Có một Đội quân báo thiếu  niên

Có một Đội quân báo thiếu  niên
TP - Hầu hết ở lứa tuổi 15-16, có người lúc đó mới 11-12. Được tung vào Hà Nội trong thời gian nội thành bị tạm chiếm sau năm 1946, các đội viên đã bám sát địa bàn, gây dựng cơ sở bí mật trong gia đình công nhân, trí thức, đưa đón cán bộ ra vào an toàn, tham gia tiễu trừ Việt gian...

> Vinh danh Anh hùng Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt

Bài 1: Mở đường về Hà Nội tạm chiếm

Nhận nhiệm vụ lãnh đạo Công an quận 6 giao, chỉ với chiếc la bàn trong tay, 5 thiếu niên dò dẫm trong đêm tối, băng qua nhiều cánh đồng, làng mạc, bãi tha ma, đồn bốt địch, tìm lối đi bí mật đưa đón cán bộ ra vào nội thành hoạt động. Người tổ trưởng 16 tuổi năm ấy nay đã ngoài bát thập.

Các thành viên “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” trong một lần hội ngộ (Ảnh tư liệu)
Các thành viên “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” trong một lần hội ngộ. (Ảnh tư liệu).

Trở lại Hà Nội

Trong căn nhà tại Khu tập thể Bộ Công an (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội), ông Trần Vân (tên thật Hoàng Văn Quyến) còn vẹn nguyên kí ức thời khắc lịch sử được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ mở đường.

Chiều 18/2/1947, tại đình làng Huỳnh Cung (Tam Hiệp, Thanh Trì), các đội viên Đội tình báo Thiếu niên Bát Sắt được lệnh tập hợp để nghe đồng chí Lê Quang Hòa, Quận trưởng Công an quận 6 - Hà Nội giao nhiệm vụ.

Vốn là những liên lạc viên nhí của những đơn vị chiến đấu mặt trận nam Hà Nội, các chú bé gần như reo lên khi biết mình được giao nhiệm vụ quay lại nội thành.

“Nhiệm vụ các em làm hôm nay sẽ đi vào lịch sử” - anh Hòa nói, rồi giao cho tổ trưởng Trần Vân một chiếc la bàn và tấm bản đồ tham mưu 1/1.000.000 của Pháp vẽ vùng nam Hà Nội.

“Lúc đó, chúng tôi chỉ biết nhận nhiệm vụ, vui sướng lắm vì được trở về Hà Nội, đâu biết chuyến đi này là thực hiện Chỉ thị của Bác Hồ, mở đường đưa cán bộ vào hoạt động trong lòng địch. Cùng tổ tôi có 2 người cùng 16 tuổi, nhưng vì chắc tính tôi thích xung phong nên được giao làm tổ trưởng” - ông Trần Vân nói.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại tướng - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho “Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt”
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại tướng - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho “Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt”.

 Cuộc họp mặt này một lần nữa khẳng định Đội quân báo thiếu niên Công an quận 6 là có thật, nó cần được thể hiện bằng tiểu thuyết, lịch sử...

Nguyên Giám đốc Công an Hà Nội Phạm Tâm Long

Sau khi thống nhất kế hoạch, ngay đêm hôm sau, dưới hình hài là những thiếu niên nghèo Hà Nội lạc gia đình, tổ trưởng Trần Vân cùng 4 đội viên được Đội trưởng tiễn đến đền Lừ. Không thể đi theo đường cái vì vướng đồn bốt địch, tổ vượt đường Đại La, men theo nghĩa trang Hợp Thiện vào cánh đồng hoang đầy cỏ dại Lạc Trung.

Hồi đó, nơi đây còn là ngoại thành Hà Nội, hoang sơ với nhiều bãi lầy, nghĩa trang, những hố chôn tập thể sau nạn đói năm 1946. Phần lớn người Hà Nội đã tản cư theo kháng chiến. Những làng mạc, khu phố sầm uất giờ không một bóng người...

Đêm 30, Hà Nội không một ngọn đèn. “Tôi đi trước cầm la bàn, không may sụt vào bãi lầy, không chết nhưng bị mất chiếc la bàn...” - ông Vân kể. May thay, mò mẫm qua Lạc Trung lên Thanh Nhàn vào rạng sáng hôm sau, tổ nhận ra địa bàn hoạt động cũ của mình. Vừa đói vừa rét, tổ vào một ngôi nhà hoang nghỉ qua đêm, đem bỏng ngô và đỗ tương rang khô tẩm mật ra ăn dằn lòng...

Trời sáng hẳn, tổ chia nhau đi các ngả nắm tình hình, tìm đường vào nội thành Hà Nội. Đến rạng sáng 21/2/1947, năm đội viên quay ra đến đền Lừ an toàn, báo cáo cấp trên: Đường bí mật đã mở, ta có thể tiến vào nội thành mà địch không biết.

Sống trong lòng địch

Những ngày tiếp theo, Đội quân báo thiếu niên Bát Sắt tiếp tục trở lại đường cũ, gây dựng cơ sở bảo vệ tuyệt đối an toàn con đường bí mật. Các đội viên thuyết phục được một tù binh mới được Pháp thả, sống ở làng Thanh Nhàn làm cơ sở cho cán bộ nghỉ chân khi mệt mỏi, chia sẻ lương thực khi đói; vận động được một thanh niên làm ở Phòng Thông tin của Pháp cung cấp báo, bản tin...

“Một thời gian sau, qua các nhân mối của ta, nhiều đội viên Bát Sắt được cài vào làm bồi bàn ở tiệm nhảy nơi quân Pháp hay lui tới. Trong vai những em bồi bàn vô hại, các đội viên nắm được nhiều thông tin địch nói chuyện trong lúc ăn nhậu, kịp thời báo ra vùng tự do. Nhiều trận càn sau đó, địch đánh vào chỗ không người do ta thông tin kịp để cán bộ rút” - ông Vân nhấp ngụm trà, kể tiếp.

Bia di tích “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” đặt tại Đình Huỳnh Cung, Tam Hiệp, Thanh Trì (Hà Nội) ghi: “Nơi đây, ngày 19/2/1947, Đội quân báo thiếu nhi, tiền thân của Trạm giao thông và Trung đội Thiếu niên Bát Sắt Công an quận 6 đã làm lễ tuyên thệ bí mật, xuất phát trở về vùng tạm chiếm Hà Nội tiếp tục chiến đấu chống thực dân Pháp”.

Trong khoảng hai năm hoạt động, khó kể hết những việc Đội quân báo thiếu niên Bát Sắt đã làm. Đưa đón cán bộ ra vào nội thành hoạt động. Cắm cờ Tổ quốc lên đỉnh tháp Rùa. Rải truyền đơn, dán áp phích dọc Phố Huế - Hàng Bài nhân kỷ niệm sinh nhật Bác. Đưa thư của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời một số nhân sĩ trí thức sống trong nội thành ra vùng tự do, không hợp tác với Pháp, không tham gia lập chính quyền bù nhìn...

Kỷ yếu Đội thiếu niên Bát Sắt ghi, đơn vị đã chuyển thành công thư của Bác Hồ và Chính phủ đến tay vợ chồng giáo sư Hoàng Xuân Hãn và qua đó liên lạc được với cha con cụ Phạm Khắc Hòe, kỹ sư Đặng Phúc Thông, bác sỹ phụ trách Bệnh viện Phủ Doãn - Phạm Biểu Tâm, nhà nghiên cứu văn học - nhà giáo dục Dương Quảng Hàm và nhiều nhân sỹ khác... Một đêm tháng 8/1947, Đội dẫn đường đưa 3 cha con cụ Phạm Khắc Hòe và vợ chồng kỹ sư Đặng Phúc Thông rời Hà Nội, về hậu phương an toàn theo kháng chiến...

Đến khoảng giữa năm 1948, do Công an Hà Nội cơ cấu lại tổ chức, Đội quân báo thiếu niên Bát Sắt được giải thể. “Đội viên được chuyển vào các đơn vị khác của Công an Hà Nội, hoặc vào bộ đội rồi bặt tin nhau. Mãi đến năm 1987...” - ông Trần Vân bùi ngùi.

Hội ngộ sau 40 năm

Về phần ông Trần Vân, sau đó lập gia đình với một cô gái Hà Nội, chính là người con gái trong gia đình đã nuôi giấu ông hoạt động trong thời gian trên. Sau này, ông Vân tiếp tục theo ngành công an, làm đến vị trí Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

“Hai con gái tôi cũng theo ngành bố, giờ đã nghỉ hưu cả rồi, bà nhà tôi thì mới mất cách đây 2 năm. Thời gian thấm thoắt, cả Đội hơn 30 người nay cũng chỉ còn khoảng non nửa còn sống” - ông Vân nói.

Ông Trần Vân, Tổ trưởng Tổ mở đường về Hà Nội tạm chiếm vẫn minh mẫn ở tuổi 83
Ông Trần Vân, Tổ trưởng Tổ mở đường về Hà Nội tạm chiếm vẫn minh mẫn ở tuổi 83.

Năm 1987, diễn ra cuộc hội ngộ đầu tiên của những đội viên Bát Sắt sau gần 40 năm. “Hồi đó, phải cảm ơn anh Phạm Tâm Long, Giám đốc Công an Hà Nội, đã tổ chức cuộc gặp mặt để chúng tôi tìm lại được nhau” - ông Vân nói.

Theo ông Trần Vân, vì phải đảm bảo bí mật, chỉ đến hôm hội ngộ đầu tiên đó, các đội viên Bát Sắt mới biết mặt nhau đầy đủ. Người còn, người đã hy sinh, người mất liên lạc.

“Cuộc họp mặt này một lần nữa khẳng định Đội quân báo thiếu niên Công an quận 6 là có thật, nó cần được thể hiện bằng tiểu thuyết, lịch sử...” - Giám đốc Công an Hà Nội Phạm Tâm Long nói tại buổi gặp mặt.

Từ cuộc gặp đầu tiên này, việc dựng lại lịch sử Đội quân báo thiếu niên Bát Sắt được quan tâm nhiều hơn từ các cấp công an. Dịp Tết Quý Tỵvừa qua, Đội vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng, Nhà nước trao tặng.

Vinh quang này có phần đóng góp rất lớn của một đội viên, người làm sống lại Đội thiếu niên Bát Sắt với tác phẩm văn học cùng tên, từng là cuốn sách bán chạy nhất sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG