Khai mở một sân bay thời suy thoái

Khai mở một sân bay thời suy thoái
TP - Lần đầu Xứ Thanh có một sân bay dân dụng với đường băng, đường lăn, sân đỗ tàu bay có chất lượng tốt thứ 2 trong khu vực miền Bắc (sau Nội Bài) tại huyện Thọ Xuân. Dường như việc khai trương sân bay này ngày 5-2-2013 là một minh chứng không phải là ảm đạm mà là sinh động giữa thời kinh tế suy thoái?

> Thủ tướng trên 'hổ mang chúa' Su-30MK2
> Thủ tướng thăm Trung đoàn Không quân 923
> Thuê ô tô phục vụ sân bay Thọ Xuân

Tại sao sân bay?

Có một chi tiết quan trọng trong quy hoạch tổng thể KTXH Thanh Hóa giai đoạn đến 2020 và sau 2020 đã được Nhà nước chuẩn thuận là việc xây dựng một sân bay dân dụng. Sân bay được quy hoạch tại xã Hải Ninh - huyện Tĩnh Gia - Thanh Hóa với quy mô cấp 4C (theo phân cấp của ICAO).

Cũng chả phải ngẫu nhiên đùng cái xuất hiện sân bay Hải Ninh mà là Hải Ninh gần Khu kinh tế Nghi Sơn trong đó có Trung tâm Lọc hóa dầu.

Thời điểm mới rồi, ngày 27-1-2013 vừa hoàn tất thủ tục cuối cùng để khởi công Dự án Lọc hóa dầu lớn nhất Đông Nam Á (trên 9 tỷ USD do nước ngoài góp vốn 80%) công suất 200.000 thùng/ ngày.

Nghi Sơn như một cú hích quan trọng của vùng kinh tế miền Trung Nam Thanh Hóa Bắc Nghệ An.

Gian khó những ngày khủng hoảng suy thoái cùng là lạm phát. Nghị quyết XI thít chặt thêm hầu bao ngân sách. Như thứ bùa trấn yểm thứ yêu ma lãng phí hào phóng trời ơi.

Những cụm từ Cảng biến nước sâu, sân bay thoát trở thành nhạy cảm một thứ như cấm kỵ trong các cuộc hội nghị hội thảo, trong các văn bản hành chánh này khác tâu trình Bộ kế hoạch đầu tư cũng như Chính phủ! Thế mà đùng cái, lại có Thọ Xuân?

Phải nói là may mắn là hanh thông khi thời buổi lạm phát suy thoái này có một Dự án đầu tư trên 9 tỷ USD của nước ngoài uych một phát xuống Nghi Sơn như cái anh Lọc hóa dầu.

Không phải kiểu bấm đốt ngón tay của những anh chủ nhiệm HTX thuần nông mà là những cái đầu tỉnh thính nhạy nhất đã lường đã liệu những căn cốt hệ thống dịch vụ cho một trung tâm lọc dầu bự tổ chảng này.

Cảng nước sâu thì ông trời đã hào phóng tặng Nghi Sơn cho các con tàu khổng lồ vào ra. Và chả thể không có một sân bay?

Vài chục năm trước phải bảo quản đường băng bằng biện pháp thủ công. ảnh: TL
Vài chục năm trước phải bảo quản đường băng bằng biện pháp thủ công. ảnh: TL.

Hiện tại chưa có các chuyến bay thương mại trực tiếp đi/đến tỉnh Thanh Hóa; khách có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ phải đi đường bộ đến hai sân bay gần nhất là Nội Bài và Vinh.

Báo cáo của Bộ GTVT trình Chính phủ cho thấy cần thiết phải có một sân bay ở xứ Thanh. Công tác khảo sát thị trường cho thấy tổng dung lượng thị trường ước tính đạt khoảng 50.000 khách/năm.

Giai đoạn đầu khai thác hàng không dân dụng từ Thanh Hóa thì đường bay khả thi nhất có thể thực hiện là đường bay Thanh Hóa -Tp. Hồ Chí Minh với khách kinh doanh, công vụ dự kiến chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng lượng khách, tương đương với khoảng 6.700 lượt khách/năm.

Nhiều nhất lại là khách thăm thân: Theo thống kê hiện có khoảng 500.000 người dân gốc Thanh Hóa đang làm ăn, sinh sống tại các địa phương phía Nam, đặc biệt là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đây là nguồn khách tiềm năng chính trên thị trường hàng không giữa Thanh Hóa – TP Hồ Chí Minh, ước đạt 80% tổng dung lượng thị trường, tương đương 36.000 lượt khách/năm.

Khách du lịch và các mục đích khác thì dự kiến chỉ chiếm khoảng 5% tổng lượng khách, tương đương 2.300 lượt khách/năm.

Phần nhận xét và đánh giá trong báo cáo có đoạn: Dung lượng thị trường hàng không tại Thanh Hóa tương đối lớn, có tiềm năng phát triển.

Căn cứ vào năng lực hiện tại của các hãng hàng không Việt Nam, đặc điểm của thị trường Thanh Hóa có thể thấy trước mắt chỉ có Vietnam Airlines quan tâm khảo sát thị trường Thanh Hóa nói chung và đường bay thẳng giữa TP Hồ Chí Minh - Thanh Hóa nói riêng.

Việc Vietnam Airlines mở đường bay này sẽ hoàn thiện hơn nữa mạng bay nội địa của Vietnam Airlines, tạo sự liên kết nhanh chóng, hoàn chỉnh giữa địa phương với trung tâm kinh tế lớn của cả nước là TP Hồ Chí Minh.

Không Nghi Sơn mà là Thọ Xuân

Đã đành là cần thiết một sân bay cho Nghi Sơn nay mai và Thanh Hóa nói chung. Nhưng nhỡn tiền việc xây dựng một sân bay mới ở Thanh Hóa như Hải Ninh với kinh phí đầu tư gần 3.000 tỷ VND cực khó khả thi.

Hơn nữa, thời gian giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng sân bay mới phải mất khoảng 5 năm mới có thể đưa vào khai thác.

Người ta đã nhắm đến Thọ Xuân.

Thanh Hóa rộng dài nhưng trước năm 1945 chỉ có sân bay nhỏ Lai Thành (gần thành phố Thanh Hóa bây giờ) để phục vụ cho hậu cần phát xít Nhật. Lai Thành chỉ sử dụng một thời gian ngắn rồi để hoang. Hiện tại đã kín đặc thổ cư lẫn thổ canh.

Nhân sự kiện sắp khai trương sân bay Thọ Xuân, tôi lại có cớ để ngồi với người con trai GS Từ Giấy, phi công tiêm kích Từ Đễ. Năm 1980, trung tá Từ Đễ là Trung đoàn trưởng trung đoàn 923 (Đoàn Không quân Yên Thế) là chủ nhân sân bay quân sự Sao Vàng.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Trung đoàn không quân anh hùng 923 đã cơ động chiến đấu trên 11 sân bay thuộc 8 tỉnh bắn rơi 107 máy bay các loại của Mỹ đánh trọng thương 2 tàu khu trục thuộc Hạm đội 7.

Phi công tiêm kích Từ Đễ mưu trí quả cảm được chọn cùng phi công Lê Hồng Điệp lái 2 chiếc MiG-17 vượt qua hàng rào đánh chặn dày đặc của tiêm kích Hoa Kỳ, bí mật bất ngờ đưa MiG vào Vinh rồi vào sân bay Khe Gát tháng 4 năm 1972. Từ Khe Gát, biên đội của Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) và Lê Xuân Dị đã dùng 2 chiêc MiG đó đánh tàu hạm đội 7.

Nguyên Trung đoàn trưởng Từ Đễ nhớ lại, Sân bay Sao Vàng thuộc huyện Thọ Xuân ra đời năm 1965 do yêu cầu mở rộng mặt trận trên không của không quân ta vào Nam Khu Bốn.

Căn cứ không quân mang tầm cấp chiến lược này là nơi không quân Mỹ rình rập quyết tiêu diệt ngày đêm. Thời điểm mới ra đời, Sao Vàng rất dễ bị loại do đường băng ghi vì cứ dính bom là nền tua tủa cong vênh.

Nhưng bằng tài trí thông minh và sự quả cảm hợp đồng tác chiến giữa quân và dân Thọ Xuân Thanh Hóa, sân bay vẫn thường xuyên hoạt động. Dần dà trở thành sân bay quân sự cấp I (có đường băng chiều dài trên 2.800 mét).

Thời gian ông Từ Đễ làm trung đoàn trưởng sân bay Sao Vàng (năm 1980) Trung đoàn không quân Yên Thế đã được chuyển loại sử dụng thành thạo 42 máy bay hiện đại SU-22.

Cái hôm mới đây, tại sân bay Sao Vàng, ngắm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thị sát Đoàn không quân Yên Thế khi Thủ tướng bước lên buồng lái chiếc máy bay hiện đại SU-30 (biệt danh Hổ Mang chúa được coi là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất với rất nhiều tính năng vượt trội, có thể cùng lúc đánh chặn các loại mục tiêu trên không trên biển và mặt đất.

SU-30 bay với vận tốc siêu thanh trên 2000km/h nhưng cũng có thể bay bằng tốc độ trực thăng... với cái giá 47 triệu USD/ chiếc) không thể không dấy lên niềm tự hào lẫn so sánh rằng, nội chỉ ở sân bay Sao Vàng này thôi, từ chiếc MIG-17 của phi công tiêm kích Từ Đễ đến những SU-22 của Trung đoàn trưởng Không quân Yên Thế thời điểm 1980 và những cỗ SU-30 bây giờ, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc cùng giữ gìn chủ quyền quốc gia của các thế hệ người Việt chẳng bao giờ vơi vợi!

Sân bay Sao Vàng, thời mới này vẫn tiếp tục là căn cứ không quân chiến lược (từ những năm 80, những phi đội tiêm kích hiện đại của Đoàn không quân Yên Thế đã từng thực hiện chức năng bảo vệ canh giữ 24/24 không phận phía Bắc cùng chủ quyền Biển Đảo kể cả Trường Sa) nay vẫn nguyên vẹn nhiệm vụ cao cả thiêng liêng ấy!

Cũng từng nghe về những sân bay dùng chung dân sự và dân sự trên thế giới với những tiện ích kết hợp khác nhau. Nhưng hôm trong nhóm báo chí theo Thủ tướng thị sát Đoàn không quân Yên Thế, tranh thủ ghé qua cơ ngơi của sân bay dân dụng Thọ Xuân liền kề thì mới tường thêm nhiều nhẽ. Qua tường trình của những chuyên gia ngành giao thông, tôi biết thêm những thế đắc địa nhỡn tiền của Sao Vàng - Thọ Xuân.

Sân bay Thọ Xuân nằm tại trung tâm thị trấn Sao Vàng - Huyện Thọ Xuân, liền kề quốc lộ 47, cách các đường Hồ Chí Minh khoảng 5-7km, thành phố Thanh Hoá 36km về phía Tây, Nhà máy đường Lam Sơn 5km, khu di tích lịch sử Lam Kinh (cấp Quốc gia) khoảng 6km và khu kinh tế Nghi Sơn khoảng 50km.

Sân bay quân sự cấp I này có lợi thế kích thước đường băng 3.200x50m. Kết cấu bê tông xi măng có chiều dày trung bình 36cm. Về tĩnh không có thể cất - hạ cánh theo cả hai chiều. Rồi hệ thống đường lăn chính kích thước 3.200x;25m. Ngoài ra còn có đường lăn thoát nhanh, sân đỗ ưu việt, cùng công trình đài trạm thông tin khá hiện đại.

Hiện tại, hệ thống hạ tầng khu bay của sân bay Thọ Xuân có đường băng, đường lăn, sân đỗ tàu bay của sân bay Thọ Xuân với chất lượng tốt thứ 2 trong khu vực miền Bắc (sau Nội Bài), đảm bảo vừa khai thác bay quân sự vừa khai thác bay dân dụng với các loại tàu bay A320, A321, A330, B777.

Lại có sân đỗ khác dự định dành cho dân dụng hiện tại có thể bố trí được 13 vị trí đỗ tàu bay A320 hoặc 6-7 tàu bay B777, A330; đảm bảo đủ điều kiện đóng vai trò dự bị cho Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.

Cái lợi về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đã rõ. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay Thọ Xuân góp phần nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Ngoài ra Sân bay Thọ Xuân có thể đóng vai trò là sân bay dự bị cho các sân bay như Nội Bài, Cát Bi, Vinh, đặc biệt là đối với các loại máy bay thân rộng code E của Vietnam Airlines mà hiện nay phải lấy sân bay Đà Nẵng làm sân bay dự bị.

So sánh với việc đầu tư vào sân bay tại Tĩnh Gia thì việc đầu tư trước mắt tại sân bay Thọ Xuân sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư nhiều do tận dụng được cơ sở hạ tầng hiện có, có thể khai thác hàng không dân dụng trong thời gian sớm hơn so với đầu tư xây dựng một sân bay mới.

Trong khi đó việc sử dụng một phần năng lực sân bay Thọ Xuân để khai thác hàng không dân dụng sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng ngân sách.

Sân bay quân sự dân sự dùng chung kết hợp được phát triển kinh tế an ninh quốc phòng. Đồng thời rút ngắn được thời gian đầu tư, tăng hiệu quả đầu tư.

Được biết thêm, bằng những cố gắng rất lớn của cả Thanh Hóa và ngành giao thông cùng với lục Bộ ( Bộ Quốc phòng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường), kế hoạch là phải gần 2 năm mới có thể đưa sân bay Thọ Xuân vào khai thác nhưng bữa Thủ tướng ghé thăm mọi việc đã hoàn tất vượt thời gian nhiều ngày!

Cũng biết thêm, dự kiến tổng chi phí để đưa sân bay Thọ Xuân vào khai thác đầu năm 2013 khoảng 250 tỷ đồng lấy từ nguồn vốn của tỉnh Thanh Hoá và doanh nghiệp.

Ngay sau khi sân bay Thọ Xuân được đưa vào khai thác dân dụng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ mở tuyến đường bay Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh - Thanh Hóa với tần suất 5 chuyến/tuần với tàu bay A321 và sẽ tăng tần suất bay nếu lưu lượng hành khách tăng cao.

Sân bay mới Thọ Xuân cũng đang còn những bề bộn dang dở của cái anh đương sắp sửa tách hộ ra ở riêng.

Tỷ như việc Quy hoạch các khu hàng không dân dụng như Nhà ga hành khách (Giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng mới nhà ga hành khách ở phía Nam sân đỗ máy bay có diện tích 2.500m2, đến năm 2030: Mở rộng Nhà ga hành khách đạt diện tích 7.500m2) Rồi phải tiếp tục xây dựng hoàn thiện Nhà điều hành sân bay, Khu dịch vụ, thương mại sân bay, Khu cảng vụ hàng không, Khu chế biến suất ăn: Giai đoạn định hướng đến năm 2030: Xây dựng mới khu chế biến suất ăn với diện tích khoảng 1.000m2.

Quy hoạch khu quản lý, điều hành bay theo các tiêu chuẩn của ICAO vv... Nghe như hàng rào bảo vệ sân bay chưa có? Chợt giật mình nhớ lần sắp xuống sân bay Nà Sản, chiếc ART -72 cứ lượn mãi vì có đàn bò cứ quẩn ở bên dưới...

Lẩm nhẩm theo cái vanh vách của một ông bên hàng không rằng hiện nay ở Việt Nam có tổng cộng 21 sân bay có hoạt động bay dân sự trong đó có 8 sân bay quốc tế. Bây giờ Sao Vàng - Thọ Xuân nữa là 22. Nếu được trở thành Cảng hàng không quốc tế hay không thì hẵng còn dài dặc lẫn gian nan lắm?

Hàng không Việt Nam chắc thời điểm này đang làm 2 việc nhập xuất? Nhập là bổ sung Sân bay Thọ Xuân - Tỉnh Thanh Hoá vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay dân dụng toàn quốc giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Xuất là việc đưa Sân bay Thanh Hóa tại Hải Ninh (huyện Tĩnh Gia) ra khỏi... quy hoạch!

Mong, cầu sân bay dân dụng đầu tiên của xứ Thanh thọ và xuân mãi!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG