Đi tìm nơi quả bom CBU-55 rơi

Đi tìm nơi quả bom CBU-55 rơi
TP - CBU – 55, loại bom có sức sát thương kinh khủng và bị thế giới cấm sử dụng, đã được quân đội Sài Gòn ném xuống Đồng Nai vào tháng 4 – 1975. Đây là sự kiện chấn động thế giới, nhưng địa điểm cụ thể của nó ở đâu, đến nay không ai biết. Phóng viên Tiền Phong đã trở lại Xuân Lộc tìm chứng tích.

Không khỏi ngạc nhiên khi với một thứ vũ khí chỉ được xếp sau bom hạt nhân về mức sát thương, lại không có địa chỉ điểm rơi cụ thể tại Xuân Lộc – Đồng Nai. Có thể cuộc điều tra của chúng tôi đem lại kết quả?

Bom CBU-55 trưng bày tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh TPHCM. Ảnh: T.N.A
Bom CBU-55 trưng bày tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh TPHCM. Ảnh: T.N.A.

“Giải pháp kỹ thuật”

Tại cuộc họp báo về cuộc hội thảo nhân 37 năm chiến thắng Xuân Lộc với chủ đề “Mặt trận hướng Đông - từ Chiến dịch Xuân Lộc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, được tổ chức ở TPHCM vào đầu năm 2012, tôi được nghe nhiều ý kiến bên lề về quả bom CBU-55 mà chính quyền cũ đã thả xuống trận địa quân giải phóng.

Sau 37 năm hòa bình thống nhất, có vẻ như đến lúc những sự thật lịch sử cần được “giải mã” để đảm bảo rằng không một sự hy sinh mất mát nào bị lãng quên.

Các cán bộ và cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai thậm chí gửi một danh sách nhân chứng cho tôi vào hộp thư điện tử, nhưng tiếc rằng không có số điện thoại và địa chỉ cụ thể.

Sách “Ký ức 12 ngày đêm lịch sử” của NXB Đồng Nai 2010 viết: “Trong chiến dịch này địch đã sử dụng bom CBU- 55 (Cluster bomb units). Theo tác giả Mỹ Joseph A.Amter thì khi quân ta tiến công Xuân Lộc, đại sứ Mỹ Martin và tướng Smith ở tổ hợp DAO đã quay trở lại giải pháp kỹ thuật và trao cho quân đội Sài Gòn 2 loại vũ khí mới chưa từng sử dụng ở Việt Nam”.

Trong tham luận tại hội thảo về chiến thắng Xuân Lộc được tổ chức vào mùa xuân 2012, đăng lại trên báo Quân đội Nhân dân với tựa đề: “Giá trị tinh thần của chiến thắng Xuân Lộc đối với quân và dân ta trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng viết: “Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn được Mỹ cho phép đã sử dụng máy bay C -130 ném hai quả bom CBU -55 (loại bom có sức hủy diệt lớn, thế giới cấm sử dụng) để ngăn chặn ta tiến công, gây cho ta nhiều
thiệt hại”.

Vậy bom CBU-55 là loại vũ khí gì?

Bom tàng hình

Tôi tìm tới Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TPHCM nơi hiện trưng bày hiện vật bom CBU-55 thu được của chế độ cũ.

Có 3 vỏ bom CBU-55 trưng bày ở một góc bên ngoài bảo tàng. Những quả bom này hình thù đặc biệt. Nom chúng không có gì dữ dằn nặng nề như những trái bom thông thường.

Với vỏ bọc khá mỏng, kiểu dáng thon dài, kích thước cũng không lấy gì làm lớn lắm, bom không gây tử vong bằng miểng mà bằng việc đốt hết oxy trong không khí gây ngạt trên phạm vi lớn.

Các chỉ số mà bảo tàng đưa ra: “Bom CBU- 55. Bom chùm. Dài 2,3m, đường kính 0,36m, trọng lượng 235 kg, chứa 3 bom con BLU-73. Mỗi bom con có trọng lượng 45 kg, tạo nguyên liệu hỗn hợp, khi kích nổ tạo đám mây xon khí. Bán kính sát thương 500m. Được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1972 tại Quảng Trị”.

Từ điển mở Wikipedia đã mô tả bom CBU-55 là “vũ khí phi hạt nhân khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của Mỹ”.

Thạc sĩ Trần Hữu Huy, công tác tại Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cung cấp cho tôi những nghiên cứu của anh: “Nó là một loại bom chùm khổng lồ chứa nhiều bom hơi. Khi bị chạm, nó sẽ nổ và tung các bom hơi ra tứ phía. Hầu như ngay tức khắc, các bom hơi sẽ nổ, gây thành một cơn bão lửa trong vùng mục tiêu. Khả năng sống sót sau khi một trái bom CBU-55 bị nổ là hoàn toàn không có”.

Bom CBU – 55 không văng miểng, không để lại hố bom trên mặt đất mà nó gây nổ trên không, bom cũng không gây ra vết thương nào trên con người mà chỉ phá hủy hệ hô hấp và não bộ do phản ứng đốt cháy oxy.

Tìm kiếm “vô vọng”

Tìm về chiến trường năm xưa tôi thấy phần lớn địa hình địa vật đã bị chiến tranh và thời gian làm thay đổi so với miêu tả trước kia. “Cánh cửa thép” mở vào thị xã, giờ là một cái ngã ba đang được xây dựng với cái chợ tạm.

Tôi liên lạc với anh Thân, cán bộ công tác ở Hội Cựu chiến binh của thị xã. Anh nói: “Chưa xác định được tọa độ quả bom".

Một sự kiện lịch sử được các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài quan tâm nhiều, nhưng theo thời gian nó đang dần phai mờ. Tôi quyết định ở lại thị xã, bởi dù trái bom rơi ở đâu thì tiếng nổ của nó trong lòng người dân Xuân Lộc vẫn còn đó.

Tra cứu tài liệu trên internet thì thấy nói trái bom CBU-55 đã được thả xuống ấp Bảo Vinh hoặc xã Bảo Vinh. Tôi đã tìm tới xã Bảo Vinh và gặp ba cán bộ xã, trong đó có chủ tịch xã. Cả ba người đều nói: “Chúng tôi lớn lên sau này, không rõ sự việc bom rơi như thế nào nên không dám phát biểu”.

Tháng 12 tới xã sẽ nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, nhưng việc xác định quả bom CBU-55 có rơi trên địa bàn xã hay không lại chưa thể kết luận.

Xã giới thiệu tôi liên lạc với anh Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc thị xã Long Khánh vì anh Hoàng từng chiến đấu ở khu vực xã Bảo Vinh.

Anh Hoàng nói: “Việc địch thả bom CBU-55 xuống thị xã là có thật. Lúc đó báo đài ta phản đối mạnh mẽ việc Mỹ ngụy sử dụng trái bom cấm. Nhưng vị trí chính xác tọa độ bom rơi ở đâu, hiện còn nhiều ý kiến chưa thống nhất”.

“Điện Biên Phủ” của miền Nam

Sáng hôm sau, tôi ghé vào Ban Tuyên giáo của thị xã Long Khánh, gặp anh Phạm Văn Hoàng,
trưởng ban.

Anh Hoàng giới thiệu tôi gặp ông Võ Thành Dương, tức Hoàng Phi Hổ, tên thường gọi là Tư Hổ, sinh năm 1929, nguyên là Bí thư huyện ủy trong thời kỳ xảy ra sự việc.

Ông Tư Hổ lưu trữ nhiều tư liệu về chiến tranh. Trong chiến dịch Mùa xuân 1975 là chỉ huy trưởng khu vực phía bắc quốc lộ gồm các xã Dầu Giây, An Lộc, Bình Lộc, Tân Lập.

Ông nói cuộc chiến đấu 12 ngày đêm từ 9 – 4 đến 21- 4 - 1975 ở Xuân Lộc là “Cuộc chiến đấu dữ dội nhất trong chiến dịch Mùa xuân 1975. Có người gọi đó là trận Điện Biên Phủ thứ hai”.

Nhưng khác với Điện Biên Phủ, trước sức tấn công không thể kháng cự của quân giải phóng tại cứ điểm Xuân Lộc, chính quyền Sài Gòn đã không ngần ngại dụng vũ khí hủy diệt là bom CBU-55.

Ông Tư Hổ kể: “Chính tôi đã phát hiện địa điểm quả bom rơi là tại dốc C vào hôm sau khi sự việc xảy ra”.

Ông nói thêm: “Vài hôm sau, tôi nhận được báo in chuyển ra từ Sài Gòn, một tờ báo của chính quyền cũ đã nói rõ về việc quân Sài Gòn thả bom CBU vào Xuân Lộc để chặn quân giải phóng. Tôi đã linh cảm đây là sự kiện lịch sử cần được lưu trữ nên đem tờ báo trực tiếp nộp cho đồng chí Lê Văn Ngọc lúc ấy là quyền Tư lệnh Quân khu 7 lưu trữ. Tiếc rằng đồng chí Ngọc đã qua đời”.

Khốc liệt dốc C

Lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe một nhân chứng nói về địa điểm cụ thể mà quả bom đã rơi xuống. Ông Tư Hổ nhắc đến hai chữ “dốc C”.

Nhân chứng, bác Lê Hữu Thách (trái) và bác Tư Hổ trên dốc C
Nhân chứng, bác Lê Hữu Thách (trái) và bác Tư Hổ trên dốc C.

Tiếp đó, tôi đã gặp ông Lê Hữu Thách. Tháng 4 - 1975, ông Thách là quyền chính trị viên phó thị đội Long Khánh.

Ông Thách kể: “Bom được thả xuống dốc C. Đài của ta đã đưa tin đề nghị quân và dân cảnh giác với vũ khí hóa học của địch. Trong khi đó, các đơn vị anh em hướng dẫn nhau bôi dầu thơm và nước tiểu lên mặt khi địch thả vũ khí hóa học”.

Ông Thách nói thêm: “Chỉ tiếc rằng các chiến sĩ trong vùng trái bom rơi đã không kịp nghe những bản tin ấy để đề phòng”.

Miêu tả về việc ném bom CBU-55 xuống Xuân Lộc ngày 22-4-1975, trong cuốn sách của mình, tác giả Alen Dowson cho biết: “Ở độ cao 6.000m, cánh cửa vỏ sò ở đuôi máy bay mở ra. Cái dù thăng bằng đeo quả bom rơi vào không trung... Với một tiếng rền nghe có vẻ dồn nén kỳ lạ, và một quả cầu lửa khổng lồ bùng lên. Phi hành đoàn kinh sợ nhìn xuống...” (Alen Dowson: 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, Trung tâm Thông tin Khoa học và Kỹ thuật quân sự sao lục, 1985, tr.77- Tài liệu của Thạc sĩ Trần Hữu Huy).

Ông Tư Hổ mô tả: “Hôm đó, tôi cùng một đồng chí nữa đi kiểm tra tình hình chiến trường. Ngang dốc C gần sở cao su, tôi thấy một vùng rộng lớn khoảng nửa cây số vuông cây cối đổ rạp, lá cây khô héo, khung cảnh tan hoang vô cùng kỳ lạ. Tôi dừng xuống kiểm tra và lập tức báo cáo cấp trên”.

Ông Thách thì nói: “Vị trí quả bom rơi là ở cua C, hay còn gọi là dốc C trên đường vào sở Bình Lộc. Bây giờ thuộc xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh. Đây là nơi quân chủ lực của ta ém quân. Dốc C rất sâu, như một công sự tự nhiên khá an toàn, cây cối rậm rạp. Lúc đó tôi nghe bộ đội báo là lực lượng địa phương chuẩn bị đón 500 thương binh sau khi quả bom được thả. Anh em được đưa về khu vực vườn Mít, nằm ngổn ngang…”.

Trong một bài nghiên cứu, thạc sĩ Trần Hữu Huy cho biết: “Theo nhiều nhân chứng, những người bị chết bởi bom CBU-55 trông thần sắc nhợt nhạt, tai, mũi bị chảy máu, mặt tím bầm, miệng sủi bọt...”.

Bản thân ông Thách, dù ở cách dốc C khoảng vài cây số theo đường chim bay nhưng ông cho biết “cảm thấy khó thở”.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG