Hành trình 'công lý' Hoàng Sa

Hành trình 'công lý' Hoàng Sa
TP - Dày công sưu tầm, hiến tặng, tổ chức triển lãm quy mô lớn về các tư liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam... cái tên Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ, không còn xa lạ. Anh đang ấp ủ đem hành trình “công lý” Hoàng Sa này ra triển lãm khắp trời Tây.

> Giới thiệu 4 bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam
> Lắp đặt bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa tại 15 điểm

TÂM NGUYỆN VỚI HOÀNG SA

Bỏ gần tháng trời cùng những bộn bề công việc tại Cty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney (Mỹ), anh Thắng vừa về Việt Nam, mang theo tư liệu quý tặng chính quyền Hoàng Sa (Đà Nẵng) và phục vụ triển lãm. Nhiều lần trao đổi qua mail, điện thoại, song lần gặp đầu tiên với anh tại TP Đà Nẵng, phóng viên vẫn bất ngờ, sau dáng vẻ nhỏ thó là tâm nguyện lớn của anh với Hoàng Sa.

Theo anh Trần Thắng, trong bối cảnh hiện nay việc giữ chủ quyền gắn liền với an ninh hàng hải
Theo anh Trần Thắng, trong bối cảnh hiện nay việc giữ chủ quyền gắn liền với an ninh hàng hải.

Hơn 10 file ảnh, 2 phiên bản bản đồ gốc bổ sung bộ sưu tập hàng trăm tư liệu được anh gửi tặng Đà Nẵng. Trong đó, bản đồ cổ “Đế chế Trung Hoa” do phương Tây vẽ, xác định lãnh thổ Trung Quốc không hề có Hoàng Sa, Trường Sa.

Một bản đồ “Đông Ấn Độ” do Herman Moll, nhà bản đồ học nổi tiếng người Đức vẽ và xuất bản tại Luân Đôn, chỉ rõ Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong lãnh hải của Việt Nam. “Hai bản đồ gốc này được chuyển về Hà Nội để phục vụ đợt trưng bày, triển lãm tới”, anh Thắng nói.

Quê gốc Quảng Ngãi, từ năm 1991, anh Thắng cùng gia đình sang định cư tại Mỹ, tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí của trường ĐH Connecticut, và làm việc tại Cty chuyên sản xuất động cơ máy bay danh tiếng của Mỹ.

Vốn là “tay chơi” đồ cổ, nhưng khi những vấn đề Biển Đông được nhiều người quan tâm, công tác sưu tầm, nghiên cứu tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam Hoàng Sa, Trường Sa được chú trọng, gần năm nay, anh Thắng lưu tâm và phát hiện hàng loạt bản đồ cổ, quý liên quan chủ quyền ở biển Đông.

Sau giờ làm việc, anh Thắng tìm kiếm trên các trang mạng, đến bảo tàng truyền thống, liên hệ các chuyên gia, bạn bè để xác định và sưu tập bản đồ.

Bên quán cà phê trên đường Pasteur (Đà Nẵng), anh Trần Thắng nói: Mỗi bản đồ, atlas được tìm thấy là cả hành trình đầy cảm xúc. Nhớ nhất lần tìm gặp cuốn atlas 1933, tựa “Postal Atlas of China” do Cục Bưu Chính phát hành (Directorate General of Posts) phát hành tại Nam Kinh.

Vốn hay truy cập Ebay để tìm kiếm thông tin đồ cổ, tháng 8 năm trước, anh Thắng tình cờ phát hiện dòng thông tin cuốn atlas trên đang được một người tên Kevin Brown rao bán, tại TP New York. Giá rao lên đến 5.000 USD không làm anh lo ngại. Ngay trong ngày, anh xin nghỉ việc công ty, chạy xe một mạch đến nhà ông bán bản đồ.

 “Các bộ bản đồ, atlas do anh Thắng sưu tầm, hiến tặng có ý nghĩa hết sức thiết thực, góp phần tạo chứng lý trong cuộc đấu tranh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Điều này xuất phát từ ý thức, trách nhiệm, lòng yêu nước của một người con xa xứ”. 

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết

Vừa bước vào tiệm, anh Thắng choáng ngợp giữa không gian la liệt các bản đồ cổ. Kevin Brown vốn là chuyên gia về bản đồ và thành viên của Hội bản đồ Mỹ và Thế giới. “Không để khách chờ lâu, ông ta mang ra cuốn atlas tôi đang cần, nó to khủng khiếp. Chưa bao giờ tôi thấy sách to thế. Sách có kích thước 62 x 38cm, bản đồ có kích thước 62 x 76 cm, được in bằng 3 ngôn ngữ Trung, Anh, Pháp. Tay tôi run lên hồi hộp, lật từng trang. Không hiểu nhiều về những thứ tiếng cổ, tiếng Trung, tôi chỉ tập trung tìm kiếm 2 chữ “Paracel & Pratly”.

Đến cuối sách, vẫn không có. Tôi reo lên mừng rỡ, đúng như bản đồ trang đầu tiên của altat khẳng định: Miền nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam và bản đồ của Trung Hoa vốn chỉ dừng lại tại đây”, anh Thắng kể bằng tiếng Việt lơ lớ của người xa quê lâu năm.

Không thể để lọt mất sách quý, anh Thắng nhờ người quen dịch kiểm chứng thông tin, liên lạc với Sứ quán Việt Nam tại Washington DC về sách này, rồi trực tiếp kêu gọi bạn bè ủng hộ mua sách. Ngày đặt tiền, nhận sách từ Kevin Brown, anh Thắng ôm chặt sách vào lòng.

“Lúc đó tôi chưa nghĩ sẽ dùng sách vào việc gì. Nhưng chỉ cần trả sách về đúng giá trị của nó là tôi đã rất vui rồi. Brown quan tâm giá trị nghệ thuật của tấm bản đồ cổ hơn là những đo vẽ về địa lý. Với tôi, đây chính là những bằng chứng “công lý” không thể chối cãi cho chủ quyền Hoàng Sa,Trường Sa của Việt Nam”, anh Thắng chia sẻ.

TS Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng, cho hay: Đến nay, anh Thắng gửi tặng Đà Nẵng 3 tập atlas, 137 tờ bản đồ gốc, gần 40 file (những phiên bản bản đồ, mua quyền sử dụng) cổ do chính Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới xuất bản, có niên đại từ 30 đến gần 400 năm. Trong đó, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền lịch sử, lâu đời, liên tục của Việt Nam; cương giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.

XUYÊN VIỆT VÀ SANG TRỜI TÂY

Anh Thắng (trái) và ông Ngữ thẩm định giá trị 2 bản đồ cổ Đông Ấn Độ và Đế chế Trung Hoa
Anh Thắng (trái) và ông Ngữ thẩm định giá trị 2 bản đồ cổ Đông Ấn Độ và Đế chế Trung Hoa.
 

Theo Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ, toàn bộ tư liệu do anh Trần Thắng gửi về được kiểm tra, thẩm định và được tổ chức nhiều cuộc triển lãm trưng bày phục vụ người dân. Hàng loạt cuộc triển lãm quy mô lớn với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử” được Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Tĩnh, Hà Nội và mới đây tại TPHCM tạo sức hút dư luận.

Trong đó, 80% tư liệu tại cuộc triển lãm này là từ số bản đồ anh Trần Thắng hiến tặng cho Đà Nẵng, còn lại do Bộ TT&TT sưu tầm, nghiên cứu. Hành trình triển lãm dự kiến đến 10 tỉnh thành trên cả nước.

Theo TS Sơn, các bản đồ cổ của anh Trần Thắng sẽ được hệ thống để xuất bản thành sách. Bản thảo “Tập bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” đang được khẩn trường hoàn thành, trình các ban ngành chức năng thẩm định dự kiến trong tháng 8 này. Tập bản đồ này sẽ do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản.

Ước lượng sẽ có khoảng 150 bản đồ từ nguồn tư liệu quý giá của anh Trần Thắng, TS Sơn, TS Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. TS Sơn ấp ủ triển khai đề tài khoa học chú giải các thuật ngữ trên hệ thống các bản đồ cổ này. “Nhiều người xem bản đồ nhưng không hiểu hết thuật ngữ cổ. Số lượng từ mục cần chú giải ở các bản đồ cổ này là rất lớn”, ông Sơn nói.

Bản thân vị tiến sĩ này vừa kết thúc đợt công tác dài ngày trên đất Mỹ để trực tiếp nói chuyện với sinh viên một số trường ĐH Mỹ về vấn đề biển Đông, quá trình ngoại giao thời nhà Nguyễn (Việt Nam); cố vấn nội dung cho bộ phim dài tập về biển đảo và tìm kiếm các tư liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa...

Ông Sơn nhận thấy: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ lưu trữ không ít bản đồ liên quan đến biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Bản thân ông đã “thu hoạch” được nhiều tư liệu mới, có giá trị cao tạo thêm bằng chứng lịch sử chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, để chuẩn bị công bố.

“Tôi tin rằng hành trình giới thiệu về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam còn đi rất xa để khẳng định về chủ quyền của Việt Nam” – anh Thắng dự định mang tư liệu chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam sang Mỹ, Nhật, Anh, Úc, Hà Lan... để tổ chức triển lãm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG