'Bài ca chim Chơrao' và trái tim tôi

'Bài ca chim Chơrao' và trái tim tôi
TP - LTS: Ngày 17/6 tới là kỷ niệm 10 năm nhà thơ Thu Bồn ra đi, NXB Hội Nhà văn xuất bản cuốn sách Tráng sĩ hề dâu bể, tập hợp một số bài thơ nổi tiếng của Thu Bồn và kỷ niệm của bạn bè với nhà thơ.

Tiền Phong trích in bài viết của Thu Bồn trong tập sách, là những hồi ức cảm động gắn liền với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông - Bài ca chim Chơrao.

Năm 1962 tôi được lệnh anh Vân, Cục trưởng Cục Chính trị Bộ tư lệnh Trung Trung Bộ (bao gồm cả Trị Thiên - Huế) ra trạm Cà Tu - ranh giới Lào - Kon Tum, để đón chặn đường anh Thanh Hải từ Huế vào nhận công tác ở Trung ương Cục.

Trung ương mời anh Thanh Hải trở ra Hà Nội để thành lập phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên Thế giới tại Henxanhki. Tôi rất mừng vì tuy nghe tiếng Thanh Hải, nhưng chúng tôi đã gặp mặt anh lần nào đâu, đây là dịp để chúng tôi tâm sự và trao đổi về thơ ca. Anh Thanh Hải hồi đó đã nổi tiếng với Mồ anh hoa nở và nhiều bài thơ khác.

Sau khi truyền đạt ý kiến của Trung ương cho Thanh Hải, tôi nhờ anh đem giùm ra Bắc cho tôi tập trường ca Bài ca chim Chơrao. Tôi dặn đi dặn lại anh cẩn thận vì tôi chỉ có một bản viết bằng quyển vở học sinh, nếu mất thì tôi chẳng biết làm sao nhớ nổi. Thanh Hải tươi cười: Mình có thể bị rớt mất chứ bản thảo của cậu thì không thể nào!

Thế là trường ca của tôi mất hút giữa biên giới Lào – Việt. Mãi đến cuối năm tôi nghe Đài Phát thanh Hà Nội tường thuật buổi đón tiếp của nhân dân Lạng Sơn mừng phái đoàn Mặt trận Giải phóng miền Nam do ông Nguyễn Văn Hiếu làm trưởng đoàn. Thanh Hải có mặt trong đoàn và anh đọc thơ:

Cách nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây...

Thanh Hải còn đó nhưng Bài ca chim Chơrao của tôi ở đâu? Tôi lo ngay ngáy nhưng vẫn tin tưởng Thanh Hải còn đó, thì bản trường ca của tôi không thể nào thất lạc được.

Đầu năm 1965 tôi được phái đến vùng ba biên giới để rình đón thời cơ đánh bọn kỵ binh bay tại Pờlâymê. Dọc đường CO2 Tây Bắc tôi được gặp một đơn vị dân chính từ Hà Nội vào Ông Cụ (mật danh Trung ương Cục) để thành lập Trường Đại học Giải phóng. Tình cờ tôi gặp đứa cháu tên là Yên Du cùng đi trong đoàn. Yên Du mừng rỡ báo tin báo Văn nghệ đã in bản trường ca Bài ca chim Chơrao và giới thiệu trang trọng bằng một tờ phụ trang xấp lại thành một tập thơ.

Lũ làng ơi! Tôi kêu lên giữa nhà rông hoang vắng mốc meo – cái tờ giấy có mồm nói cho người cả nước cùng nghe bài ca của làng mình đây! – Tôi hú lên. Bên kia vách rừng PaLơnKhơn vang vọng lại tiếng hú tôi.

Tôi mừng quá ôm Yên Du mà khóc. Niềm vui sướng đâu dừng tại đó. Một người bạn của cháu tôi lại cho biết: Anh có mang theo tờ Văn Nghệ từ Hà Nội, trong đó có phụ trang trường ca Bài ca chim Chơrao. Anh mở ba lô tìm tờ báo. Hai bàn tay xanh xao của tôi cầm tờ báo từ tay anh, run rẩy. Các anh Lê Anh Xuân, Hồng Tân cùng đi trong đoàn đến chúc mừng tôi, chia sẻ niềm vui. Đoàn dân chính tiếp tục đi về phía Nam. Anh bạn mải miết sắp xếp lại ba lô nên bị trễ, phải chạy mới đuổi theo kịp đơn vị. (Người bạn của cháu tôi là anh Đinh Phong, hiện nay là Phó Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM).

Tôi mang tờ Văn Nghệ có bản trường ca, đi bộ suốt mười lăm ngày vượt qua một cung đường nguy hiểm nhất Pờlâymê để đến với cái làng Đêpapơlênh – cái làng đã đẻ ra bản trường ca của tôi. Tôi tìm ông già SiuKen người từng thổi kèn Đinh năm cho tôi nghe và cô gái xinh đẹp HơTó thường đốt lửa lồ ô và nứa suốt đêm cho tôi ngồi viết bản trường ca.

Lũ làng ơi! Tôi kêu lên giữa nhà rông hoang vắng mốc meo – cái tờ giấy có mồm nói cho người cả nước cùng nghe bài ca của làng mình đây! – Tôi hú lên. Bên kia vách rừng PaLơnKhơn vang vọng lại tiếng hú tôi.

Đến trưa, ông già SiuKen cùng cô cháu gái HơTó từ rừng về. Ông già ngỡ ngàng nhìn tôi một chút rồi cười như mếu. Ông lấy bàn tay quệt giọt nước mắt đương nhòe với mồ hôi trên gò má. Lũ làng lục đục kéo về.

Lệnh sơ tán B52 - Ông già nói và kéo tôi ngồi xuống giữa nhà rông.

Tôi đem tờ Văn Nghệ trải ra trên chiếc nóp cho cả làng cùng xem. Ông già chỉ tay lên chỗ ché rượu được họa sĩ minh họa, gật gù. HơTó nhìn mấy con chim hạc đương sải cánh trên trang báo có chữ in bằng màu xanh lá cây, mỉm cười.

Trên đời này có hạnh phúc nào bằng giây phút ấy. Ông già SiuKen có ý đề nghị tôi xé tờ báo ra cho mỗi người một mảnh. Cả lũ làng cùng cười ngất nghểu.

Gương mặt nghệ sĩ của Thu Bồn
Gương mặt nghệ sĩ của Thu Bồn.

Nhưng niềm vui chưa được tày gang thì tan biến mất. Trời như có một đám mây đen đương sầm xuống núi. Nhà rông rung lên cùng với tiếng thét gào. Tôi thấy lạnh nhói sau lưng, chỉ kịp nhảy xuống đất. Một đợt bom như bất tận rung lên trong óc tôi.

Thế là trong phút chốc cả nhà rông tan biến, tờ báo Văn Nghệ có mang theo Bài ca chim Chơrao của tôi cùng với ba lô đồ đạc và đau khổ hơn hết là máu. Máu của lũ làng đã đổ. Và những chiếc trực thăng như trồng ngược lên từ phía sau dãy núi bắn xối xả xuống làng buôn. Cuộc đụng độ của sư đoàn kỵ binh bay và quân chủ lực của Bộ đã bắt đầu. Lửa cháy rực cao nguyên. Sắt thép và máu tung tóe suốt mười ngày đêm.

Ông già SiuKen và cô cháu HơTó cùng một số dân làng bị thương - Bài ca chim Chơrao cùng với trái tim tôi tan nát.

Tôi suýt bị kỷ luật về chuyện này vì tập trung dân làng và đã rời mặt trận, nhưng Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp “tha bổng” vì sau đó cùng với người anh hùng Kơpa Klơn, tôi đã đến được chiến trường và viết tiếp trường ca Trên đỉnh Chư Pông.

Một năm sau, tôi biết thêm qua Đài Phát thanh và thư của anh Bảo Định Giang gởi vào: Bài ca chim Chơrao từ báo Văn Nghệ được in thành sách rất đẹp, bìa do họa sĩ Văn Cao vẽ. Vui hơn nữa là Bài ca chim Chơrao được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu. Tôi như nghẹt thở trong niềm vui xúc động. Nhem nhuốc trong tro than làm rẫy, nhầy nhụa trong những trận bom vùi chí tử, lam lũ qua những trận đói, nhưng lòng vui phơi phới. Tôi được nghe qua đài tập trường ca được dịch ra tiếng Trung Quốc in hàng mấy vạn bản do nhà văn Trung Đức dịch, Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc in cùng với tác phẩm Sống như anh của Trần Đình Vân.

Năm 1968, sau Mậu Thân tôi bị thương phải ra Bắc điều trị, nằm ở hang đá Khả Phong, Nam Hà. Anh Doãn Triều đi mô tô vào chở tôi ra Hà Nội. Tôi được tiếp xúc những bài bình luận và những chi tiết sôi động về chiến dịch phát hành tờ báo Văn Nghệ trong cả nước có giới thiệu Bài ca chim Chơrao.

Niềm vui lại đến với tôi như lúa được mùa: năm 1973, tôi được đi ba nước để nhận Giải thưởng quốc tế của Hội Nhà văn Á-Phi – Giải thưởng Lotus. Cùng trong giai đoạn đó, có những nhà văn Á-Phi được tặng giải Lotus như Tổng thống Ăngôla Néttô, Katép Laxin (Angiêri), Gia-Hia (Ấn Độ)... Lễ trao giải làm ở một số nước trong châu lục cho long trọng và có tính chất phát huy ảnh hưởng của Hội Nhà văn Á-Phi.

Tôi đến Tây Bán Cầu để dự đêm thơ Á-Phi. Tại Luanđa, thủ đô Ăngôla, anh Tô Hoài, Nguyên Ngọc và tôi được Tổng thống Néttô chiêu đãi và coi nhà văn Việt Nam như những khách quý.

Đêm thơ Á-Phi bắt đầu. Tổng thống Néttô và phu nhân cùng đến dự. Néttô đọc bài thơ Ngọn cỏ rồi đến Ximônôp – nhà thơ Liên Xô. Người thứ ba là tôi. Sau khi nghe Ximônôp giới thiệu: Thu Bồn tác giả Bài ca chim Chơrao được giải thưởng Lotus từ chiến trường Việt Nam đến, hội trường rung lên và tất cả đều đứng dậy hô to: “Việt Nam! Việt Nam! Hồ Chí Minh!”. Tôi xúc động muốn trào nước mắt khi bà Auguttô, phu nhân của Tổng thống lên tặng cho tôi một bó hoa.

Tôi được giải thưởng người đọc thơ hay trong đêm thơ Á-Phi.

Mang vinh quang còn nồng ấm tình người tôi đến, Ấn Độ. Thật không có gì tả nổi tấm lòng của những người dân Ấn. Các nhà văn và các em thiếu nhi ra tận sân bay đón, choàng vòng hoa vạn thọ vào cổ chúng tôi.

Bà Gia Hia, nhà văn lớn Ấn Độ nhận tôi làm con nuôi. Trong đêm trao giải, bà Thủ tướng Găng Đi biết tôi đến, có nhã ý đặc biệt gởi tặng một số máu khô của nhân dân Ấn Độ gởi đến các chiến sĩ và đồng bào miền Nam Việt Nam.

Tay tôi run lên khi nhận món quà và hứa sẽ đem về Tổ quốc tôi những giọt máu của nhân dân Ấn Độ và tôi cũng nhờ anh Tô Hoài mang số tiền giải thưởng của tôi về tặng cho đồng bào phố Khâm Thiên bị bom B52 của Mỹ.

Còn nhiều kỷ niệm không quên nữa, nhưng tôi muốn nói ở đây một điều tâm huyết. Một chi tiết mà tôi còn giữ mãi trong lòng nếu không phải nói là khắc cốt ghi xương. Khi các anh ở báo Văn Nghệ nhận được bản thảo của tôi từ tay nhà thơ Thanh Hải mang từ biên giới Kon Tum - Lào ra Hà Nội, các anh đã chăm chút gần như trân trọng. Nhà thơ Yến Lan, nhà thơ Trinh Đường và cả nhà thơ Khương Hữu Dụng đã bàn bạc cùng nhau sửa chữa một câu thơ tôi viết tả về cái chết của tên Chánh tổng Lum:

...Sáng hôm sau hắn treo cổ trên cành cây...

Các anh đã chữa lại là:

Sáng hôm sau... cành cây treo cổ nó

Anh Yến Lan nói rằng, Lum không thể tự đến treo cổ trên cành cây mà phải nói đến sự trừng phạt của nhân dân, của núi rừng đối với tên ác ôn. Và các anh đã sửa chữa như vậy, xin phép tác giả đừng buồn!

Suối Lồ Ồ, đêm 12/4/1998

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.