời chính xác của đội Hoàng Sa. Nhưng căn cứ vào các nguồn sử liệu của Việt Nam và Trung Quốc có thể chắc chắn đội Hoàng Sa phải được thành lập ít nhất từ thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687).

Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá viết năm Chính Hòa thất niên (tức năm 1687) đã ghi chép hoạt động đội Hoàng Sa. Đến Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thích Đại Sán (người Triết Giang - Trung Quốc, được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang vùng Thuận Quảng từ 1695 - 1697), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (năm 1776), hay các nguồn tư liệu khác: Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục… đều miêu tả về hoạt động của đội Hoàng Sa.

Tuy nhiên, các sử liệu này cho thấy quê hương của đội Hoàng Sa là cư dân vùng An Vĩnh (gồm Bình Sơn, Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi) ngày nay. Mới đây, qua các tài liệu công bố tại làng An Nong (xã Lộc Bổn, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (TP Huế) và các cộng sự phát hiện cai đội Hoàng Sa không chỉ có người vùng Quảng Ngãi mà đã từng có một vị cai đội gốc kinh thành.

Trong gia tộc họ Nguyễn Hữu, tộc trưởng Nguyễn Hữu Hùng (làng An Nong) cẩn thận lưu giữ tập phổ hệ, các văn bản tờ sai, tờ sắc vị tiền hiền Nguyễn Hữu Niên như một vật báu dòng tộc.

Tại bài thờ đặt hậu điện chùa Tiên Linh cũng ghi: Đại Việt cố hiển linh Hoàng Sa đội Cai đội Hiến Đức hầu quý công chi vị (dịch nghĩa: Bài vị của ngài Cai đội Đội Hoàng Sa tước Hiến đức hầu). Hay bản minh văn khắc ở hồng chung chùa Tiên Linh, cũng ghi: Hội thủ Cai đội Niên Trường hầu Nguyễn Hữu Niên… (dịch nghĩa: Hội thủ là Nguyễn Hữu Niên chức Cai đội tước Niên Trường hầu…).

Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, các tư liệu gốc vừa phát hiện và tập phổ hệ có đoạn chép: Đệ cửu thế Tiên Tổ khảo nguyên tiền thừa thụ Tây triều thượng thị châu ấn Đại Đô Úy, tái thụ Nguyễn triều khai quốc sắc phong Khâm sai Cai đội dinh, Sách Trường hầu Nguyễn Hữu Niên quý công, tam nguyệt thập lục nhật kỵ, mộ táng Cồn Bàng tọa canh hướng giáp,…

Tiên Tổ danh tước do bản xã tự tịnh hồng chung hiện hữu phụng tự minh chí (Đời thứ 9 Tiên Tổ khảo là ngài Nguyễn Hữu Niên trước có nhận của triều Tây Sơn chức Đại Đô Úy, sau đến đầu triều nhà Nguyễn lại nhận sắc phong chức Khâm sai Cai đội tước Sách Trường hầu, kỵ ngày 16 tháng 3, mộ táng tại Cồn Bàng, tọa canh hướng giáp,…

Danh tước ngài Tiên Tổ do chùa bản xã thờ tự và hồng chung khắc ghi), cho thấy, Nguyễn Hữu Niên đời thứ chín họ Nguyễn Hữu làng An Nong, vốn trước là quan chức của triều Tây Sơn, sau đầu triều Nguyễn nhận chức cai đội đội Hoàng Sa.

Các tư liệu gốc cũng liên quan đến vị cai đội Nguyễn Hữu Niên, như: tờ sai của quan Khâm sai Đô thống chế hậu doanh quân thần sách và một tờ sắc của vua gửi cho Cai đội Nguyễn Hữu Niên, ghi: Thập đội Ban trực tả vệ hậu doanh bố trí làm khâm sai cai đội tước Niên Trường hầu... vào ngày 22 tháng 8 năm Gia Long thứ nhất (1802), đóng dấu “Thần sách hậu doanh quan phòng” bằng chữ triện mực đen.

Và tờ sắc của vua gửi Cai đội Nguyễn Hữu Niên quê quán làng An Nong, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, Bát đội Tráng Võ vệ hậu doanh quân thần sách, thuyên chuyển làm hầu lái cai đội tước Niên Trường hầu ban trực tả vệ nội doanh, ghi ngày 25 tháng 11 năm Gia Long thứ nhất và đóng ấn son “Chế cáo chi bảo”.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho hay, theo nhận định ban đầu, cai đội Nguyễn Hữu Niên từng là một vị quan từ triều Tây Sơn, sau sang phục vụ triều Nguyễn.

Thời Tây Sơn, dưới thời Thái tổ Võ hoàng đế Nguyễn Văn Huệ vẫn tiếp tục Đội Hoàng Sa, nhưng do phân tranh từ Quảng Ngãi trở vào thuộc quyền Nguyễn Văn Nhạc nên nhiều khả năng cai đội Hoàng Sa phải lấy những người ở Huế như Nguyễn Hữu Niên.

“Ý nghĩa từ các văn bản này không chỉ khẳng định có vị cai đội Hoàng Sa ở Huế, mà còn chứng tỏ chủ trương bảo vệ chủ quyền biển đảo xuất phát từ chính quyền trung ương ở Huế và người dân đất kinh thành đã trực tiếp tham gia công tác này; chứng tỏ ý thức, trách nhiệm chủ quyền qua các thời kỳ, vùng đất, địa phương khác nhau vẫn được chú trọng phát huy” - ông Phan nhấn mạnh.

Đến Cửu Đỉnh về biển Đông

Chín đỉnh đồng to lớn trong bộ Cửu Đỉnh, hàng trăm năm nay vẫn đặt sừng sững, uy nghi trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn. Cửu Đỉnh được Bộ Công đúc tại kinh đô Huế vào năm 1836 dưới thời Minh Mạng. Mỗi đỉnh được đặt đối diện với một gian thờ trong tòa miếu.

Theo nhà Nghiên cứu Phan Thuận An (TP Huế): người ta mới chỉ nhìn Cửu Đỉnh ở góc độ nghệ thuật, lịch sử các hình nét chạm khắc tinh vi, nhưng ít người biết rằng đây cũng chính là “bằng chứng” không thể chối cãi, thay đổi về chủ quyền biển Đông của dân tộc Việt Nam.

Ông An nói: ngoài hơn 150 hình ảnh chạm khắc xung quanh hông các đỉnh thể hiện một cách khái quát các sản vật, cảnh vật, địa danh của Tổ quốc, bao gồm núi sông, lãnh hải, cửa biển, cửa ải, động vật, thực vật, binh khí, xe thuyền...

Đáng chú ý nhất là hình ảnh biển Đông được chạm khắc tại 3 đỉnh quan trọng nhất, mỗi đỉnh tượng trưng cho một vị vua triều Nguyễn: Cao Đỉnh (Gia Long), Nhân Đỉnh (Minh Mạng) và Chương Đỉnh (Thiệu Trị).

“Cửu Đỉnh chẳng khác nào bộ tư liệu bằng đồng, có thể coi đó là một bản kiểm kê tài sản quốc gia vào đầu thế kỷ 19, xứng đáng được đưa vào hồ sơ biển Đông của Việt Nam để đấu tranh ngoại giao trên trường quốc tế” - ông An nói.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.