Bị giam trên đất liền

Bị giam trên đất liền
TP - Shiuh Fu No1 mắc cạn, cướp biển Somalia buộc 26 thủy thủ phải rời tàu và đưa vào một ngôi nhà hoang giam giữ tại đó. Bị đối xử quá thậm tệ, một con tin đã đào 2 cái huyệt: Một dành cho mình, một dành cho hải tặc.

> Kỳ 4: Ba ngày bị giam trong chuồng dê

Các thủy thủ trong sự sẻ chia của người dân quê mình
Các thủy thủ trong sự sẻ chia của người dân quê mình.

Ám ảnh Shiuh Fu No1

Với những thủy thủ đánh cá bị cướp biển bắt giữ, Shiuh Fu No1 trở thành một ám ảnh, một thương đau trên hành trình 8 tháng phiêu dạt giữa trùng khơi. Trở về nhà, những thủy thủ từng gắn bó với Shiuh Fu No1 vẫn đau đáu mỗi lần nhắc tên nó.

Giờ đây, ngồi trước gió biển lồng lộng, 4 thủy thủ từng bị bắt làm con tin kể cho chúng tôi nghe những ngày họ bị giam cầm trên đất Somalia, khi tàu sa vào bãi đá ngầm, mắc cạn.

Nguyễn Văn Hải nói: “Việc đưa tàu vào bãi đá ngầm thả neo là một quyết định ngu ngốc. Shiuh Fu No1 sa lầy là đương nhiên. Để cứu vãn, bọn cướp nổ máy, ra sức lùi tàu, nhưng chân vịt càng khuấy nước, thân tàu càng ngập sâu hơn. Bó tay. Chúng phải bỏ cuộc, lùa con tin lên bờ. Anh em chúng tôi trở thành những cửu vạn bất đắc dĩ”.

Dưới trời nắng chang chang, các con tin mình trần trùng trục đánh vật với Shiuh Fu No1. Họ được lệnh phải tháo rời từng bộ phận máy móc, cái nào nhẹ thì ba bốn người khiêng lên bãi, cái nào nặng thì dùng cẩu mang vào đất liền. Xong xuôi, bọn cướp lắp ráp các bộ phận thành chiếc máy hoàn chỉnh. Nếu không dùng để phát điện, cướp Somalia bán máy đi để kiếm tiền.

Lúc quần quật với phao, với câu, với ngư cụ đánh cá ngừ đại dương, anh em thủy thủ chỉ trông đợi được vào đất liền “xả hơi”. Giờ tàu mắc cạn, bị xua lên bờ, ai cũng lo lắng. Điều gì chờ đợi ở phía trước? Tiếp tục bị giam cầm, bị đánh đập, hay sẽ bị thủ tiêu? Không ai đoán định được.

Nhìn ra đại dương, một màu nước xanh thẳm đến vô cùng. Nắng rợn người. Gió thổi âm u. Gần hơn, các con tin nhìn thấy rõ hàng trăm chiếc tàu neo gần bờ, đó là những con tàu xấu số sa vào khu vực hải tặc kiểm soát, bị cướp biển Somalia giăng bẫy, bắt cóc. Xa xa, có một ngôi làng nghèo nàn, người qua lại thưa thớt.

Đoạn cuối cuộc hành trình, tàu Shiuh Fu No1 nằm trơ trọi trên một vùng hoang vu. Máy móc đã bốc đi hết, con tàu trơ khung. Nó sẽ mau chóng bị biển mặn ăn mòn, khí hậu khắc nghiệt làm cho hư hỏng, rã rời.

Hồ Xuân Hương, chàng thủy thủ có khuôn mặt đượm buồn ngoái nhìn Shiuh Fu No1 lần cuối. Theo chân đồng nghiệp và đi trước họng súng, anh lặng lẽ bước vào một ngôi nhà hoang.

Chín tháng không biết mùi thịt, cá

Chẳng giống một ngôi nhà. Bốn phía tường rệu rã, đổ ngổn ngang, giữa chỉ còn trơ lại mấy cái cột và trên mái là cả bầu trời. Nắng xối chan chan, gió lùa khô khốc, chẳng ai có thể sống trong “căn nhà” ấy dù chỉ một ngày.

Bọn cướp, sau một ngày lục tìm trong làng mạc quanh đó, mang đến vài tấm bạt rách nát, căng lên làm mái che. Một vài lỗ thủng được bọn chúng dùng váy che lại. Cướp Somalia chẳng mấy tên mặc quần, đa số mặc váy.

Thủy thủ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Quang Long
Thủy thủ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Quang Long.

“Suốt 9 tháng ròng như thế, cho đến khi được giải cứu”, thủy thủ Trần Minh Trí (xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu) nói. Gạo dự trữ chẳng còn, ngày hai bữa phải ăn cơm do bọn cướp mang đến: Những bát cơm màu đen thui, hôi, cứng như củi, lẫn rất nhiều sạn. Ban đầu, không ai nuốt nổi, có người ăn xong lại nôn thốc nôn tháo. Nhưng rồi cũng cố mà nhai. Nhạt mồm nhạt miệng, không mì chính, không muối, không thịt, không cá. Ngày nào cũng thế. “Ăn uống kham khổ, ai nấy gầy xọp đi, có người sụt hơn 10kg”, Nguyễn Văn Hải kể. Nhiều khi, con tin thèm một ngụm nước biển. Dù sao, trong nước biển cũng có muối.

Thỉnh thoảng, bọn cướp lại lùa mọi người đi xúc cát, đào giếng tìm mạch nước. Sức cạn, cầm cái thuổng không nổi, những thân người đổ vật ra như cây chuối.

“Nổi máu điên, cướp Somalia lại trói người, đánh đập. Sợ nhất là kiểu trói con tin như trói lợn của bọn chúng, hai tay hai chân bẻ ra phía sau, khiến kẻ bị trói hết đường giãy giụa, nằm chỏng gọng trên đất”, Hải nói.

Chúng luân phiên nhau bồng súng đứng canh bốn phía, không ai được ra ngoài. Có những đứa trẻ mươi, mười ba tuổi mặt búng ra sữa cũng ôm súng thay cha, thay chú của chúng đứng canh chừng con tin.

Con tin ăn uống kham khổ như vậy, bọn cướp cũng chẳng khá gì hơn. “Có lẽ chúng khổ nên mới đi cướp, nhưng càng đi ăn cướp, không chịu lao động nên bọn nó càng khổ, đời cha cho chí đời con”, Hải nói. Món chúng khoái khẩu nhất là… đường. Hòa nước đường uống hằng ngày, đường trộn cơm.

Các thủy thủ chứng kiến khoảng chục tên cướp sử dụng hết 10kg đường chỉ trong vài ngày. “Cướp Somalia là những kẻ ngốn đường nhiều nhất thế giới”, thủy thủ Trần Minh Trí hài hước.

Bọn cướp biển thường sử dụng một loại lá cây để ăn hằng ngày: “Hình như trong loại lá này có chất kích thích, hải tặc hằng ngày nhai ngọn lá cây, chiêu với nước đường. Nhờ đó mà chúng có thể thức trắng đêm vẫn không thấy mệt mỏi” - Hải nói, có lần anh nhìn thấy một toán cướp tranh giành nhau loại lá này mà xảy ra mâu thuẫn, vác súng bắn nhau chí tử.

Đào huyệt định chôn sống hải tặc

“Bị đối xử thậm tệ, cùng đường, anh em thủy thủ muốn tấn công cướp biển, giải thoát mình. Nhưng trong tay chẳng có tấc sắt, giữa vùng đất của cướp biển, thoát rồi chẳng biết trốn chạy nơi đâu. Biển thì mênh mông, đất đai thì khô cằn, trốn được rồi cũng chết đói chết khát, bỏ mạng dọc đường”, thủy thủ Hải kể.

Thủy thủ tàu Shiuh Fu No1 Nguyễn Văn Hải
Thủy thủ tàu Shiuh Fu No1 Nguyễn Văn Hải .

Trong khoảnh đất vài chục mét vuông ấy, không điện thắp sáng, không thuốc kháng sinh, mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn. Nhiều con tin kiệt sức.

“Cố lên anh em, nhất định chúng ta sẽ được giải thoát khỏi hang ổ hải tặc”, anh em thủy thủ vẫn nuôi hy vọng, động viên nhau. Niềm tin về sự sống và phép màu sẽ đến giúp thủy thủ gượng đứng lên.

“Phản ứng trước sự đối xử tàn khốc của hải tặc Somalia, một thủy thủ con tin của tàu Shiuh Fu No1 đã đào hai chiếc hố: Một dành cho mình, một dành cho cướp biển”, thủy thủ Lưu Đình Hùng (Nghi Lộc, Nghệ An) kể.

Hành động liều lĩnh của con tin lần này tỏ ra hiệu quả, khiến cướp biển chùn tay. Số vụ hành hung, đánh đập con tin giảm dần. Khoảng tháng 5-2012, toán hải tặc chuyển 26 con tin vào sâu hơn trong đất liền, giam lỏng dưới một lùm cây…

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.