Trích đoạn chuyện đánh - đàm Ba Lê (Kỳ cuối)

Trích đoạn chuyện đánh - đàm Ba Lê (Kỳ cuối)
TP - Cú điện thoại khuya khoắt vào một đêm đã xa giờ nghĩ lại còn hơi bị bàng hoàng chống chếnh. Một nhân chứng sát sạt cụ thể gần như từng ngày của cuộc hòa đàm Ba Lê không còn nữa...

> Bài 2: Ủy ban giải Nobel đã sai lầm đáng tiếc
> Trích đoạn chuyện đánh - đàm Ba Lê

Cuộc gặp bí mật

Người mà có lẽ ai cũng nhìn thấy, đã đành chả biết mà cũng thoáng quên ngay mỗi khi ngó đến bức ảnh chụp có khi ba người, khi nhiều người bên cạnh Cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger, người mà cả hai đều cần.

Không hiểu sao tôi nghĩ ngay căn nhà như lọt thỏm trong hẻm nhỏ gần Văn Miếu. Và đến cái kính hơi bị lạ của ông trong căn phòng bề bộn sách vở. Nó na ná như thứ kính lúp.

Dày quá đít chai. Độ dày ấy mới có sức soi, phóng lên những hàng chữ li ti trong một tài liệu hay cuốn từ điển. Năm ấy ngoại thất tuần, mắt ông đã kém tợn.

Nhưng không ngày nào rời bàn, trừ những ngày ốm mệt. Ông chăm, ham việc lắm. Vẫn viết lách biên dịch theo những com măng nào đó của Bộ Ngoại giao.

Thuở ấy mắt ông Nguyễn Đình Phương còn tinh dù đã phải mang kính cận. Nguyễn Đình Phương, cái tên như "lọt thỏm" trong bể sự kiện cuộc hòa đàm Ba Lê.

Cũng phải thôi, hình như ít khi "sử" chép người phiên dịch trong những sự kiện trọng đại!? Ông không chỉ là phiên dịch mà còn là người trực tiếp chứng kiến một sự kiện hiếm hoi trong những trang sử ngoại giao kiệt xuất của nước Nam ta: Phiên dịch chính cho những cuộc đàm phán những cuộc gặp riêng giữa Xuân Thuỷ và Harriman và sau đó là các cuộc gặp riêng giữa Lê Đức Thọ và Kissinger suốt từ năm 1968 cho đến mùa xuân năm 1973!

Đặt chân đến kinh thành ánh sáng, hồi ấy ông mới ngoại tứ tuần cao lớn đường bệ, nhiều người nhầm ông là người ngoại quốc bởi có những nét hao hao...

Buổi trưa 3-6-1968 đến Paris, buổi chiều báo France Soir (Nước Pháp buổi chiều) có bài tường thuật trong bộ quần áo giản dị, ông Lê Đức Thọ có nụ cười của La Joconde...

Và đến Paris, ông mới biết bên cạnh diễn đàn chính của Hội nghị Paris, một diễn đàn mới bí mật đã xuất hiện. Đó là các cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Mỗi bên chỉ một hai người , địa điểm gặp thường xuyên thay đổi và tuyệt đối giữ bí mật!

Người phiên dịch cao niên dẫn tôi về với cuộc gặp bí mật ngày 21-8-1968 giữa Xuân Thuỷ, Lê Đức Thọ với Harriman mà ông là phiên dịch chính sau 18 phiên họp công khai và 4 cuộc tiếp xúc riêng.

Đối diện Xuân Thuỷ, Lê Đức Thọ là Harriman nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ nổi tiếng, là người thương lượng sành sỏi. Ấn tượng nhất là Bộ trưởng Xuân Thuỷ lúc nào xuất hiện và tất cả mọi trường hợp là nụ cười luôn nở rất tươi nhưng hôm đó nụ cười của Bộ trưởng đã tắt sau cú đấm đánh thình xuống mặt bàn.

Đó là khi Harriman đơn phương đòi có đại diện của Sài Gòn trong đàm phán. Khi bị từ chối thẳng thừng, Harriman đã dọa bom sẽ lại rơi trên đầu các ông! Xuân Thủy mặt nghiêm, giọng đanh lại "Ông dọa đấy à? Ném bom trở lại à? Chúng tôi sẵn sàng đánh lại!".

Lê Đức Thọ bình tĩnh hơn "Ông dọa bằng chiến tranh không được đâu! Chúng ta đã đánh nhau nhiều năm rồi còn lạ gì nhau...". Harriman ngồi lặng đi một lát rồi lẩm bẩm: "Tôi rút cái câu nói bom lại rơi trên đầu các ông...".

Người lính già đã qua 5 năm đánh và đàm ở "mặt trận" ngoại giao Paris ấy nở một cái cười sảng khoái... cặp Lê Đức Thọ - Xuân Thuỷ quả là lợi hại. Lúc Xuân Thuỷ "nhu" thì Lê Đức Thọ "cương" và ngược lại.

Lê Đức Thọ đa phần là "cương", nhưng cái cương không bao giờ bị gẫy vì đúng lúc vì có lý!". Tôi hỏi ông, Lê Đức Thọ "cương” như thế nào, thì ông cười, chậm rãi, có người nói Lê Đức Thọ gặp Kissinger là ngang sức ngang tài, nhưng có lẽ Kissinger đã đánh giá nhầm Lê Đức Thọ như sau này trong hồi ký mà ông ta đã viết...

Nói đến đây, ông lật cho tôi một trang "Thêm một lần nữa tôi đã đánh giá thấp Lê Đức Thọ. Ông có lối nhào lộn ngoại giao duyên dáng. Ông không hề lay chuyển trong cách định nghĩa khu phi quân sự..." và "Tóc hoa râm, đường bệ...

Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán hoặc marông đôi mắt to và sáng ít khi để lộ sự cuồng tín đã thúc đẩy ông hồi 16 tuổi đi theo phong trào du kích cộng sản chống Pháp...

Lê Đức Thọ tiếp tôi với một sự lễ phép có khoảng cách của một người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một kiểu lễ phép gần như hạ cố...".

Có một chi tiết chắc Kissinger không ghi vào hồi ký là ngón tay đeo nhẫn của Lê Đức Thọ cứ bóng sáng và nổi bật lên chiếc nhẫn gò từ mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc! Ông đang tâm sự với tôi ấn tượng về cái ngày mồng 8-1-1973 khi bàn đàm phán Paris được nối lại sau trận Điện Biên Phủ trên không.

Như mọi người đã biết, sau cú lật lọng của Mỹ nên Hiệp định đã hoàn tất ngày 20-10-1972 đã không được ký kết. Mỹ muốn xóa bỏ Hiệp định và ý đồ bắt ta phải thay đổi nhiều điều khoản bằng việc bất ngờ dùng B52 tập kích Hà Nội, Hải Phòng.

Trong 12 ngày đêm ác liệt máu lửa ấy, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã có mặt trong căn hầm đặc biệt ở ngay trong sân rồng ở Điện Kính Thiên cùng làm việc với Bộ Chính trị... Ba ngày đêm liền Cố vấn bị sốt cao.

Cơn thịnh nộ của ông Thọ

Ông Lê Đức Thọ và Kissinger ở Saint-Nom-La-Breteche, Pháp tháng 6-1973. Người mang kính đứng sát ông Thọ là Nguyễn Đình Phương. Ảnh: Getty Images
Ông Lê Đức Thọ và Kissinger ở Saint-Nom-La-Breteche, Pháp tháng 6-1973. Người mang kính đứng sát ông Thọ là Nguyễn Đình Phương. Ảnh: Getty Images.

Trở lại Paris sáng 8-1-1973 trên đường đến chỗ họp ở Gifsur Yvette, Cố vấn Lê Đức Thọ kéo ông ra một góc: "Hôm nay toàn đoàn ta không thèm ra cửa đón đoàn Mỹ như thông lệ nữa. Và hôm nay mình sẽ nói mạnh đấy. Mình nói thong thả và cậu cố dịch theo đúng tinh thần".

Dù đã được dặn trước và đã trực tiếp chứng kiến hàng chục lần Lê Đức Thọ "cương" (quyết liệt, dai dẳng, kiên trì và cả nổi nóng.

Chắc đối phương cũng không ít lần nhầm vì Lê Đức Thọ với sắc mặt bừng đỏ! Ông Cố vấn vốn bị huyết áp cao, nhiều lần đoàn ta thảo luận trong phòng mật anh em đã phải tắt điều hoà mở cửa ra và thường bàn những thứ "đại sự" ở ngoài trời lúc đi dạo) nhưng chưa bao giờ ông thấy Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trút cơn thịnh nộ lên đối phương như buổi sáng xuân Paris ấy! Lừa dối, ngu xuẩn, tráo trở, lật lọng...

Thôi thì đủ cả! Kissinger, "đạo diễn" chính của cuộc thảm sát bằng B52 với dân lành Khâm Thiên, An Dương... chỉ biết cúi đầu đứng nghe.

Mãi sau ông ta mới lắp bắp: "Tôi có nghe thấy những tính từ... Tôi xin không dùng những tính từ đó ở đây. Xin ông Cố vấn nói khe khẽ thôi không các nhà báo ngoài kia nghe được lại đưa tin là ông mắng chúng tôi!".

Kissinger một lần đã tò mò hỏi Lê Đức Thọ trong mấy phút nghỉ giải lao: "Bây giờ ông Cố vấn đàm phán với tôi, nói như mắng tôi. Thế còn sau này kết thúc đàm phán chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình rồi, ông Cố vấn mắng ai? Ngài có mắng cán bộ của mình như mắng tôi không?".

Lê Đức Thọ điềm nhiên: "Xin Ngài chớ nặng lời lúc tôi trình bày với Ngài. Tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Cán bộ của tôi có quay quắt lật lọng tráo trở đâu mà tôi phải mắng!".

Tôi hỏi người lính già trong trận đàm đánh ở Paris ấy, cuộc nào là "căng" nhất thì ông cười "cuộc nào mà chả căng! Anh em trong đoàn đàm phán nói vui là đoàn có ông Sáu Thọ, thọ là lâu dài lại có ông phó đoàn Hà Văn Lâu, cũng là lâu dài nên nhiệm vụ ở Paris phải là trường kỳ kháng chiến?!".

Nhưng có một cuộc, theo ông là "căng" nhất. Đó là phiên hai bên soạn thảo những điểm cơ bản trong Hiệp định, vào ngày 11-10-1972. Từ 9 giờ sáng 11 kéo một mạch đến 2 giờ sáng hôm sau mà như Kissinger đã ghi trong hồi ký "nói là thương lượng một mạch 16 giờ liền nhưng trên thực tế là 22 giờ đồng hồ".

"Quân" của cả hai bên thi thoảng phải ra ngoài dùng cà phê đặc hoặc hút thuốc, nhưng, Lê Đức Thọ trừ những lúc đi vệ sinh, liên tục ngồi đấu lý với Kissinger!

... Căn phòng ngủ kiêm nơi làm việc tiếp khách của người lính già trong trận đánh - đàm Paris năm ấy có vẻ hơi bề bộn. Các loại sách tài liệu, thứ tiếng Anh, thứ tiếng Pháp từ trên giá tràn xuống, đậu chi chít trên hai chiếc ghế lớn ghép lại được coi là bàn.. Lọt thỏm trong đám sách vở giấy tờ là chiếc máy chữ chuyên gõ tiếng Anh kiểu cổ chỉ bằng khổ chiếc điện thoại để bàn.

Thứ bề bộn của những người lấy sự mê say công việc làm trọng và thứ nữa, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người vợ thân yêu... Xong Hội nghị Paris, ông về công tác ở Bộ Ngoại giao.

Đang ở cương vị Vụ trưởng Tây Bắc Âu, ông được kiêm thêm chức bằng việc làm đại sứ kiêm nhiệm ở các nước Bắc Âu gồm Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy, Iceland...

Giữa những năm 1980, ông về đưa vợ sang theo tiêu chuẩn vì bao năm vợ chồng ông cứ biền biệt... Vợ ông bảo chồng cứ sang trước còn mình thu xếp việc nhà ít bữa nữa sẽ qua.

Có ai ngờ một trận cảm nặng đã cướp mất bà. Từ ấy đến lúc về hưu năm 1992, ông cứ vò võ như thế. May mà tổ ấm của 4 người con, hai trai với hai gái cùng 7 đứa cháu đã giúp ông trụ lại trong cái thành phố ràn rạt những người là người này...

Chứng nhân lịch sử Nguyễn Đình Phương mất ở tuổi quá bát thập.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG